Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”
Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 104 - KH/BTGTU ngày 11/7/2023 về việc tuyên truyền về Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính đột phá cho việc triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô.
Mục đích của Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng chính sách, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm bổ sung, hoàn thiện Luật Thủ đô, góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị;
Đề cao sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền Thành phố, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan Trung ương, địa phương trong nước, doanh nghiệp và toàn xã hội trong quá trình xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội; Vận động, khuyến khích Nhân dân, tạo sự tham gia tích cực của toàn xã hội vào công tác xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát việc thi hành pháp luật Thủ đô nói chung và Luật Thủ đô (sửa đổi) nói riêng;
Việc tuyên truyền nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí của Trung ương và Thành phố; trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị Thành phố trong thực hiện truyền thông theo từng chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo lĩnh vực và quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tuyên truyền nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn của Luật Thủ đô, kết quả triển khai thực hiện Luật Thủ đô trong những năm qua; Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Luật Thủ đô (sửa đổi); khẳng định việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính đột phá cho việc triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị; Quan điểm, định hướng xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Tuyên truyền về các chính sách đề xuất sửa đổi khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Về sức lan tỏa, tác động của Luật Thủ đô (sửa đổi) tới xã hội, hệ thống chính trị Trung ương, địa phương, các cơ quan, ban, ngành thành phố Hà Nội, Nhân dân Thủ đô, vùng Thủ đô và cả nước; Tuyên truyền về công tác chuẩn bị các nội dung phục vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); công tác khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia...; Tuyên truyền về những góp ý, ý kiến tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi);
Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Hội thảo nhằm tranh thủ, tận dụng năng lực nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học thuộc các cơ sở đào tạo đại học trên địa bàn Thành phố; hình thành và kết nối giữa đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về các lĩnh vực và có cơ chế vận hành lâu dài; tập hợp được các ý kiến tư vấn để kịp thời bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Quá trình triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền cần bám sát các nhiệm vụ, hoạt động của các sở, ngành, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, sự phối hợp của các cấp chính quyền Thành phố trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); sự phối hợp của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, các cơ quan Trung ương và địa phương, các cơ quan truyền thông Trung ương và Thành phố.
Công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí cần được triển khai sâu rộng, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm; bám sát, thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các nội dung trước, trong và sau Hội thảo.
Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng tổ chức họp báo trước khi diễn ra Hội thảo./.