Với Hội An, di sản văn hóa được xem là tài sản vô cùng quý báu, “vốn văn hóa” chính là nền tảng đồng thời cũng là tiền đề sáng tạo nên những giá trị mới.
Chiều ngày 16/6, UBND TP.Hội An đã tổ chức hội thảo quốc tế tham vấn hồ sơ gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” (UCCN) với sự tham gia của đại diện các cơ quan Trung ương, tỉnh Quảng Nam, các học viện, trường đại học, các chuyên gia quốc tế, đại biểu đến từ các thành phố sáng tạo lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian trên thế giới.
Đây cũng là dịp để Ban tổ chức giới thiệu mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; Giới thiệu Đề án của Bộ VHTTDL trong việc phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam; thuyết minh hồ sơ “Hội An - Thành phố sáng tạo” nhằm tham vấn ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện hồ sơ.
Theo thông tin tại hội thảo, tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về việc phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó, xây dựng lộ trình gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cho 9 thành phố của Việt Nam từ năm 2023 đến năm 2030.
Các thành phố này gồm: Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hạ Long, Hải Phòng, Hội An, Huế, thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Theo lộ trình, dự kiến năm 2023, Việt Nam sẽ trình UNESCO hồ sơ 2 thành phố là Hội An (lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian) và Đà Lạt (lĩnh vực âm nhạc). Hiện có hơn 300 thành viên từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo.
Qua một năm, Hội An đã tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương triển khai các bước lập hồ sơ và thực hiện nhiều công việc liên quan.
Hội An đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế tổ chức hội thảo "Du lịch nông thôn và làng nghề Hội An: Thích nghi với tình hình mới", Tọa đàm "Định hướng phát triển nghề truyền thống, văn nghệ dân gian hướng đến thành phố sáng tạo", mời các chuyên gia của Trung ương hiệu đính hồ sơ; hoàn thành thiết kế logo nhận diện và khai trương web chuyên trang song ngữ Việt - Anh về thành phố sáng tạo…
Tại hội thảo, ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An nhấn mạnh: Sau Hà Nội, Hội An là một trong bảy thành phố của Việt Nam tiếp tục được Bộ VHTTDL chọn tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là một điều vinh dự, mở ra cơ hội và triển vọng mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển TP. Hội An trong hiện tại và cả tương lai.
UNESCO không chỉ là một sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố được vinh danh quốc tế mà còn là sự cam kết chia sẻ những thực hành tốt nhất, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Với Hội An, di sản văn hóa được xem là tài sản vô cùng quý báu, “vốn văn hóa” chính là nền tảng đồng thời cũng là tiền đề sáng tạo nên những giá trị mới. Vừa bảo tồn tối đa các giá trị của di sản văn hóa gắn với bảo tồn môi trường sinh thái – nhân văn, môi trường xã hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống; vừa đáp ứng tối ưu các nhu cầu dân sinh của cư dân đương đại, phát triển sinh kế cho cộng đồng, nâng cao thu nhập của nhân dân.
Theo đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, việc Thủ đô Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam được gia nhập “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” trong lĩnh vực thiết kế vào ngày 31-10-2019, là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho các thành phố khác của Việt Nam tiến hành xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới, trong đó có Hội An.
Để bảo đảm chất lượng và tính cạnh tranh của hồ sơ, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam góp ý hồ sơ của Hội An cần nêu được các giá trị nổi bật của thành phố trong lĩnh vực đăng ký là thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian có thể góp phần thực hiện các mục tiêu của mạng lưới, cơ hội phát triển, các chiến lược và chính sách phát triển toàn cầu. Đồng thời, thành phố cần chuẩn bị các văn bản theo quy định của UNESCO.
Hiện nay, Hội An còn cùng lúc sở hữu 2 di sản thế giới được UNESCO công nhận là phố cổ Hội An (năm 1999), khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (năm 2009) cùng với nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam - di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (năm 2017); trong đó, Hội An là một trong những nơi bảo vệ và phát huy rất tốt giá trị của bài chòi.
Đáng chú ý, Hội An còn là điểm đến du lịch nổi bật, thu hút nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế, cũng như hội tụ nhiều trí thức, nghệ sĩ đến hoạt động về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Những đặc điểm trên đã và đang giúp Hội An từng bước trở thành một không gian sáng tạo, nơi các ngành công nghiệp văn hóa có thể phát triển rực rỡ trong tương lai./.