Hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo “Nghị định quy định về quản lý và bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam” để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận theo Công ước 1972 về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972), gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (Thành phố Huế); Khu Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam); Khu Di tích Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam); Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (thành phố Hà Nội); Thành Nhà Hồ (tỉnh Thanh Hóa); Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng); Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình); Quần thể Danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình).
![hoangthanh3.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/14/hoangthanh3.jpg)
Các di tích của Việt Nam được UNESCO công nhận Di sản văn hóa và Thiên nhiên Thế giới theo Công ước 1972, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích này, đồng thời phải tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam, Công ước 1972, Hướng dẫn thực hiện Công ước và các văn bản liên quan. Theo đó, tùy thuộc điều kiện và tình hình thực tế, các địa phương, nơi có Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đều thành lập Ban Quản lý di tích, giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, sử dụng di sản thế giới; xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý di sản thế giới; giám sát chặt chẽ về tình trạng bảo tồn yếu tố gốc của di sản thế giới…, từng bước cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Sau ghi danh, các di sản thế giới ở Việt Nam ngày càng được nhiều người biết tới, góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên thế giới, ít nhiều làm thay đổi uy tín, cơ cấu, diện mạo kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có di sản thế giới. Cũng nhờ đó, các di sản này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn thể xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tích cực thực hiện các hoạt động bảo tồn và quảng bá di sản. So với một số quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ di sản thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng tham gia các diễn đàn quốc tế, đóng góp ý kiến và kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản, qua đó củng cố vai trò của mình như một thành viên tích cực của UNESCO.
![codo-hue.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/14/codo-hue.jpg)
Bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý, bảo vệ các di sản thế giới ở Việt Nam thời gian qua cũng còn một vài bất cập, hạn chế như quy định pháp luật về di sản văn hóa chưa kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới hiện nay. Điển hình là chưa đồng bộ và phù hợp với các quy định pháp lý của Việt Nam đã sửa đổi hiện hành trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di sản, như quy định của Luật Di sản văn hóa 2024, Luật Đầu tư công 2024, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tổ chức Chính phủ 2019, Luật Kiến trúc 2019, Luật Quy hoạch 2017, Luật Du lịch 2017, Luật Thủy sản 2017, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Đa dạng sinh học 2008,...
Đồng thời, quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản thế giới còn rất khác nhau, chưa tương xứng với tầm vóc quản lý di sản thế giới, dẫn tới một số trở ngại nhất định trong quá trình vận hành, xử lý công việc, đồng thời chưa phát huy được năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ di sản thế giới. Quy định quản lý và sử dụng nguồn thu, cơ cấu chi tại mỗi địa phương có di sản thế giới còn rất khác nhau; nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thế giới chưa được bố trí đầy đủ so với mục tiêu đặt ra.
Vai trò, trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý, bảo vệ di sản thế giới của đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản thế giới và các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương có di sản thế giới còn chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn tới sự chồng chéo trong quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo vệ di sản thế giới.
Từ thực tế nêu trên, đặt ra yêu cầu cần có những quy định cụ thể trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di sản thế giới, nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ di sản thế giới ở Việt Nam, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Vì vậy, theo Bộ VH-TT&DL, việc ban hành “Nghị định quy định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam” là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
![vinhalong.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/14/vinhalong.jpg)
Việc hoàn thiện chính sách về quản lý và bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam là cần thiết để cải thiện về pháp lý, phù hợp yêu cầu thực tiễn bảo tồn và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Qua đó, không chỉ nâng cao hiệu quả bảo tồn mà còn giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, và tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá, Nghị định được ban hành sẽ trực tiếp góp phần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, để hoạt động quản lý, bảo vệ di sản thế giới của các tổ chức, cá nhân được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, hiện đại, phù hợp thực tiễn.
Tăng cường năng lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, bảo vệ di sản thế giới; trở thành ví dụ điển hình trong hoạt động quản lý, bảo vệ các di sản thế giới ở Việt Nam được UNESCO ghi danh và sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trên thế giới tham khảo, áp dụng; nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di sản thế giới tại UNESCO và cộng đồng quốc tế./.
Dự thảo “Nghị định về quản lý và bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam” gồm 4 chương, với 22 điều.
Chương I, từ Điều 1 đến Điều 3 quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, bao gồm phạm vi điều chỉnh của Nghị định; đối tượng áp dụng của Nghị định; giải thích những khái niệm chính về di sản thế giới, giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản thế giới, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới.
Chương II, từ Điều 4 đến Điều 16, quy định những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới. Các quy định tại Chương này tập trung vào những vấn đề: giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn yếu tố gốc của di sản thế giới; những vấn đề liên quan đến việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ di sản thế giới; nội dung cơ bản của kế hoạch quản lý và quy quy chế bảo vệ di sản thế giới. Chương III (từ Điều 17 đến Điều 20) quy định về hiệu lực thi hành nghị định và tổ chức thực hiện. Chương IV. Điều khoản thi hành gồm Điều 21 - 22.
Dự thảo Nghị định đang được Bộ VH-TT&DL lấy ý kiến nhân dân đến ngày 8/3/2025.