Hoài niệm Hà Nội trong tranh

KIM ỬNG| 27/05/2017 21:24

Hà thành là vùng đất gợi cảm hứng sáng tác khá dạt dào và phong phú cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ; riêng hội họa, đã có biết bao họa sĩ bộc lộ cảm xúc, sự thăng hoa và tâm huyết với tình yêu thiết tha. Đã có một Hà Nội hào hoa, tinh tế, lịch lãm, sâu lắng và cả một Hà Nội hào hùng, bi tráng trong tranh… để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu Hà Nội.

HÀ NỘI HÀO HOA, HÀO HÙNG

Những năm 30, 40, nền hội họa Việt Nam hiện đại được đánh dấu từ sự ra đời của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Điều này có ý nghĩa đi tìm bóng dáng Hà Nội qua tranh, tất nhiên sẽ căn cứ vào những tác phẩm của các họa sĩ tiên phong giai đoạn này. Hà Nội qua những chuyến đi thực tế gần bãi sông Hồng, qua sự kiếm tìm những kiến trúc cổ của đền, chùa, hay phong cảnh thiên nhiên quanh hồ Gươm, hồ Tây…, đã để lại những dấu ấn trong tranh các họa sĩ trẻ.

Nguyễn Gia Trí được đánh giá là họa sĩ thành công với thể loại tranh sơn mài, sớm xác lập đỉnh cao nghệ thuật vào những năm 1940, qua loạt tác phẩm Bên hồ Hoàn Kiếm, Vườn xuân và thiếu nữ, Thiếu nữ bên hoa phù dung…

Cùng khóa với Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Tô Ngọc Vân khá nổi tiếng với những bức sơn dầu vẽ các cô gái Hà Nội. Hình ảnh các cô gái mặc áo dài nền nã, xinh đẹp bên hoa huệ, hoa sen. Tiêu biểu: bức tranh Hai thiếu nữ và em bé, được họa sĩ mô tả thật đẹp, tinh tế; màu áo vàng cam và màu áo trắng thật tươi đẹp trong không gian trong trẻo của nắng hè, có vài tia phản chiếu phía trên bức mành.

Với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Hà Nội là hồn văn hóa dân tộc, trong đó có cả dòng tranh dân gian bao đời còn lưu giữ. Chính vì vậy, khoảng thời gian năm 1940, ông sáng tác tác phẩm Người gác Văn Miếu, được Hội đồng giám khảo Salon Unique (Triển lãm Duy nhất) đánh giá cao từ những gam màu thật đơn giản nhưng khá độc đáo và trao giải nhất năm 1944.

http://lh5.ggpht.com/_E6uVDrqY9G8/TMD6ef9PJZI/AAAAAAAACT4/GKWE_17wxlo/Tranh%20Bui%20Xuan%20Phai.jpg
Tranh Bùi Xuân Phái.

Hà Nội vẫn là nỗi ám ảnh đầy thương yêu và thiêng liêng trong suy tư của Nguyễn Tư Nghiêm, năm 1958, bức tranh sơn mài Đêm giao thừa ở Hồ Gươm ra đời, một lần nữa đã đánh dấu bước ngoặt mới trong sự nghiệp sáng tác của ông.

Người để lại nhiều ấn tượng nhất về Hà Nội trong thế hệ các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương là Bùi Xuân Phái. “Phố Phái” đã trở nên thân thương với biết bao người yêu tranh. Lần triển lãm cá nhân đầu tiên của ông vào cuối năm 1984 ở Hà Nội đã khái quát những hình ảnh phố phường Hà Nội với đường nét kiến trúc đặc sắc, phong phú qua những mảng màu trắng bạc, nâu trầm… tạo phong cách nghệ thuật Bùi Xuân Phái thật độc đáo.

Phố Hà Nội trước đây được nhắc đến qua tác phẩm văn chương Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam nhưng có lẽ người đưa phố Hà Nội đi xa và được công chúng mỹ thuật nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, chính là họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Hà Nội với những bước đi của lịch sử dân tộc còn được thể hiện trong tranh nhiều thế hệ họa sĩ. Nguyễn Phi Hoanh tái hiện hình ảnh Quang Trung hào hùng vào Ngọc Hồi; Nguyễn Quang Phòng khắc họa hình ảnh Thủ đô kháng chiến chống Pháp; Lê Thanh Đức vẽ Hà Nội đón quân giải phóng trở về; Hoàng Trầm với Tự vệ Hà Nội; Phan Kế An phản ánh Hà Nội của tháng 12 năm 1972…

VÀ, TẢN MẠN HÀ NỘI Ở SÀI GÒN…

Những năm Việt Nam sau đổi mới, tranh vẽ về Hà Nội thật phong phú. Người xem tranh có cơ hội gặp gỡ, thưởng ngoạn Hà Nội theo từng cảm quan và cách thể hiện nghệ thuật khác nhau của nhiều phong cách hội họa. Hà Nội với những bức vẽ có đường nét đơn giản “kiệm màu” qua mảng tranh về cầu Long Biên, phố Phùng Hưng, hồ Gươm… của Lê Thiết Cương. Hà Nội rực rỡ mùa hè trong mảng tranh sơn dầu của Đỗ Xuân Doãn và khắc bạc mùa đông giá rét trong mảng tranh khắc gỗ của Đinh Lực. Hà Nội và hoa muôn sắc của bốn mùa, hoa đồng nội dịu dàng qua hàng trăm bức tĩnh vật hoa của họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ.

http://lh5.ggpht.com/_E6uVDrqY9G8/TMD5-1Rt6OI/AAAAAAAACT0/O8KGFktgkt0/thi%E1%BA%BFu%20n%E1%BB%AF%20b%C3%AAn%20Hoa-phu-dung-%20tranh%20s%C6%A1n%20m%C3%A0i%20Nguy%E1%BB%85n%20Gia%20Tr%C3%AD.jpg
Thiếu nữ bên hoa phù dung - tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí.

Hà Nội trong ký ức những người về phương Nam vẫn quay quắt nỗi nhớ từng ngõ phố, từng mái ngói, từng ô cửa xưa trong tranh Nguyễn Xuân Toàn; nhớ Hà Nội - buổi chiều trên bãi sông Hồng, nhớ sắc thu dịu nhẹ, bàng bạc nỗi buồn bên Hồ Gươm trong tranh Trà Giang.

Nhớ Hà Nội còn được họa sĩ Trương Hán Minh thể hiện qua mảng tranh thủy mặc thật đẹp, cổ kính, lãng mạn, nên thơ với lung linh bóng nước, với hoa cỏ và đầy dấu xưa, cảnh cũ. Dù sinh trưởng ở mảnh đất Chợ Lớn - Sài Gòn nhưng họa sĩ Trương Hán Minh gần như “nắm bắt” được “cái thần” của linh khí 1000 năm Thăng Long - Hà Nội qua loạt tranh: Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Bút, Cầu Thê Húc, Chùa Một Cột, Văn Miếu… Những ai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và cả những người yêu mến Thủ đô 1000 năm văn hiến khi đứng trước các tác phẩm của ông, một Thăng Long - Hà Nội đang hiện lên trong nỗi hoài cảm sâu lắng…

Cũng không phải ngẫu nhiên trong những ngày Hà Nội đang vào thu tuyệt đẹp, rộn ràng chuẩn bị đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhóm họa sĩ tên tuổi của đất thủ đô lại có chuyến “hành phương Nam”, giới thiệu mảng tranh Hà Nội, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (18/9 đến 25/9).

Mỗi họa sĩ thể hiện góc nhìn riêng và cảm quan nghệ thuật của mình về đất Thăng Long. Họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm đi tìm dấu vết người Việt cổ với những suy tư trên họa tiết, hoa văn đá cổ, vừa mang tính trừu tượng, vừa cụ thể hóa những giả thiết về đời sống, văn hóa người Việt xưa. Tranh Tạ Thị Thanh Tâm kết nối giữa dòng hội họa dân gian Đông Hồ và hội họa hiện đại qua những bức sơn mài màu sắc tươi tắn, đường nét đơn giản đầy tính cách điệu, hóm hỉnh về một Hà Nội của tuổi thơ. Mảng tranh phong cảnh của Phạm Kim Bình và Bùi Anh Hùng gợi nhiều cảm xúc đẹp cho người thưởng ngoạn.

http://lh6.ggpht.com/_E6uVDrqY9G8/TMD6g7BG51I/AAAAAAAACT8/wYeHdCgnsUs/tranh%20th%E1%BB%A7y%20m%E1%BA%B7c%20c%E1%BB%A7a%20Tr%C6%B0%C6%A1ng%20H%C3%A1n%20Minh.jpg
Cầu Thê Húc. Tranh Trương Hán Minh.

Nếu hoa phượng, hoa gạo nồng cháy sắc đỏ mùa hè và dịu nhẹ với hoa cỏ mùa xuân trong tranh Phạm Kim Bình làm người xem có cảm giác ấm áp, yên bình thì “những câu chuyện kể” qua tranh của Bùi Anh Hùng lại tạo chút suy tư về cuộc sống. Bóng dáng lịch sử đối thoại với con người qua mảng tranh phong cảnh của Bùi Anh Hùng. Họa sĩ cho rằng “cuộc trò chuyện bằng lịch sử” cùng cầu Long Biên, gợi cho người sáng tác trẻ những cảm xúc của một quá khứ bi tráng, hào hùng và đầy tự hào.

Một câu chuyện khác: hàng ngày đi qua phố Phan Đình Phùng, ngắm nhìn ngôi nhà và bóng nắng yên tĩnh, đã tạo những ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ cho người sáng tác khi nhớ về hình ảnh một nhà thơ lớn… Với họa sĩ Trương Thị Mai San, hình ảnh Hà Nội đang chuyển đổi không ngừng qua cách thể hiện những mảng khối, mảng màu mạnh mẽ, mô tả cuộc sống ngồn ngộn của một Hà Nội mới.

Hà Nội đã khác xưa nhưng vẫn đẹp, vẫn quyến rũ và luôn khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo mới cho người sáng tác. Nhưng, tranh của họa sĩ Đỗ Thị Ninh bộc lộ một góc suy nghĩ khác: khao khát tìm lại những nét hào hoa, lịch lãm của người Tràng An xưa, Đỗ Thị Ninh sử dụng những gam màu u trầm, huyền ảo hay trắng ngà của chất liệu sơn mài truyền thống khi hoài niệm một Hà Nội với hình ảnh Văn Miếu xưa, Hà Nội với cây gạo bên Hồ Gươm gần 100 năm; và một Hà Nội buổi sáng yên vui, êm đềm của Thành phố Hòa bình qua những gam màu tươi tắn, ấm áp của thể loại tranh sơn dầu…

Hoài niệm về Hà Nội trong tranh sẽ luôn là cuộc tìm kiếm, khám phá nhiều điều thú vị của các họa sĩ. Và, tìm về Hà Nội qua tranh sẽ giúp người thưởng ngoạn gặp được Thăng Long - Hà Nội trong những cảm xúc mới, lạ, lấp lánh của thế giới nghệ thuật sắc màu!

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hoài niệm Hà Nội trong tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO