Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
“Con thiêng của rừng” (NXB Trẻ, 2024) dẫn dắt người đọc lần ngược quá khứ trở về với vùng núi rừng Tây Nguyên thập niên 1930, gặp gỡ một chú bé người dân tộc Ba Na tên Siêu Dơng. Lớn lên trong cảnh nợ nần, nghèo khó, Siêu Dơng đã sớm chứng kiến cảnh cha mẹ mình phải nai lưng làm lụng cho nhà chánh tổng, rồi cả nhà em lại bị đem bán cho tri phủ Môr như những món hàng. Siêu Dơng sớm bộc lộ tài hội họa, nhưng rồi cái tài ấy cũng bị khuất lấp đi dưới tầng tầng lớp lớp những đắng cay tủi nhục khi làm tôi tớ cho cha con lão tri phủ Môr tàn ác.
Thời niên thiếu của Siêu Dơng là chuỗi ngày bất hạnh tới cùng cực. Đã chẳng có của cải gì trong tay, Siêu Dơng còn mất đi những người thân yêu nhất: cha anh, mẹ anh, vợ anh, con anh… Hạnh phúc nhỏ nhoi của chàng thanh niên hết lần này đến lần khác bị chà đạp, nghiền nát dưới gót giày ngang ngược, tàn ác của lũ tay sai thân Pháp. Siêu Dơng từng phản kháng, từng buông xuôi mặc sự nào nhặn của Môr, nhưng không lựa chọn nào đem lại cho anh sự yên ổn. Nhưng rồi, ngay giữa đêm trường tăm tối ấy, Siêu Dơng đã nhìn thấy tia sáng chiếu rọi tương lai cho mình. Nhờ cách mạng, Siêu Dơng được đi học, xây dựng hạnh phúc mới và tìm lại niềm đam mê hội họa. Từ đây, anh dành cả cuộc đời mình để vẽ những bức tranh phục vụ bà con Tây Nguyên.
Nhân vật chính của cuốn sách - chú bé Siêu Dơng được nhà văn Trung Trung Đình xây dựng từ cuộc đời thực của họa sĩ Xu Man. Họa sĩ Xu Man (1925-2007) là “cánh chim đầu đàn” của mỹ thuật Tây Nguyên. Chủ đề lớn trong các tác phẩm của ông là tấm lòng người dân Tây Nguyên đối với Bác Hồ. Những bức tranh vẽ xong, họa sĩ Xu Man không giữ lại hay rao bán mà đem tặng cho bạn bè, cho nhân dân. Tới nay, các bức tranh của ông đã chu du khắp đất nước Việt Nam. Một số tác phẩm còn được lưu giữ trong hai viện bảo tàng mỹ thuật lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã có cơ duyên gặp gỡ họa sĩ Xu Man và hai người sớm trở thành đôi bạn tâm giao. Họ đã cùng trải qua những đêm chuyện trò bên rượu cần bếp lửa, để người họa sĩ lần mở những trang quá khứ đời mình. Chuyến hành trình ấy càng dài, thì ý tưởng viết sách càng thêm rõ nét trong tâm trí tác giả, thôi thúc ông đặt bút. “Con thiêng của rừng” không chỉ là cuốn sách đầu tiên viết về cuộc đời người nghệ sĩ lớn của dân tộc Ba Na được giới văn học nghệ thuật đương đại của Tây Nguyên gọi là “con thiêng của rừng” mà còn là kết tinh của một tình bạn giản dị đơn sơ mà bền chặt.
Nói về nguyên mẫu trong tác phẩm của mình, trong lời mở đầu sách nhà văn Trung Trung Đỉnh chia sẻ: “Cuốn sách hình thành dần trong tôi, tự nhiên như tình cảm chúng tôi vẫn dành cho nhau trong đời sống thường ngày. Và thật hạnh phúc vì đây là cuốn sách đầu tiên về cuộc đời một nghệ sĩ lớn người Ba Na mà tôi yêu quý. Tôi đã cố gắng huy động vốn sống của mình – về miền đất Tây Nguyên, với những thời điểm lịch sử mà cuộc đời Xu Man trải qua – để dựng lại không khí chung, cũng như những chi tiết độc đáo do điều kiện sống khắc nghiệt đem lại. Tôi không dám chắc những gì được viết ra trong cuốn sách này là tất cả những gì thuộc về Xu Man, nhưng tôi tin rằng, cuốn sách sẽ đem lại cho bạn đọc nhỏ tuổi một lượng thông tin đáng yêu về một người nghệ sĩ có cuộc đời chìm nổi đầy biến động, cũng như về một vùng đất có truyền thống văn hóa đặc sắc, rất đáng tự hào dù chịu nhiều đau thương do giặc giã, thiên tai”.
Với nhà văn Trung Trung Đỉnh, họa sĩ Xu Man chính là một đốm lửa trong rừng, một người nghệ sĩ được ngôi làng rừng của người Ba Na Tây Nguyên nuôi dưỡng từ thuở lọt lòng, giống như bếp lửa trong ngôi nhà sàn được truyền từ đời này sang đời khác, giống như một bài hát kể, kể về ngọn lửa và cuộc sống của dân làng. “Ngọn lửa là nỗi đam mê ám ảnh đối với mỗi sinh linh. Ngọn lửa bên bếp lửa than thuở thiếu thời nuôi dưỡng tâm hồn Xu Man, đưa ông đi và cả đưa ông về, theo ông suốt cả cuộc đời. Lửa trong bếp lửa nhà sàn nuôi lớn những tâm hồn và làm nên vẻ đẹp lung linh của lịch sử các tộc người, bởi vì tiền sử nối tiếp tiền sử thành ra lịch sử. Và chúng ta “nuôi lửa” trong lòng bởi chúng ta hiểu rằng, tương lai cũng tham gia vào dòng lịch sử thiêng liêng”, nhà văn Trung Trung Đỉnh chia sẻ.
Những chương tuổi trẻ sóng gió của họa sĩ Xu Man gắn liền với một giai đoạn đau thương của người dân Ba Na, đồng bào Tây Nguyên và toàn đất nước Việt Nam trong những trang viết của Trung Trung Đỉnh đã hiện lên một cách rất sinh động và giàu cảm xúc nhờ sự kỳ công của nhà văn trong việc đi sâu nghiên cứu và tìm hiểu về nét văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào Ba Na và các dân tộc Tây Nguyên. Từ cách đi đứng nói cười, nếp sống nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt, hội hè cho tới cả những bi kịch mà họ từng phải gánh chịu. Và ở khía cạnh này, “Con thiêng của rừng” có thể coi như một cuốn sách hé mở trước mắt độc giả cánh cửa để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử phát triển của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên./.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, sinh ngày 21/9/1949, nguyên quán Hải Phòng. Thời thanh niên, nhà văn Trung Trung Đỉnh từng có nhiều năm chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông tốt nghiệp khóa I của Trường Viết văn Nguyễn Du và từng đảm nhận công việc biên tập văn xuôi cho tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 2000, ông từng giữ chức Phó tổng biên tập báo Văn nghệ trước khi trở thành Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn. Ông từng đoạt Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (1998-2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Năm 2000, tiểu thuyết "Lính trận" của ông được trao Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật. Năm 2012, tác phẩm "Lính trận" tiếp tục mang về cho nhà văn Trung Trung Đỉnh Giải thưởng văn học ASEAN.