Họa sĩ Văn Trọng
Sinh năm 1978 tại Thanh Hà, Hải Dương, thích vẽ từ nhỏ, đến năm 1997 Văn Trọng thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, Khoa Nhạc - Họa - Thể dục. Ra trường năm 2000, trở thành giáo viên dạy mỹ thuật tại trường PTCS Thanh Xuân (Thanh Hà), thời gian này Văn Trọng không vẽ nhiều, cho đến tận năm 2012. Anh nhận ra rằng những bức tranh có thể mang lại niềm vui lớn cho mình, và anh lao vào vẽ. Nhất là khi được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè và có được sự quan tâm của một số nhà sưu tập, Văn Trọng ngày càng vẽ nhiều hơn. Mọi người bắt đầu biết đến anh như một họa sĩ hay vẽ về lợn. Hỏi ra mới biết, cũng chẳng có gì quá đặc biệt, chỉ vì đó là con vật gắn bó với anh từ nhỏ. Gia đình nuôi lợn, nên anh hiểu về nó, từ hình dáng đến các đặc tính, từ nhỏ cho đến lớn, từ cách nó đòi ăn cho đến cách nuôi con… Đến một ngày, hình ảnh con vật đó đi vào trong tranh anh như một kỉ niệm vừa gần gũi vừa đẹp đẽ. Không quá câu nệ vào đề tài, Văn Trọng vẽ những thứ tự nhiên đến với tâm trí mình, nó khiến anh vui.
Dù vẽ đề tài về lợn, về phụ nữ hay gia đình, tĩnh vật, tranh của Văn Trọng cũng mang phong cách riêng, khó lẫn với ai. Đó không phải là những hình ảnh chúng ta nhìn thấy theo cách thông thường. Lối vẽ biểu hiện đã bóp méo hiện thực như cách chúng ta thường thấy, khiến chúng chỉ còn là những nét, những mảng, những tín hiệu nghệ thuật, gợi về sự vật một cách đầy cảm xúc. Tranh của họa sĩ Văn Trọng thường có màu sắc sặc sỡ mà hài hòa, kể cả những bức nhiều gam màu nóng nhưng vẫn không chói mắt mà ngược lại, chúng được phối màu một cách khéo léo tài hoa, tạo ra sự thơ mộng và đẹp mắt.
Tranh của họa sĩ Văn Trọng
Hình của sự vật đã bị bóp méo, màu của sự vật cũng bị biến sắc, cái còn lại trong tranh của Văn Trọng là vẻ đẹp của những tín hiệu vừa ngẫu nhiên vừa đầy tính toán. Đó hẳn là những sắp xếp của trực giác cộng với một logic của hệ thống ý tưởng đã chín muồi, mang trong chúng sức mạnh của biểu đạt và không thể thiếu được một yếu tố quan trọng, đó là cảm xúc. Tranh của Văn Trọng luôn tràn cảm xúc. Có rất nhiều nét vẽ của cọ, của bay và mỗi nét vẽ tưởng như ngẫu nhiên đó đều in dấu xúc cảm. Người ta buộc phải tiếp cận với tranh của anh bằng cách thả lỏng cảm xúc, bởi chỉ khi ấy họ mới được dẫn dụ vào thế giới màu sắc của người họa sĩ.
Tôi hỏi khi nào là lúc cảm thấy hạnh phúc nhất với việc vẽ, họa sĩ Văn Trọng nói rằng đó là lúc đặt xong nét vẽ cuối cùng. Những bức tranh khi được đặt bằng tên tiếng Anh, như “Happy family”, “Pretty woman”, khi được đánh số thứ tự, nhưng với anh điều đó không quan trọng, và dù thế nào thì khi kết thúc nó bằng một nét vẽ cuối, anh luôn thấy trong lòng một nỗi hoan hỉ khó diễn tả. Bởi vẽ gì, vẽ như thế nào, hay tên của bức tranh nữa, tất cả đều không quan trọng. Điều quan trọng là anh đã vẽ tất cả những thứ thân thiết với lòng mình, và khi một bức tranh hoàn thiện chính là lúc những suy nghĩ, xúc cảm trong anh được giải phóng. “Dù vẽ gì thì cũng là đang vẽ chính tôi”, một lần nữa họa sĩ Văn Trọng nói, thành tiếng nhưng tôi có cảm giác như anh đang tự sự với bản thân mình.