Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức rà soát, sửa đổi bổ sung nhiều nội dung quan trọng trong văn bản luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến xây dựng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid-19. Nhưng thực tế, nhiều nội dung vẫn còn bất cập, chồng chéo.
Thủ tục khó khănSố liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm nay, trong số hơn 10.000 DN đang hoạt động lĩnh vực xây dựng, có đến 50% gần như không có doanh thu, 17% duy trì doanh thu ổn định, số còn lại doanh thu thấp chỉ đạt 20 - 30% kế hoạch năm. Đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động xấu cho các DN ngành xây dựng, nhưng cũng phải thừa nhận những vướng mắc về thủ tục hành chính mới là gốc của vấn đề.
Theo Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) Đậu Anh Tuấn, thời gian vừa qua, khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực xây dựng có sự thay đổi rất lớn, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, như: Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020; Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020; Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020... nhiều bất cập, chồng chéo được tháo gỡ.
“Tuy nhiên, để một dự án đầu tư từ khi ý tưởng cho đến lúc đưa vào hoạt động rất nhiều thủ tục, như: Quyết định chủ trương đầu tư; Các thủ tục về đất đai giải phóng mặt bằng; Thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng, kết nối cấp điện, cấp thoát nước, đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng... Nếu sự phối hợp chưa tốt sẽ gây khó khăn và rủi ro cho nhà đầu tư” – ông Đậu Tuấn Anh cho hay.
Doanh nghiệp ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về thủ tục hành chính. |
|
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho biết, mặc dù đã có sự điều chỉnh, sửa đổi bổ sung, cắt giảm thời gian thực hiện trong mỗi thủ tục hành chính, nhưng các văn bản luật hiện hành, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực xây dựng vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, thời gian giải quyết dài. Đơn cử như thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng còn phiền hà, gây khó khăn cho DN.
“Khi các nhà đầu tư vào Việt Nam, cấp phép xây dựng là một trong chỉ số được nhà đầu tư quan tâm. Nhưng chúng ta vướng thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và thủ tục liên quan rất dài. Hiện nay, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam phải mất 166 ngày cho thủ tục từ phòng cháy, chữa cháy đến cấp phép, không bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, gấp 2 - 3 lần so với các nước trong khu vực” – bà Nguyễn Minh Thảo thông tin.
Phân cấp mạnh cho địa phương
Liên quan đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho rằng, hiện nay, nhiều dự án nhóm A theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục hành chính về thẩm định dự án đầu tư tại cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng hoặc bộ phận quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Nhưng trong đó nhiều dự án quy mô nhỏ (hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà ở liền kế, biệt thự, nghỉ dưỡng…) từ cấp II trở xuống, Sở Xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh có đủ năng lực thực hiện thẩm định dự án, dẫn đến phát sinh chi phí đi lại, mất nhiều thời gian công sức.
“Để cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian đi lại, chi phí cho nhà đầu tư, đề nghị phân cấp mạnh hơn cho UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chấp thuận đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị” – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ kiến nghị.
Theo đánh giá, hiện nay, các DN đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến những vấn đề về vốn, tài chính và hồ sơ thanh toán, đơn cử như quy định chưa rõ ràng về vấn đề vốn bảo lãnh của các chủ đầu tư, khiến cho việc thực hiện thanh toán với DN thi công xây dựng bị chậm hay việc cập nhật giá trên thị trường cũng luôn bị chậm từ 1 – 2 tháng, vì vậy giá cập nhật thanh toán không đúng với thực tế...
Bên cạnh đó, việc giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng thông qua hệ thống dịch vụ công vẫn còn nhiều hạn chế, không thuận lợi cho DN gây mất thời gian, lãng phí tiền của, nhiều cơ quan vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác giám sát những giao dịch trực tuyến. Luật Xây dựng năm 2020 đã khắc phục một phần những chồng chéo với lĩnh vực khác, nhưng chưa thực sự phân cấp, phân quyền cho địa phương, thực thi trên thực tế khác biệt so với quy định.
Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn việc phân cấp, phân quyền về ngành, lĩnh vực, địa phương. Cùng với đó là tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị, chấm dứt tình trạng chồng chéo bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Giảm hợp lý các loại giấy phép, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động cấp phép.
“Tác động của đại dịch Covid-19 đưa đến cho chúng ta áp lực và đòi hỏi phải cải cách thủ tục hành chính. Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc số hóa ứng dụng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi phải thay đổi tư duy thiết kế lại thủ tục hành chính trên tư duy kinh doanh số, bãi bỏ những thứ không cần thiết. Sự phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành là rất quan trọng bởi ách tắc một thủ tục liên quan đến cả quy trình” - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu |