Hanoi Metro từng bước tạo dựng văn hóa sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng chuyển dịch từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng đồng thời tạo dựng văn hóa giao thông văn minh, lịch sự.
Ngày 6/11/2021 tuyến ĐSĐT số 2A, Cát Linh – Hà Đông là tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước được chính thức đưa vào vận hành khai thác. Đến hết ngày 11/6/2023, tuyến đã vận hành được 583 ngày an toàn, vận chuyển được trên 13,7 triệu hành khách. Đây là kịch bản tốt nhất về vận hành Tuyến 2 năm đầu đã được thống nhất giữa Bộ GTVT(Chủ đầu tư) và UBND Thành phố Hà Nội.
Đứng trên quan điểm hiệu quả xã hội và môi trường việc đưa Tuyến Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động bước đầu đạt được 3 kết quả nổi bật như: tuyến đã được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Hiện tại, mỗi ngày có trên 3 vạn hành khách đi lại trên tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% là đi lại với mục đích khác.
Theo Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), trong quý I, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được hơn 2,65 triệu lượt hành khách, tăng 262% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân mỗi ngày, tuyến phục vụ trên 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần phục vụ 26.000-28.000 lượt hành khách. Báo cáo tài chính năm 2022 vừa công bố ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 483 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với doanh thu năm 2021 là gần 69 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong đó, chủ yếu là doanh thu trợ giá 417 tỷ đồng, chiếm 86% còn lại hoạt động cung cấp dịch vụ bán vé là gần 66 tỷ đồng, chiếm 14%. Sau khi trừ đi các chi phí, năm 2022, Hanoi Metro lãi sau thuế gần 97 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ 64 tỷ đồng.
Quá trình vận hành ổn định, an toàn đã giúp thu hút ngày càng nhiều người sử dụng dịch vụ, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Thống kê cho thấy, tuyến hiện có khoảng 10.000 hành khách sử dụng vé tháng. Bình quân mỗi ngày, tuyến phục vụ trên 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần phục vụ 26.000-28.000 lượt hành khách.
Hanoi Metro đã góp phần dần thay đổi thói quen đi lại của người dân và từng bước tạo dựng văn hóa sử dụng phương tiện giao thông công cộng văn minh, an toàn, thân thiện.
Cũng theo kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô con nhưng vẫn sử dụng ĐSĐT để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của Tuyến. Điều đáng mừng là văn hóa này đang từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác ở Hà Nội.
Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng (Xe buýt, đường sắt đô thị), thành phố Hà Nội áp dụng chính sách giá vé rẻ và thu từ vé không thể đủ bù đắp chi phí nên thành phố duy trì trợ giá từ ngân sách để một mặt đảm bảo nguồn tài chính cho vận hành tuyến, mặt khác đảm bảo lợi ích cho người sử dụng dịch vụ và quyền lợi cho người lao động.
Dự án ĐSĐT Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; mua sắm 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ.
Năm 2023, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 519 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ gần 5,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả thực hiện được năm 2022. Sản lượng hành khách trong năm dự kiến đạt 10,7 triệu hành khách với lượt tàu chở khách là 81.316 lượt./.