Có thể dùng căn cước di chuyển cả trong nước và quốc tế
Nội dung này được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), sáng 10/6. Nhiều định hướng đổi mới liên quan thẻ căn cước được Bộ trưởng Công an cung cấp, nếu dự án Luật này được Quốc hội thông qua.
Thông tin thêm những lợi ích khi sử dụng thẻ căn cước, Bộ trưởng Công an cho biết do ứng dụng công nghệ mới nên thẻ căn cước có tiến bộ hơn.
Trực tiếp cầm một thẻ căn cước trên tay, Đại tướng Tô Lâm cho hay mã số trên thẻ có thể sử dụng trong việc đi máy bay cả ở trong nước và quốc tế, tiến tới không cần sử dụng hộ chiếu, người dân chỉ cần thị thực, quẹt thẻ căn cước là có thể di chuyển.
Hiện Bộ Công an và công an địa phương vẫn đang triển khai làm căn cước công dân, Bộ trưởng cho biết qua quá trình làm, phát hiện, "bỏ lọt" rất nhiều người chưa từng được thống kê, kể cả trong thống kê dân số.
"Chúng tôi phát hiện có những người chưa bao giờ từng đi ra khỏi làng, bản, ấp, thôn - những người này chủ yếu thuộc nhóm yếu thế như: người già không nơi nương tựa, người nghèo, ốm đau bệnh tật, tàn tật. Họ không có nhu cầu kết nối xã hội, chưa từng đi đâu, chưa từng được chụp ảnh. Khi công an đến tìm họ xúc động lắm, có những cụ già chia sẻ 70 tuổi chưa bao giờ được chụp ảnh thẻ", Bộ trưởng thông tin.
Ngay cả Hà Nội, TP.HCM cũng có rất nhiều người từ các vùng vì mưu sinh nên di cư đến. Họ đến hàng chục năm nay, tới khi con cái sinh ra vẫn như bố mẹ là không có hộ khẩu, không giấy tờ, không được đi học.
Theo ông, vài trăm nghìn người như thế tại Hà Nội, TP.HCM qua dịch Covid-19 đã phát hiện ra, vì họ không có chỗ ở cố định, thậm chí đến lúc cứu trợ họ cũng nói không có bếp, làm ngày nào ăn ngày đó, cuộc sống rất khó khăn. Số lượng này không phải ít, cá biệt, vùng nào cũng có hoàn cảnh như vậy. Việc quản lý dữ liệu dân cư và cấp CCCD sẽ giúp cho số lượng đông đảo những người yếu thế này.
Với giao dịch điện tử hiện nay nhiều người nói không nghĩ người dân, doanh nghiệp được tạo thuận lợi như vậy. Trước đây nghĩ một cửa đã thuận lợi lắm rồi, nhưng bây giờ còn không có cửa nào, vì quản lý tận gốc, người dân có địa vị pháp lý, danh tính rõ ràng. Một cửa bây giờ dần đi vào dĩ vãng, vì ngồi nhà vẫn làm thủ tục được với cơ quan nhà nước.
"Bộ Công an có 245 thủ tục hành chính thì đều đã thực hiện online, từ cấp hộ chiếu. So sánh cảnh dân xếp hàng đi làm hộ chiếu cả tập hồ sơ từ xác nhận của công an phường trước đây…, giờ thì rất tiện", Bộ trưởng Bộ Công an nêu.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng giải thích việc "Luật căn cước công dân" bây giờ đổi thành "Luật căn cước" nhằm chính xác, bao hàm hơn. "Đây không phải là giấy chứng nhận công dân - luật Quốc tịch đã bao hàm vấn đề này. Ở đây có những người bị tước đi 1 số quyền công dân (trong trạm giam, chịu án tù) nhưng vẫn phải có căn cước vì họ vẫn có quyền sở hữu tài sản, đăng ký chủ nhà, chủ đất, chủ xe ô tô... Không ai có thể tước những quyền này được", Bộ trưởng lý giải. Vì vậy, cách gọi là căn cước công dân sẽ không chính xác.
Việc đưa tên gọi là căn cước để nhằm xác định những thông tin cơ bản như “anh là ai, tên tuổi, nguồn gốc…"; sử dụng căn cước cũng để thực hiện giao dịch, thủ tục hành chính.
Với đối tượng người gốc Việt đang cư trú tại Việt Nam, họ được xã hội thừa nhận, có quyền giao dịch thì phải có giấy tờ. Họ không có quốc tịch, hộ chiếu, không có chứng minh hay căn cước. Chúng tôi cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ. Người nước ngoài nếu nhập tịch sống lâu dài tại Việt Nam cũng được cấp CCCD./.