Trường Sa - một "trải nghiệm đặc biệt" trong đời của bác sĩ gây mê hồi sức
Khi nhắc đến nghề nghiệp của tôi, người trong ngành thường nhắc đến “Gây mê là thành đồng, người giữ đền sinh tử”. Nhưng chỉ khi đến với quần đảo Trường Sa, tôi mới thấu được thế nào là thành đồng thực sự, là sự vất vả, hy sinh của những người giữ gìn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Hết sức cảm phục và tự hào!
Trở thành một thành viên của đoàn công tác số 10 thăm quân và dân quần đảo Trường Sa năm 2023, tôi thấy mình thật may mắn và mang theo mình trách nhiệm của người từ đất liền cùng “mang ra tình cảm, mang về niềm tin”. Cảm xúc thật khó diễn tả khi tàu rời bến cảng, trong nắng vàng rực rỡ, biển xanh trong, cờ hoa, những nụ cười hòa với niềm háo hức của đại biểu, những đôi mắt ánh lên trách nhiệm và niềm vui của cán bộ và chiến sĩ trên tàu KN390.
Những ngày ở trên tàu, với lịch trình sinh hoạt theo quy định của quân đội, những hoạt động tập thể, hải trình 7 ngày trở nên thật ngắn ngủi, bởi vì thời gian trôi thật nhanh khi người ta thực sự hạnh phúc. Tôi tự nhận trách nhiệm một nhân viên y tế tham gia đoàn, mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cơ sở vật chất và công việc của người chiến sĩ quân y, cũng như chăm sóc cho mọi người trong đoàn khi cần thiết. Được trò chuyện với các đồng nghiệp là các chiến sĩ quân y trên đảo, cũng như các chiến sĩ trên tàu kiểm ngư KN390, dù cứu nạn trong giông bão, hay những cấp cứu ngày trời yên biển lặng, tôi càng thấm thía một quyết định ngoài biển khác hẳn một quyết định ở đất liền, càng thấm hơn tấm lòng và trí tuệ của người chiến sĩ áo trắng trên biển đảo quê hương.
Tình cờ khi gặp BS Trường bệnh viện 108, một phẫu thuật viên giỏi cũng là học trò của người anh của gia đình tôi, đang công tác tại đảo Song Tử Tây, hai chị em mừng mừng tủi tủi gặp nhau ở chốn đảo xa xôi này. Tôi nhớ mãi ánh mắt kiên nghị của BS Trường khi chia sẻ: “Em vẫn nhớ lần cứu nạn một ngư dân bị bệnh khi sóng lớn, thuyền của họ không thể tiếp cận được đảo. Phải lựa chọn với việc có đưa thuyền và ekip trong đảo ra đón ngư dân, hay buông tay tùy số phận? Nếu sóng lớn như vậy nhỡ đưa anh em ra, chưa biết có cứu được người hay không, mà nhỡ không may lật thuyền thì em biết ăn nói thế nào với vợ con gia đình của đồng đội, ăn nói thế nào với thủ trưởng và lương tâm mình?”. Và cái kết có hậu của một chuyến hồi sức cam go giữa muôn trùng sóng gió làm tôi vừa hạnh phúc, vừa kính nể đồng nghiệp cùng ekip. Các anh đã không những vì biển đảo, mà các anh còn là hiện thân của lòng quả cảm và lương tâm sáng ngời của người thầy thuốc Việt Nam.
Cơ sở vật chất y tế trên các đảo đã được các cấp quan tâm và trang bị đầy đủ. Tuy vậy, với nắng gió, muối biển và thời tiết khắc nghiệt, không máy móc nào có thể trụ được lâu dài. Gặp đồng nghiệp Gây mê Hồi sức tại BV quân Y 105, ekip chia sẻ rằng “Từ khi ra đảo đến nay chúng em cũng mổ 5 ca rồi chị ạ. Thuốc men gây mê hồi sức cũng có tương đối, nhưng làm sao được như ở nhà mình. May mắn chúng em ngoài này có telehealth hội chẩn với đất liền, được sự hỗ trợ của mọi người nên cũng tự tin lắm. Tuy nhiên, dù sao có mình ekip ở đây, quyết định của chúng em cũng hết sức cân não. Việc xin cứu viện trực thăng cấp cứu hay không là cả một quyết sách nặng nề phải đưa ra trong những thời khắc cực kỳ trắc trở”. Trái tim tôi như thắt lại khi nghe những lời chia sẻ này, khi nhớ đến những cảm giác mình hồi sức, ép tim cho người bệnh, bởi vì không một người bác sĩ nào muốn người bệnh tuột khỏi tay mình về với lưỡi hái tử thần, về với thiên cổ. Tôi càng cảm phục và suy nghĩ nhiều hơn về nghề nghiệp, về những dự định tương lai, về câu hỏi mình có thể giúp gì tốt hơn trong tương lai trong công tác chăm sóc y tế và cấp cứu tại nơi biển đảo này.
Tất nhiên, câu chuyện ngoài biển không thể thiếu sóng, thiếu gió, thiếu mưa giông và bão tố. Các chiến sĩ hải quân đã chia sẻ với tôi về những buồn vui trên biển, về những chuyến đi trong bão, trong mùa biển động để thực hiện nhiệm vụ, để tìm kiếm cứu nạn, để giúp đỡ ngư dân. Tôi cảm nhận, khi sóng yên biển lặng thì các anh là điểm tựa để ngư dân bám biển; khi bão gió nổi lên thì các anh là niềm tin cho ngư dân khi không may gặp nạn.... Giọng các anh trầm lại, ánh mắt thoáng nỗi buồn khi kể về lần cứu hộ tàu cá, khuyên ngư dân bỏ tàu để giữ mạng, nhưng rồi cả tàu cá và ngư dân đã mãi mãi ở lại với biển khơi vì không muốn mất tàu. Hay nét mặt rạng ngời niềm hạnh phúc khi các anh kể lần quăng dây nhưng không cứu được ngư dân, bất ngờ sóng to đánh bổng đưa hai người lên đúng boong tàu, thế là hai người đàn ông trụ cột của hai gia đình đã được trở về từ biển cả. Những câu chuyện như thế, về những người chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam, về biển, về cuộc đời làm cho tôi thực sự có những thay đổi sâu sắc trong suy nghĩ về nhân duyên, về tương lai, về những thế hệ đi trước, thế hệ hôm nay và mai sau.
Một trải nghiệm không thể không kể đến là cuộc sống những ngày trên tàu với những người chị em yêu quý của tôi tại phòng 325. 18 chị em các lứa tuổi, các ngành nghề, các miền của Tổ quốc. Điểm chung của mọi người là tình yêu với biển đảo, về niềm tự hào khi được cùng nhau trở thành “chiến sĩ Trường Sa”. Tôi sẽ nhớ mãi không bao giờ quên.
Đàn cá heo tiễn đoàn thật là một hình ảnh đẹp đẽ của biển khơi khi đoàn chúng tôi trở về đất liền. Các thủy thủ bảo khi cá heo đi theo tàu, báo cho con người biết biển sắp động. Lòng tôi không khỏi bồi hồi trước thời khắc chia tay, trước những lừng sóng đang đợi chờ ngoài xa khơi, trước sự nhỏ nhoi của con người trước đại dương mênh mông. Nhưng tôi chắc chắn trong tim mình một sự tin tưởng mãnh liệt vào vẹn nguyên lời thề giữ biển đảo của các thế hệ dân tộc Việt Nam, và sự cố gắng hết mình của bản thân để đóng góp sức của người Bác sỹ Gây mê hồi sức trong bất kỳ công việc nào tôi tham gia. Và Trường Sa đã tiếp thêm thật nhiều tình yêu và niềm tin cho đất liền./.
Bài viết của THS.BS. Vũ Thị Thu Hiền - BS Gây mê Hồi sức, Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội sau khi có trải nghiệm 7 ngày hết sức ý nghĩa tại quần đảo Trường Sa dịp tháng 5 - 2023