Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn đã từng xuất hiện trong trường quay của chương trình Quán Thanh xuân số tháng 4-2019 với chủ đề “Ngày mai anh lên đường vì thế MC Diễm Quỳnh đã gọi anh bằng cái tên thân mật: “Người quen” của Quán Thanh xuân.
Nhắc đến Nguyễn Hồng Sơn là nhắc đến một con người tài hoa, bởi không chỉ là một bác sĩ giỏi, nhà quản lý tâm huyết, anh còn là một nhạc sĩ với những ca khúc đi vào lòng người. Với nhiều mảnh đất đi qua nhưng Trường Sa luôn có một vị trí rất quan trọng trong lòng anh, anh luôn cố gắng đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của mảnh đất ngoài khơi xa này.
Anh kể, được đặt chân đến nhiều vùng biển, đảo của Tổ quốc, anh luôn hiểu sâu sắc những nhu cầu cấp thiết của quân, dân nơi ấy. Ở đảo xa, ngày càng có nhiều loại bệnh lý phức tạp, cần được cấp cứu kịp thời, có chuyên môn sâu, sự hội chẩn kỹ lưỡng… Đặc biệt, đối với ngư dân thì hội chứng giảm áp do lặn sâu gây nhồi máu và liệt thường hay gặp. “Trong một dịp ra Trường Sa, tôi trực tiếp cấp cứu cho hai bệnh nhân là thợ lặn bị hội chứng giảm áp, hôn mê sâu do phù não, tủy... Với những trang thiết bị y tế ở Bệnh xá thị trấn Trường Sa, chúng tôi đã cấp cứu bước đầu rồi đưa bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175 bằng trực thăng cứu hộ của Quân chủng Phòng không-Không quân. Bệnh nhân đã khỏe mạnh và xuất viện sau 3 tháng điều trị. Đây thực sự là một thành công, một kỷ niệm khó quên trong đời thầy thuốc”-Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại.
Nhận thấy rõ sự cần thiết kết nối trực tuyến giữa đảo và đất liền trong chăm sóc y tế, anh đã đề xuất cấp trên và nỗ lực triển khai xây dựng hệ thống y khoa trực tuyến (Telemecine). Sau khi được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý và được sự hỗ trợ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng cục Hậu cần, hệ thống y khoa trực tuyến (Telemecine) đã được thiết lập, nối Bệnh xá thị trấn Trường Sa với Bệnh viện Quân y 175 giúp hội chẩn, hỗ trợ chữa trị, cấp cứu, phẫu thuật hàng chục ca bệnh thành công.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại ca mổ đẻ đầu tiên ở Trường Sa mà ông cùng tập thể các chuyên gia chỉ đạo chuyên môn qua hệ thống Telemedicine từ Bệnh viện Quân y 175. Sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy ở đảo Trường Sa chuyển dạ với tình trạng bị u xơ tử cung, ngôi thai nằm ngang, thiếu ối, dây nhau quấn cổ. Qua hệ thống Telemedicine, tổ chuyên gia đã cùng kíp mổ do bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc làm kíp trưởng đã thực hiện phẫu thuật tại Bệnh xá thị trấn Trường Sa. Với một ca sinh mổ ở đất liền có thể là khá dễ dàng, nhưng ở đảo, lại trong điều kiện là một ca khó thì quả thật là một thử thách. Dù có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng các bác sĩ tham gia chỉ đạo chuyên môn cho ca phẫu thuật đều rất căng thẳng, như sắp bước vào một trận đánh thông qua một hệ thống trực tuyến mới lạ. Khi tiếng khóc chào đời của bé vang lên, chúng tôi và các bác sĩ, gia đình sản phụ vỡ òa niềm hạnh phúc. Em bé đầu tiên được sinh mổ ở Trường Sa được đặt tên là Nguyễn Ngọc Trường Xuân theo đề nghị của ba mẹ cháu: Họ Nguyễn, sinh ở Trường Sa, Hà Ngọc và Xuân Lãm là tên của hai bác sĩ trực tiếp mổ cho sản phụ.
Với ông thì những kỷ niệm đối với đồng đội, đồng nghiệp với những đêm thức trắng cùng kíp y tế Trường Sa hội chẩn cứu chữa người bệnh còn rất sâu sắc. Đó là những chuyến bay đêm vượt qua thời tiết khắc nghiệt ở biển Đông. Có thể nói chúng ta đánh đổi tất cả để giành giật tử thần, giành giật sinh mệnh của một người ngư dân. Chính sự giành giật ấy đã làm cho bao mầm sống đâm chồi. Cả kíp chúng tôi hồi hộp, lo lắng, vỡ òa sau tiếng khóc của những em bé chào đời. Những giọt mồ hôi lẫn trong nước mắt, tất cả chúng tôi ôm nhau trong niềm xúc động giữa Trường Sa sóng gió như vậy mà vẫn có một mầm sống ra đời. Ước mơ ấy không chỉ của ba mẹ các cháu mà là ước mơ của tất cả chúng ta. Chúng ta mong rằng một mùa xuân mãi mãi, vùng biển biên ải của Tổ quốc sẽ mãi mãi bình yên”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nghẹn ngào cho biết.
Nhờ viễn thông mà Trường Sa gần lắm không chỉ y học mà ngay cả việc thư từ qua lại giữa người chiến sĩ với hậu phương. Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, với cán bộ chiến sĩ Trường Sa thì một lá thư tay cũng phải mất 3, 4 tháng mới đến tay được người nhận. Lúc ấy nhận được nó là thiêng liêng lắm, giá trị lắm. Trong khi tín hiệu bức điện thường chập chờn, liên lạc thường xuyên bị đứt đoạn. Trường Sa ngày ấy là xa lắm. Thế nhưng ngày nay, viễn thông đã làm Trường Sa gần hơn. Bây giờ sóng điện thoại phủ sóng toàn quần đảo Trường Sa, những kết nối giúp xóa nhòa khoảng cách giữa đất liền, hải đảo. Ông khẳng định, viễn thông đã kết nối những người thân bất kể địa lý, vượt qua đại dương ấy thân thương 3 tiếng: Quê hương mình.
Khán giả lại một lần nữa được bùng lên trong cảm xúc về Trường Sa với ca khúc “Nơi đảo xa” của cố nhạc sĩ Thế Song qua phần thể hiện của ca sĩ Tùng Dương. Cùng với đó, có mặt tại trường quay Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (cũ), người được coi là mở đường cho bùng nổ Internet tại Việt Nam, rưng rưng khi kể về chuyến đi Trường Sa của mình vào tháng 4-1993, tháp tùng đồng chí Phó Thủ tướng Trần Đức Lương. Chuyến đi ấy đã đem lại cho ông nhiều cảm xúc khi mà giữa biển trời mênh mông mình cảm thấy rất nhỏ bé trước các chiến sĩ Trường Sa. Và cũng sau chuyến đi lịch sử ấy, mà vài tháng sau Trường Sa đã được lắp mạng thông tin vệ tinh để các chiến sĩ được nói chuyện được về nhà./.