Chuyển động Hà Nội

Hà Nội yêu cầu các đơn vị tổ chức tổng kiểm tra PCCC liên quan hệ thống điện

KT (T/h) 11:15 20/04/2023

Chiều 19/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

le-hong-soan-16819065903571900164734.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn (ảnh: chinhphu.vn)

Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, từ năm 2018 đến hết ngày 14-3-2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.044 vụ cháy, nổ. Trong đó, có 1.562 vụ có liên quan đến hệ thống điện (chiếm 76,4% tổng số vụ cháy), gồm 16 vụ cháy lớn, 11 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 2 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 325 vụ cháy trung bình… làm 34 người chết, 62 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 180 tỷ đồng.

Ngoài ra còn 2.470 vụ chập điện trên cột, đường dây dẫn điện trên cột và 1.852 vụ sự cố chập điện trong nhà. 3.041 vụ, sự cố chập điện trên cột, đường dây dẫn điện.

Nguyên nhân cháy, nổ của hệ thống điện bên trong nhà, công trình là do việc thiết kế lựa chọn dây dẫn lắp đặt, thiết bị bảo vệ trong nhà, thiết bị sử dụng điện không được kiểm soát, tính toán và lựa chọn phù hợp đúng theo các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật điện hạ áp.

Hệ thống điện sử dụng tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, nhà ở hộ gia đình về mặt kỹ thuật quy định trong thiết kế lắp đặt phải có điều chỉnh phù hợp để đảm bảo an toàn trong sử dụng, nhưng phần lớn chủ hộ, chủ đầu tư không nắm được các yêu cầu về quy định sử dụng điện an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kế lắp đặt nên không có kiểm soát cho người tư vấn thiết kế, thậm chí không thiết kế, lắp đặt theo chủ quan; không lựa chọn được các thiết bị điện lắp đặt đúng quy chuẩn, quy cách trong khi thiết bị sử dụng điện thì đa dạng.

Tính từ năm 2018 đến nay, thành phố đã thành lập 35 đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với 425 cơ sở, qua đó phát hiện và kiến nghị 868 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy, lập 160 biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ban hành 160 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hàng tỷ đồng. Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã phối hợp với EVN Hà Nội tổ chức hơn 350 lớp tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy với gần 7.000 người tham dự.

Về các khó khăn vướng mắc, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CATP cho biết, việc xử lý cưỡng chế, chế tài xử lý của nhà nước đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xây dựng, hoạt động không phép, trái phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất, công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC... không đảm bảo an toàn về PCCC, đang rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn.

Theo Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, tại Hà Nội, từ năm 2018 đến nay có 76,4% các vụ cháy liên quan đến điện thì đây là vấn đề quan trọng cần nhìn nhận, từ dó cần cơ chế phối hợp giữa Công an Thành phố và Điện lực TP. Hà Nội để có giải pháp tiếp theo.

Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho biết, qua rà soát hơn 2,8 triệu khách hàng của EVN Hà Nội, hiện còn lại 1.569 khách hàng là hộ gia đình đang nằm trên đất nông nghiệp, có tranh chấp, hợp đồng hết hạn vẫn còn vướng mắc. EVN Hà Nội sẽ khẩn trương phân loại các trường hợp có nguy cơ cháy nổ và có giải pháp chi tiết để khắc phục.

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận định, nguy cơ cháy nổ ở Hà Nội vẫn tiềm ẩn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội cũng chỉ rõ nguyên nhân và khó khăn về thể chế, vướng mắc trong sự phối hợp giữa Cảnh sát PCCC và ngành điện lực; người dân chưa ý thức đầy đủ về nguy cơ ; hạ tầng kỹ thuật của Thành phố chưa bắt kịp quá trình đô thị hóa. Trong khi chờ sửa đổi các văn bản pháp luật, trước mắt, cần có cơ chế linh hoạt để khắc phục ngay các tồn tại.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu phân loại khách hàng theo lĩnh vực, địa bàn có nguy cơ cao. “Địa bàn nào có nguy cơ cao thì lãnh đạo chính quyền cơ sở phải vào cuộc quyết liệt, chịu trách nhiệm với lãnh đạo thành phố nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng”, đồng chí Lê Hồng Sơn nói.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức tổng kiểm tra PCCC theo từng nhóm như Công an TP. Hà Nội và EVN Hà Nội phải tổng kiểm tra địa bàn mình phụ trách và phải có hướng dẫn khắc phục, xử lý vi phạm. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị tổ chức tổng kiểm tra PCCC liên quan hệ thống điện và đứng đầu các đơn vị phải tổng kiểm tra địa bàn mình phụ trách.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội yêu cầu các đơn vị tổ chức tổng kiểm tra PCCC liên quan hệ thống điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO