Hà Nội ưu tiên xử lý ngay các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng
Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội còn 144 cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh đã xuống cấp chưa được đầu tư tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội còn nhiều cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh đã xuống cấp chưa được đầu tư tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Theo thông tin của Sở GTVT Hà Nội, hiện có 55 công trình cầu do TP quản lý cần thiết phải đầu tư cải tạo, sửa chữa. Con số này được đưa ra sau quá trình rà soát, đánh giá trên cơ sở hồ sơ quản lý cầu, hồ sơ kiểm định, thử tải…
Điển hình như: Cầu Trắng (Giáp Bát, Hoàng Mai), cầu 72 II (Hoài Đức), cầu Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), cầu Yên Sở (Hoài Đức), cầu Chiếc...
Đối với các cầu do quận, huyện, thị xã quản lý, UBND các địa phương cũng đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng,... Đến nay, các địa phương đề xuất đầu tư xây dựng mới, thay thế, cải toạ đối với 89 công trình cầu yếu, cầu tạm.
Thời gian qua, ngành GTVT đã tham mưu, đề xuất UBND TP Hà Nội đầu tư xây dựng các công trình cầu yếu. Tuy nhiên, khối lượng cầu trên địa bàn là khá lớn, mức độ xuống cấp và sự cần thiết đầu tư các cầu là khác nhau, nguồn lực dành cho hệ thống cầu yếu còn hạn chế.
Trong nhóm các công trình cầu yếu do địa phương đề xuất, có rất nhiều công trình kết cấu tạm bợ, không ổn định do người dân tự dựng lên để đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương buôn bán trong khu vực.
Mặt khác, các cầu yếu trên địa bàn Hà Nội có nhiều hư hỏng của kết cấu chịu lực. Theo đó, đối với cầu bê tông cốt thép, hệ thống dầm bị nứt vỡ, đặc biệt tại các vị trí đầu dầm; lớp phủ mặt cầu, khe co giãn, lan can cũng hư hỏng nặng… Còn với cầu thép, các dầm và hệ liên kết ngang hầu hết đều bị rỉ sét, dầm chủ nhiều cầu bị đứt gãy, rỉ thủng… không đảm bảo khả năng liên kết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Ngoài ra, nhiều cầu có quy mô mặt cắt ngang chưa đồng bộ với quy mô của tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cầu. Chiều rộng cầu nhỏ hơn chiều rộng của đường đầu cầu, làm tính chất liên tục của tuyến đường giao thông bị co thắt, gián đoạn.
Đa số các cầu trong danh sách cầu yếu đều phải hạn chế tải trọng do đã được xây dựng từ lâu, kết cấu chịu lực xuống cấp. Nhiều cầu chỉ đủ đáp ứng tải trọng của xe thô sơ, xe máy,... không đáp ứng được nhu cầu giao thông hiện tại.
Tải trọng bị hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của cả đoạn tuyến. Cá biệt nhiều công trình cầu tuy kết cấu đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không cắm biển hạn chế tải trọng, các phương tiện quá khổ quá tải vẫn thường xuyên lưu thông. Đây là nguyên nhân làm cầu ngày càng xuống cấp và nguy cơ sập đổ là khó tránh khỏi.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, về cơ bản, công tác sửa chữa, duy tu, bảo trì cho các cầu do quận, huyện, thị xã quản lý còn hạn chế; ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, an toàn công trình. Bên cạnh đó, công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ của công trình cầu còn nhiều tồn tại bất cập, ảnh hưởng tới công tác kiểm định, đánh giá.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phân loại các công trình cầu tạm và cầu yếu thành ba nhóm để đề xuất danh mục và ưu tiên đầu tư. Nhóm 1 bao gồm các cầu cần xây dựng mới hoặc thay thế; nhóm 2 là các cầu còn có thể sử dụng, cần sửa chữa, cải tạo; nhóm 3 là các cầu chưa phát hiện hư hỏng nghiêm trọng nhưng cần duy trì kiểm tra định kỳ.
Đối với các cầu cần xây dựng mới, việc chuẩn bị sẽ diễn ra từ năm 2024 đến 2025. Các đơn vị liên quan sẽ lập, thẩm định chủ trương, dự án đầu tư; thiết kế và triển khai giải phóng mặt bằng.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đặt mục tiêu ưu tiên xử lý ngay các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Công tác duy tu, cải tạo và sửa chữa các cầu còn lại sẽ được thực hiện theo kế hoạch hàng năm để bảo đảm an toàn cho công trình và giao thông./.