Hà Nội sẽ có đường Triệu Túc - khai quốc công thần của nước Vạn Xuân
UBND Thành phố Hà Nội sẽ trình HĐND Thành phố xem xét, ban hành Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024, trong đó có đường Triệu Túc – vị tướng quan trọng bậc nhất của vua Lý Nam Đế, 3 lần đánh bại quân Lương.
Theo nội dung Tờ trình về việc đề nghị xem xét, ban hành Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024 của UBND Thành phố trình HĐND Thành phố tại Kỳ họp HĐND thứ 17 (từ ngày 1 – 4/7/2024), tính đến hết năm 2023, Thành phố Hà Nội đã có 1.390 đại lộ, đường, phố, ngõ và công trình công cộng được đặt tên, trong đó có 860 phố, 322 đường, 1 đại lộ, 41 công trình công cộng, 166 ngõ.
Phân loại theo tên gọi, có 582 tuyến đường, phố, ngõ và công trình công cộng mang tên danh nhân; 576 tuyến mang tên địa danh; 232 tuyến dạng tên khác (tên di tích lịch sử văn hóa, sự kiện lịch sử, danh từ chung, quốc hiệu nước Việt Nam ở một số thời kỳ lịch sử...).
Những năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị của Hà Nội được đẩy nhanh, nhiều đường, phố và công trình công cộng được hình thành, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, công tác đặt tên đường, phố nhằm tạo sự thuận lợi cho công tác quản lý đô thị luôn được nhân dân, các cấp chính quyền quan tâm, là đòi hỏi mang tính thời sự. Bên cạnh đó, xuất phát từ sự phát triển hệ thống các tuyến đường giao thông, nhu cầu thực tế của nhân dân và đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Do vậy, việc xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 là cần thiết và đúng thẩm quyền.
Bố cục Dự thảo Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 gồm 4 Điều (Điều 1: Đặt tên 22 tuyến đường, phố mới; Điều 2: Điều chỉnh độ dài 03 tuyến phố; Điều 3: Đặt tên 2 công trình công cộng mới; Điều 4: Tổ chức thực hiện).
Theo chương trình Kỳ họp thứ 17, ngày làm việc thứ hai (buổi sáng, ngày 2/7), HĐND Thành phố Hà Nội xem xét Tờ trình đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 do UBND Thành phố trình. Sau đó, HĐND Thành phố thảo luận tại Hội trường và Chủ tọa tổng hợp, kết luận, điều hành thông qua Nghị quyết đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Cụ thể, Hà Nội dự kiến sẽ đặt tên 22 tuyến đường, phố mới. Đặc biệt trong đó có đường Triệu Túc (Dài 2 km; rộng 16,5m, huyện Hoài Đức) đoạn từ ngã tư giao cắt đường Nguyễn Viết Thứ - Kim Thìa – Sơn Đồng (ngã tư Sơn Đồng) đến ngã tư giao cắt đường tiếp nối đường Vạn Xuân, cạnh trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức. Tên đường Triệu Túc gắn liền với anh hùng Triệu Túc (470 – 555). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, xuất thân là tù trưởng, giàu nghĩa khí, Triệu Túc được Lý Bí rất coi trọng, nhanh chóng trở thành chỗ dựa tin cậy của Lý Nam Đế.
Năm 541, Lý Bí tập hợp hào kiệt Giao Châu, khởi nghĩa chống nhà Lương. Qua 3 năm chiến đấu, 3 lần đánh bại quân Lương, lại đánh đuổi quân Lâm Ấp xâm lấn phía Nam. Năm 544, Lý Bí tự xưng làm hoàng đế, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân. Trong những người phò tá, Triệu Túc được phong làm thái phó, Tinh Thiều đứng đầu các quan văn, Phạm Tu đứng đầu các tướng võ; Triệu Quang Phục (con trai Triệu Túc) làm Tả tướng quân. Cùng Tinh Thiều và Phạm Tu, Triệu Túc là một trong ba khai quốc công thần hàng đầu của nước Vạn Xuân.
Ngoài đặt tên đường Triệu Túc - vị tướng quan trọng bậc nhất của vua Lý Nam Đế; Tờ trình về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024 còn có các tuyến đường, phố mới. Quận Hà Đông có đường Phượng Bãi, Đồng Dâu, Hoàng Trình Thanh và phố Nguyễn Văn Luyện. Quận Long Biên có đường Cự Khối, Nguyễn Gia Bồng, Đồng Thanh và phố Hoa Động, Vo Trung, Quán Tình. Ngoài đường Triệu Túc kể trên, huyện Hoài Đức có thêm đường mới là Lý Đàm Nghiên. Huyện Mỹ Đức có đường Phù Lưu Tế, Mỹ Hà, Sạt Nỏ, Hà Xá, Trinh Tiết, Trung Nghĩa, Thượng Tiết. Huyện Sóc Sơn có đường mới với tên gọi Trần Thị Bắc; huyện Thanh Trì có đường Quang Liệt, Phương Dung.
UBND Thành phố Hà Nội dự kiến điều chỉnh độ dài 3 tuyến phố:
Phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa): đoạn từ điểm cuối phố Huỳnh Thúc Kháng tại ngã tư giao cắt Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng đến ngã ba giao cắt phố Cầu Giấy tại tòa nhà Icon4 Tower (kéo dài 1.290m, rộng 30m); Phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa): đoạn từ ngã tư giao cắt Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng đến số 8 Pháo Đài Láng (đối diện Trung tâm Khí tượng Thủy văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, điều chỉnh 90m; rộng 30m) và Phố Lệ Mật (quận Long Biên) đoạn từ điểm cuối phố Lệ Mật (cạnh đình, chùa Lệ Mật) đến ngã tư giao cắt phố Đào Đình Luyện (cạnh số nhà 15, tổ dân phố 8 phường Việt Hưng) kéo dài 460m, rộng 13,5m.
UBND Hà Nội đồng thời đặt tên 2 công trình công cộng:
Công viên Long Biên (quận Long Biên): khu vực đất đã quy hoạch và xây dựng công viên thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên (mặt trước Trụ sở UBND quận Long Biên). Phía Tây Bắc giáp Phố Vạn Hạnh, Phía Đông Bắc giáp ô CXCL-09 (hành lang đường ống dẫn dầu), Phía Đông và Đông Nam giáp đường Nguyễn Cao Luyện, Phía Tây và Tây Nam giáp đường Đoàn Khuê (diện tích: 157.237m²).
Công viên Ngọc Thụy (quận Long Biên): khu vực đất đã quy hoạch và xây dựng công viên thuộc phường Ngọc Thụy và phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Phía Tây Bắc giáp đường dự kiến đặt tên Nguyễn Gia Bồng; Phía Nam và Tây Nam tiếp giáp đường 25m; Phía Đông Bắc giáp đường rộng 13.5m (diện tích 68.554m²)./.