Hà Nội thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Chiều 23/6, trong khuôn khổ Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2023, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức “Hội thảo Thúc đẩy Ứng dụng Công nghệ cao trong nông nghiệp”.
Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết: Chương trình số 07-Ctr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã đưa ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đạt đến năm 2025, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đạt trên 70% (hiện nay, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ đạt khoảng 40%). Để đạt được mục tiêu của Chương trình số 07-Ctr/TU đặt ra, đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, trong đó, công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng. Cuộc Hội thảo là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, công nghệ cao trong nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô.
Những năm gần đây, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu cho việc phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Tính đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội.
Trước đó, ngày 24/10/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động số 272/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, thành phố sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp “xanh”, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị trong nước và hội nhập quốc tế.
Nhận định rõ vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các Doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố có cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới, giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm HPA Bùi Duy Quang: Hội thảo “Thúc đẩy Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp” là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp được tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp giảm thiểu chi phí, tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cao, khẳng định vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất.
Việc phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo,… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Đại diện Công ty kỹ thuật VNS tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội thảo, anh Nguyễn Ngọc Phú chia sẻ: “Công ty tôi cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ như: bón phân, gieo xạ, gieo hạt, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay điều khiển tự động. Việc ứng dụng này hỗ trợ bà con nông dân nâng cao năng suất canh tác, đồng thời giảm tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật, tránh những ảnh hưởng đến sức khoẻ.”
Theo ông Nguyễn Văn Thuần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chủ yếu vẫn ở quy mô hộ, manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp của Thủ đô và lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm. Vì vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết đối với Hà Nội để bảo đảm an ninh và an toàn lương thực, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nhiều kinh nghiệm, giải pháp thiết thực được đề xuất
Tại Hội thảo, các đại biểu nghe các nhà khoa học, doanh nghiệp trình bày, trao đổi, chia sẻ, thảo luận một số nội dung liên quan đến: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp - thực trạng của thành phố Hà Nội và giải pháp phát triển; Giải pháp phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt; Giải pháp phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi; Kinh nghiệm của Nhật Bản về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Chia sẻ ứng dụng công nghệ cao trong phân loại bảo quản, sơ chế rau quả của doanh nghiệp Hàn Quốc,…
Đặc biệt, các đại biểu, các nhà khoa học đều nhấn mạnh: Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cao không chỉ là sử dụng thiết bị máy móc, công nghệ cao chính là an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, theo bà Lê Thanh Hiếu, nguyên Trưởng phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ để các doanh nghiệp “mặn mà” hơn và thu hút được nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia với vai trò chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
Tham luận về giải pháp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, GS.TS Nguyễn Huy Sơn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết Thủ đô Hà Nội đang gặp phải một số thách thức. Do đó, GS.TS Nguyễn Huy Sơn đề xuất giải pháp đối với thành phố Hà Nội: cần đặc biệt quan tâm phát triển giống cây trồng mới, đẩy mạnh ứng dụng đầu tư cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại vùng ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo nghề cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực trồng trọt.
Tham luận về giải pháp công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi, TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam đề xuất: Thứ nhất, thúc đẩy nhanh hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch; Thứ hai, nâng cao chất lượng con giống; Thứ ba, tiếp tục hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia; Thứ tư, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm hàng năm; Thứ năm, tăng cường năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y: kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y; Thứ sáu, giải pháp về cơ chế, chính sách là giải pháp quan trọng mang tính tổng thể để các địa phương chủ động triển khai, cần rà soát, đề xuất bổ sung chính sách đặc thù đối với phát triển chăn nuôi, nhằm thúc đẩy phát triển ổn định, bền vững phù hợp với từng giai đoạn.
Ngoài ra, đại diện phía doanh nghiệp Hàn Quốc, Tổng giám đốc Life&Tech đã có những chia sẻ về ứng dụng công nghệ cao trong phân loại bảo quản, sơ chế rau quả trong nông nghiệp. Đây là doanh nghiệp sở hữu hơn 30 bằng sáng chế, nhãn hiệu nông sản, đã hợp tác, chuyển giao công nghệ cho tỉnh Bình Dương. Hiện Life&Tech đang tiếp tục đăng ký chuyển giao công nghệ cho Hà Nội để phát triển tại Thủ đô.
Bên cạnh đó, đại diện nhóm dự án Jica Nhật Bản cũng chia sẻ về ứng dụng công nghiệp cao trong sản xuất nông nghiệp cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô.
Kết thúc Hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Rao hy vọng sẽ có nhiều giải pháp được ứng dụng rộng rãi hơn vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ đứng đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn Thành phố. Để hoàn thành mục tiêu đó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành Thành phố, sự hỗ trợ từ phía các Hội, Hiệp hội và quan trọng hơn hết là sự đồng hành, vào cuộc của chính các Doanh nghiệp – những người đã, đang và sẽ tiên phong tạo ra những đột phá, góp phần nhanh chóng đưa ngành Nông nghiệp Thủ đô phát triển hiện đại, bền vững, trở thành một trong những địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao của cả nước gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại./.