Hà Nội: Phát triển không gian văn hoá, du lịch đêm

kinhtedothi| 13/06/2022 14:46

Thời gian qua, Hà Nội có thêm nhiều không gian phố bị bộ và các tour du lịch đêm tại các di tích, danh thắng. Điều này cho thấy, hoạt động văn hoá, du lịch không chỉ đang phục hồi mà đã tiếp tục phát triển nhờ việc khai thác các lợi thế.

Điểm hẹn cho du khách

Những thủ phủ du lịch nổi tiếng thế giới như: New York, Paris, London, Sydney... đều có hoạt động kinh tế đêm rất sôi nổi, đem lại giá trị kinh tế, nguồn thu ngoại tệ lớn cho các quốc gia. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore cũng đã đầu tư mạnh mẽ cho kinh tế đêm suốt nhiều năm qua để phát triển du lịch.

Không nằm ngoài xu thế chung, TP Hà Nội đã và đang phát triển các hoạt động du lịch, giải trí, văn hoá, nghệ thuật đêm. Vào thời điểm chưa có dịch Covid-19, không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là điểm hẹn của nhiều người dân và du khách trong nước, quốc tế vào dịp cuối tuần.

Phố Tạ Hiện thu hút du khách. Ảnh: Duy Khánh.
Phố Tạ Hiện thu hút du khách. Ảnh: Duy Khánh.

Trong đó, khu vực phía trước đền Ngọc Sơn là nơi các họa sĩ đường phố vẽ chân dung khách bộ hành. Đối diện cổng đền, các tiết mục dân ca dân vũ trên nền nhạc sôi động của các đội văn nghệ không chuyên. Bên đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ lại có các hoạt động của ban nhạc, nhóm nghệ thuật biểu diễn theo phong cách hiện đại, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Những năm gần đây, số lượng du khách quốc tế lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng nhanh (năm 2016 đạt 1,4 triệu lượt, năm 2017 đạt 1,8 triệu lượt, năm 2018 đạt 2,1 triệu lượt, năm 2019 đạt 2,35 triệu lượt). Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.

Với giới trẻ, Tạ Hiện là địa điểm yêu thích, nơi được nhắc đến mỗi khi có nhu cầu giao lưu gặp gỡ về đêm. Tạ Hiện nổi tiếng là “phố bia giữa lòng Thủ đô”, nơi gắn kết những tâm hồn trẻ trung, tràn đầy sức sống thuộc đủ thành phần, quốc tịch.

David Ferrer - đến từ Paris nước Pháp, uống ngụm bia, khà một tiếng chia sẻ: “Bia ngon quá, ở đây tôi có một thứ đồ nhắm đặc biệt mà không ở đâu có được, đó là không khí. Tôi uống từng ngụm không khí của đêm Hà Nội, cảm giác lâng lâng”.

Không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Nguyễn Quý.
Không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Nguyễn Quý.

Trong năm 2022, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Hà Nội đã có thêm hai không gian đi vào hoạt động là không gian đi bộ Trịnh Công Sơn và không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Trong đó không gian đi bộ Trịnh Công Sơn được kích hoạt lại sau 2 năm tạm dừng hoạt động do dịch bệnh. Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã tạo hiệu ứng tốt. Theo Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm - Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo, trung bình mỗi ngày tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 10.000 khách, ngày cao điểm khoảng 15.000 khách.

Mở rộng không gian văn hoá đêm

Để phát huy các giá trị văn hóa, xúc tiến du lịch, thu hút khách du lịch, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, TP Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm thu hút khách quốc tế.
Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm thu hút khách quốc tế.

Dự thảo đề án xác định 6 không gian tạo động lực phát triển kinh tế đêm gồm: Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các không gian đi bộ trong khu phố cổ; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại, tổ chức quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên kinh doanh, phố nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, một loạt không gian đi bộ cũng đang hình thành. Đó là Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; không gian đi bộ hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng; tuyến phố đi bộ tại dự án Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 - Bitexco, quận Hoàng Mai. TP có chủ trương phát triển không gian đi bộ Khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora, huyện Hoài Đức; không gian đi bộ xung quanh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Các không gian này đi vào hoạt động sẽ thu hút một lượng lớn du khách và góp phần phát triển thương mại, dịch vụ cho các khu vực quanh đó.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội: “Để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế đêm của Hà Nội, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế đêm. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế đêm. Xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, DN tham gia đầu tư phát triển”.

Thời gian qua, các sản phẩm du lịch đêm khác như tour du lịch “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, “Đêm thiêng liêng: Sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” của Khu du lịch Tuần Châu - Quốc Oai bắt đầu được đông đảo du khách biết tới. Sau khi khởi động lại do bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, có những tối cuối tuần, Hoàng thành Thăng Long đón gần 200 khách đến tham quan. Tour “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” của Di tích Nhà tù Hỏa Lò gần kín lịch đăng ký cho đến hết tháng 6.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phát triển không gian văn hoá, du lịch đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO