Này nhé, một sớm mai thức dậy, bước chân xuống phố trong tiết trời se lạnh của những làn gió heo may bạn sẽ thấy trên những vỉa hè và con đường phía trước lá rơi rải như một tấm thảm dát vàng lung linh cùng hương hoa sữa vấn vương như thể níu những bước chân qua.
Chưa hết, khi hơi sương còn đang chùng chình ngang qua các lối ngõ, đi dưới những hàng cây trên các tuyến đường của nội đô cổ kính bạn sẽ thấy không gian của phố phường ánh lên những sắc bình minh vàng như giọt mật xiên qua từng kẽ lá, nhuộm vàng những mái ngói thâm nâu, hòa cùng sắc vàng tươi của muôn vàn bông cúc trên những xe hoa từ muôn ngả đường của ngoại thành ùa vào trong phố.
Sắc thu hòa vào hoa cúc như thế đẹp đến nao lòng. Ngắm nhìn trời thu Hà Nội như thế hẳn sẽ có không ít người không khỏi ngỡ ngàng thích thú khi nhận ra những bông cúc bình dị thường ngày kia nay đã đem đến, tô điểm cho Hà thành một sắc vàng mê mải đầy quyến rũ.
Từ xa xưa các nho gia đã sớm nhận ra ở hoa cúc cái tiết thanh tao, chính trực, kiên trung của bậc quân tử: “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa”.
Đúng thế, hẳn là ai đã chơi hoa cúc dù một lần cũng sẽ thấy hoa rất bền, có khi tàn hoa nhưng lá vẫn không rời cành, cánh hoa vẫn không rơi rụng xuống đất, chỉ khô héo và gục rũ trên thân.
Phải chăng hoa cúc nở và rất đẹp vào mùa thu cùng với hình ảnh hoa lá không chịu rời cành ấy nên các cụ nhà ta khi xưa đã nhìn thấy sức mạnh vượt trội của của nàng công chúa mùa thu này để hết lời ca ngợi và đồng thời cũng gửi gắm, kí thác vào đó ít nhiều những tâm sự, cốt cách của chính mình: “Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm/ Có mấy bầu sương nhuỵ mới đâm/ Trùng cửu chớ hiềm thu đã muộn/ Cho hay thu muộn tiết càng thơm” (Cúc - Nguyễn Trãi).
Mùa thu có nắng vàng rất đẹp nhưng không phải là tiết trời thuận lợi cho cây cỏ, hoa lá phát triển. Theo cái vòng tuần hoàn “xuân sinh hạ trưởng thu liễm đông tàng” thì rõ ràng cây và mùa đều có những qui luật sinh tồn theo lẽ tự nhiên. Đa phần cây cỏ đều phát tiết nở hoa vào mùa xuân, phát triển vào mùa hạ, trái chín vào mùa thu và nghỉ ngơi tránh rét, ủ mầm cho một mùa mới vào mùa đông.
Hoa cúc bất tuân cái qui luật ấy: “Trăm hoa đua nở, vắng ngươi hoài!/ Trăm hoa tàn rồi mới thấy ngươi/ Tháng rét một mình, thưa bóng bạn/ Nhị thơm chẳng rữa, chạnh lòng ai/ Nhấp nhô lưng giậu xanh chồi trúc/ Óng ả đầu hiên mướt ngọn mai” (Vịnh hoa cúc – Nguyễn Khuyến).
Hoa cúc nở vào mùa thu, rực rỡ nhất vào mùa thu. Nhìn những bông cúc vàng tươi mẫm bóng, duyên dáng trong sắc trời vàng óng ả cùng với muôn lá vàng bay ta thấy dường như tất cả đất trời với muôn sắc thu đang ngưng kết lại trong từng bông cúc.
Bởi thế ta cũng không phải ngạc nhiên lắm khi có nhà thơ thốt lên rằng "Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá/ Mùa thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mông/ Mùa thu vào hoa cúc …" (Thư tình cuối mùa thu – Xuân Quỳnh).
Bây giờ hoa cúc có mặt suốt bốn mùa nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là hoa cúc của mùa thu. Trong sắc mùa thu, màu hoa cúc như được cộng hưởng thêm bởi những ánh vàng của đất trời cây lá. Dường như chút nắng vàng của những ngày cuối hạ đang được tạo hoá gom hết lại chuyển vào thanh sắc của cúc hoa?
Những bông hoa cúc hàm tiếu với muôn cánh vàng tươi mềm mại, cúp cong tròn xoe như núm đồng tiền trên má người thiếu nữ nhẹ nhàng thoảng hương hắc nồng ngai ngái đủ để làm say sưa đất trời, bỏ bùa mê cho người đi trên phố.
Thế đấy, “mùa thu vào hoa cúc” đã làm say lòng người. Sự quyến rũ của sắc vàng hoa cúc hòa cùng cái diệu ảo của hương sắc trời thu Hà Nội đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người lữ khách khi một lần ngang phố.