Hà Nội đề xuất xây dựng thành phố du lịch Ba Vì - Sơn Tây
Ba Vì sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được biết đến như cái nôi của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh. Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp đơn vị tư vấn vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở phân tích thực trạng với những tồn tại, “điểm nghẽn” của 4 địa phương, đơn vị tư vấn đưa ra định hướng chiến lược phát triển chung cho cả vùng từ kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (phê duyệt năm 2011) và Vùng Thủ đô, là khai thác lợi thế Quốc lộ 32 và sự bổ trợ của tuyến hành lang sông Hồng, sông Đà, đại lộ Thăng Long… để xây dựng dải đô thị du lịch và nông nghiệp phía Tây Bắc Thủ đô.
4 huyện, thị xã trên cũng sẽ phát triển các khu vực đô thị tập trung theo mô hình TOD, đó là gắn với hình thành hệ thống giao thông hiện đại, thông minh, hạ tầng đô thị đồng bộ, hấp dẫn, thu hút dân cư, đặc biệt là lực lượng lao động trí thức chất lượng cao.
Phát triển không gian gắn với hình thành các trục quan trọng của Hà Nội gồm: Hành lang sông Hồng, sông Đà, hành lang Quốc lộ 32, và trục Hồ Tây - Ba Vì…
Nhằm gia tăng liên kết vùng tại khu vực này, tại hội thảo ngày 11/8, các đại biểu đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối tới đô thị vệ tinh Sơn Tây và kết nối tới trung tâm du lịch huyện Ba Vì - đô thị Tản Viên Sơn.
Nằm phía Tây Hà Nội, Ba Vì từ lâu đã được du khách mọi miền đất nước biết tới là nơi “sơn thủy hữu tình”. Núi Ba Vì đươc coi như “núi tổ” của Việt Nam.
Ba Vì sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được biết đến như cái nôi của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh. Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nơi đây có những ngôi đình được các nhà nghiên cứu xếp vào loại đình cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như: đình Tây Đằng, đình Thụy Phiêu, đình Thanh Lũng…
Đóng góp ý kiến về định hướng phát triển Ba Vì, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho rằng, tại thị xã có một “điểm nghẽn” hết sức quan trọng là vấn đề môi trường ở bãi rác Xuân Sơn và 3 sân golf của hồ Đồng Mô.
Hơn nữa, trong quy hoạch lần này, Sơn Tây mong muốn làm sống dậy dòng sông Tích, sông Hang chảy qua khu vực và cả hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh nhằm phát huy giá trị cảnh quan.
Do vậy, trong định hướng quy hoạch, Sơn Tây mong muốn thành phố Hà Nội quan tâm, tích hợp các dự án lớn về du lịch trên địa bàn như các dự án tại hồ Xuân Khanh, xung quanh hồ Đồng Mô và bổ sung các không gian du lịch ở hai bên bờ sông Tích; mở rộng tuyến phố đi bộ, bổ sung thêm các tuyến đường 414B, 417, thành cổ Sơn Tây, đền Và, đền Ngô Quyền…
Đề cập đến tính đột phá trong định hướng phát triển, đơn vị tư vấn đề xuất hình thành thành phố du lịch vùng Thủ đô với đô thị Sơn Tây là cửa ngõ, núi Ba Vì là trung tâm. Đây cũng là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị đơn vị tư vấn cần đánh giá đúng thực tiễn, “điểm nghẽn” về cơ chế, thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt lưu ý các sở, ngành thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm, cập nhật đầy đủ hiện trạng phát triển ngành tại các địa phương để đưa ra định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn, sáng tạo, đột phá./.