Theo đó, Sở Công Thương yêu cầu các đơn vị có phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý, đảm bảo đầy đủ, thường xuyên nguồn cung hàng hóa phục vụ trước, trong và sau các ngày lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường; Có phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho người lao động và khách đến mua sắm. Hàng hóa đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai, bán theo giá niêm yết.
Tổ chức bán hàng thường xuyên, liên tục, đa dạng hóa các hình thức bán hàng thích ứng với công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tăng cường các điểm bán hàng hóa, điểm bán hàng lưu động trên địa bàn Thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Các địa điểm kinh doanh trên địa bàn được trang trí, sắp xếp gọn gàng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn PCCC.
Tổ chức tốt công tác phục vụ Tết dưới nhiều hình thức, đẩy mạnh các sự kiện kích cấu tiêu dùng, xúc tiến thương mại… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân dịp trước, trong và sau Tết.
Đảm bảo tốt công tác vận chuyển, lưu thông hoàng hóa đối với các tỉnh, thành phố và trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch Covid-19 trong sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa.
Về kế hoạch thực hiện, cần xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết gắn với công tác phòng, chống dịch:
Mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: Gạo; thịt bò; thịt lợn; thịt gà; thủy hải sản; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến; rau củ, trái cây tươi.
Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết: Nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy....
Mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch: Khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).
Bên cạnh đó, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp, trong dịp Tết 2022 hoạt động mua sắm hàng hoá tại các điểm kinh doanh sẽ thu hút đông người dân mua sắm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết, các doanh nghiệp căn cứ Phương án 629/PA-SCT ngày 09/2/2020 đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cấp độ của Trung ương và Thành phố nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, Kế hoạch 181/KH-UBND ngày 07/8/2021 của UBND Thành phố đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị phương án chuẩn bị phương án đảm bảo hàng hoá sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn theo các cấp độ diễn biến của dịch.
Kênh bán hàng truyền thồng gồm: Hệ thống TTTM: 28; Hệ thống siêu thị: 123; Hệ thống chợ: 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các kênh bán hàng đa phương tiện: bán hàng qua website, hotline, app…với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.
Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch, bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng: 2.500 địa điểm tại các quận huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu (các địa điểm này do UBND các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp đề xuất) để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố.