Sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt |
Hữu xạ tự nhiên hương?
Tuy nhiên, theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong quá trình hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vẫn còn quan điểm cho rằng "hữu xạ tự nhiên hương", làng nghề có truyền thống lâu đời nên tự khắc sẽ có người biết đến. Trong khi, thực tế nếu không đầu tư xây dựng, quảng bá thương hiệu, thì tên tuổi của làng nghề khó vượt qua địa giới hành chính của địa phương, chứ đừng nói đến ra ngoài biên giới quốc gia.
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội lại trăn trở về nguy cơ mai một các nghề thủ công mỹ nghệ, mất thương hiệu làng nghề của Thủ đô, cũng như cả nước ngày càng hiện hữu. Đã từng có trường hợp sản phẩm làng nghề do không được bảo hộ thương hiệu, bị đối tác nước ngoài sao chép, sản xuất hàng loạt, rồi nhập về cạnh tranh với chính sản phẩm của làng nghề.
Thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho thấy một thực tế đáng lo ngại, 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài cung cấp và sử dụng nhãn mác của nước ngoài. Nếu so với các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… thì hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam kém cạnh tranh về thiết kế.
Cần chiến lược quảng bá thương hiệu
Nói đến làng nghề Hà Nội, chắc chắn có nhiều người biết đến những cái tên như lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh… Hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi đã được thành phố tôn vinh tài năng, tâm huyết trong việc bảo tồn nghề truyền thống. Bên cạnh hoạt động đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đầu tư hạ tầng… TP Hà Nội còn dành nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các làng nghề. Chỉ trong năm 2016, Hà Nội đã dành 3 tỷ đồng cho chương trình Hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề trên địa bàn, gồm việc xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể, phương án thiết lập, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, thí điểm quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể…
Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn, người chuyên phục chế gốm cổ của làng gốm Bát Tràng cho biết, với sự hỗ trợ của thành phố, gốm sứ Bát Tràng sau hơn 10 năm đăng ký thương hiệu đã được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết đến. Đáng chú ý, mô hình kết hợp sản xuất, trưng bày sản phẩm với phát triển du lịch, xuất khẩu tại chỗ nhằm quảng bá thương hiệu phát huy hiệu quả cao. Sản phẩm của làng nghề đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế và được nhiều đối tác nước ngoài lựa chọn.
Còn theo nghệ nhân làm nón làng Chuông (huyện Thanh Oai) Lê Văn Tuy, kể từ khi thương hiệu nón làng Chuông được công nhận, giá sản phẩm đã tăng 10%, lượng hàng tiêu thụ cũng tăng cao hơn so với trước. Nón làng Chuông cũng nhờ đó vinh dự được tham gia vào nhiều sự kiện lớn của đất nước, như APEC, SEA Games... Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố xây dựng và quảng bá thương hiệu; từ đào tạo kiến thức về xây dựng, quảng bá, đặt tên thương hiệu cho đến thiết kế biểu tượng, hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm… Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ rộng, thành phố sẽ tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, khuyến khích lan tỏa nghề ra các địa phương xung quanh; hỗ trợ xây dựng quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để mở rộng mặt bằng sản xuất… UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành chức năng hỗ trợ các làng nghề cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn; tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề…
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần sự chủ động của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, không chỉ của làng nghề mà của cả mỗi doanh nghiệp, cơ sở. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải đầu tư thỏa đáng cho thương hiệu, vì đó chính là quyền lợi sát sườn của mình.