Văn hóa – Di sản

Giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết chính là bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam

Trung Kiên 13/08/2024 06:54

Đó là khẳng định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên quan đến việc cử tri phản ảnh thực trạng sử dụng ngôn ngữ “ngoại lai”, cách viết “khác lạ” hiện nay đang làm mất dần bản sắc văn hóa về tiếng nói chữ viết của nước ta.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó gần 30 dân tộc thiểu số có chữ viết, tiêu biểu như: Tày, Thái, Hoa, Khơme, Nùng, H’Mông, Giarai, Êđê, Bana, Xơđăng, Kơho, Chăm, Hrê, Mnông, Raglai... Hiện nay đã có một số ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương tới các địa phương, như: Tày, Thái, Dao, H’Mông, Jrai, Êđê, Bana, Chăm, Khmer…

khmer.jpg
Thầy và trò trong buổi thực hành môn tiếng Khmer tại Trường THCS và THPT Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).

Hiện cả nước có 20 tỉnh, thành phố đang tổ chức dạy tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số cho hàng trăm nghìn học sinh thuộc 7 dân tộc thiểu số: H’Mông, Êđê, Jrai, Bahnar, Chăm, Khmer, Hoa. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông đạt kết quả tốt. Nổi bật phải kể đến tỉnh Sóc Trăng dạy tiếng Khmer cho toàn bộ trường trung học cơ sở, hay TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang tăng số tiết học tiếng Hoa. Tại Sóc Trăng, Trà Vinh có hàng trăm nhà sư tự nguyện dạy tiếng Khmer miễn phí cho hàng ngàn học sinh trong dịp hè (chủ yếu dạy học trong chùa).

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền mỗi dân tộc có tiếng nói chữ viết riêng, quyền bình đẳng và tự do phát triển ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Chính sách về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn và nhất quán. Ngay từ văn kiện đầu tiên của Đảng tại Đại hội lần thứ Nhất (3/1935) đã khẳng định: “Các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa”. Quan điểm ấy được xuyên suốt qua các thời kỳ cách mạng, được tiếp tục khẳng định qua các quan điểm, chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước đối với vấn đề học và dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 4373/VPCP- QHĐP ngày 23/6/2024. Trong đó có nội dung kiến nghị:

Cử tri phản ảnh thực trạng sử dụng ngôn ngữ “ngoại lai”, cách viết “khác lạ” hiện nay đang làm mất dần bản sắc văn hóa về tiếng nói chữ viết của nước ta. Để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của tiếng Việt, tránh bị “lai căng”, “tạp nham”. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, Ngành chuyên môn cần xây dựng một cơ quan chuẩn mực làm nòng cốt cho việc duy trì, phổ biến, giáo dục về tiếng Việt; đồng thời cơ quan chức năng cần đề cao thực hiện biện pháp tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo in, đài truyền hình… ) để truyền đạt đến nhân dân trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

bac-giang.jpg
Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Cường (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) là người “giữ lửa, truyền lửa” ngôn ngữ dân tộc Dao qua việc tự nghiên cứu biên soạn bộ tài liệu tiếng Dao. (Ảnh: Xuân Thỏa).

Theo quy chế làm việc của Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cung cấp một số thông tin liên quan đến nội dung trên gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em, trong đó ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) là một trong những tiêu chí để xác định yếu tố đặc trưng cơ bản của mỗi dân tộc. Ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn phản ánh đời sống vật chất, tinh thần và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Vì vậy, việc giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết chính là bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc nói chung, dân tộc thiểu số nói riêng bên cạnh những giá trị văn hóa khác.

Trước sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số cũng có sự tiếp xúc, biến đổi, vay mượn từ trong tiếng Việt (các thuật ngữ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, các từ ngữ liên quan tới các hiện tượng mới xuất hiện trong cuộc sống, các cách nói của giới trẻ, các lối dùng từ ngữ trên mạng xã hội…). Do đó, việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số là một việc rất quan trọng.

Để thực hiện công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai một số hoạt động. Đó là tổ chức các lớp tập huấn bảo tồn tiếng nói, chữ viết có nguy cơ mai một cao đối với một số dân tộc như: dân tộc Giáy tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; dân tộc Dao tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La và dân tộc Cơ Tu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam…

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc. Biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc, song ngữ (tiếng dân tộc và tiếng phổ thông) để tăng cường tủ sách cho các thư viện công cộng và các tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các địa phương quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc tại địa phương./.

Bài liên quan
  • Di sản qua ngôn ngữ của thời trang hiện đại
    Là một trong những điểm nhấn thú vị của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, tọa đàm "Thời trang và di sản" mang đến những góc nhìn mới về ngành thời trang, trong việc kết hợp giữa bảo tồn các giá trị truyền thống với kỹ thuật và ngôn ngữ của thời trang hiện đại.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hoàn thiện chính sách pháp lý phát triển văn học, nghệ thuật bước vào kỷ nguyên mới
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
  • Kỷ lục gần 18.000 vận động viên dự Marathon quốc tế Techcombank mùa 7
    Giải Marathon Quốc tế Techcombank Hồ Chí Minh mùa thứ 7 chính thức đóng cổng đăng ký sau khi cháy vé với gần 18.000 vận động viên tham gia, đánh dấu sự kiện biểu trưng của thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024.
  • Chung kết cuộc thi Tài năng Anh ngữ dành cho học sinh, sinh viên Thủ đô lần thứ VIII năm 2024
    Các giải nhất cá nhân đã thuộc về 2 thí sinh Nguyễn Kiều Trang (Trường trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) và Nguyễn Thị Hường (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)...
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết chính là bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO