Thuốc sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng
Sáng nay, 12-5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và phát động triển khai giai đoạn 2 đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, sau 4 năm thực hiện đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước đã tăng lên song vẫn còn rất hạn chế.
Đặc biệt, càng ở bệnh viện tuyến trên, tỷ lệ sử dụng thuốc nội càng giảm. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tuyến huyện là 69,4% (tăng gần 8% so với trước khi triển khai đề án). Lên đến tuyến tỉnh, tỷ lệ sử dụng thuốc nội đạt 35,4% (tăng 1,5% so với trước).
Tuy nhiên, ở các bệnh viện tuyến trung ương, tỷ lệ sử dụng thuốc nội chỉ đạt khoảng 11%. Thậm chí tại một số bệnh viện lớn như: Bạch Mai, K, Phụ sản Trung ương, Việt Đức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Lão khoa Trung ương, tỷ lệ sử dụng thuốc nội còn đạt dưới 5%.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho rằng, ở một số bệnh viện tuyến cuối tỷ lệ sử dụng thuốc nội thấp là do đặc thù riêng của chuyên khoa sâu và phần lớn các thuốc trong nhóm này chưa sản xuất được ở trong nước.
Trước thực trạng đó, giai đoạn 2 của đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Bộ Y tế đề ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% tại các bệnh viện tuyến Trung ương, 50% ở bệnh viện tuyến tỉnh và 75% ở bệnh viện tuyến huyện.
Hiện nay, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thuốc chữa bệnh của người dân. Để đạt được mục tiêu nói trên, Cục Quản lý dược sẽ có giải pháp thúc đẩy sản xuất các thuốc thay thế, định hướng cho các doanh nghiệp dược Việt Nam hướng đến tiêu chuẩn cao hơn nữa.