Kiến trúc - Quy hoạch

Giải pháp đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững

Thu Trang 08:14 17/11/2024

Việc đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững và lành mạnh lại một lần nữa được các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành thảo luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển”, vừa được Đài truyền hình Hà Nội tổ chức ngày 16/11/2024.

h1.jpg
Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm - Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phát biểu đề dẫn diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, Tổng giám đốc-Tổng biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội nêu vấn đề, cơn sốt đất nền tại các huyện vùng ven diễn ra suốt hai tháng qua đã đẩy mặt bằng giá chung cư và nhà đất ở Hà Nội lên một mức cao chưa từng có. Cơ quan chức năng đã chỉ ra tình trạng đầu cơ, trả giá cao rồi bỏ cọc trong các cuộc đấu giá để tạo mặt bằng giá ảo nhằm trục lợi, thao túng thị trường.

Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm nhấn mạnh, nếu tình trạng này không được nhận diện, kiểm soát và có giải pháp thích hợp để những cơn sốt ảo đẩy bất động sản lên một mặt bằng giá mới sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế cũng như xã hội. Thị trường bất động sản lành mạnh là thị trường giúp doanh nghiệp bất động sản phát triển bền vững, giúp người dân được tiếp cận nhà ở với giá cả phù hợp; giúp những người thu nhập thấp có một mái ấm trong các khu nhà ở xã hội khang trang, ngăn nắp và những người không có điều kiện mua nhà vẫn có thể sinh sống, yên ổn hạnh phúc trong những nhà đi thuê…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản là 3 đạo luật quan trọng, gắn kết chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng đất đai, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở và thị trường quyền sử dụng đất; thể chế nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Các luật với nhiều điểm mới quan trọng sẽ góp phần minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

h2.jpg
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết Bộ Xây dựng đã kiến nghị các chính sách cho nhà ở xã hội, ban đầu 110.000 tỷ, sang 60.000 tỷ. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước huy động các Ngân hàng thương mại cho vay lãi suất thấp hơn 1,5 - 2 %. Hơn 1 năm vừa qua đã có nhiều điều chỉnh. Tuy nhiên chúng ta phải có phương án mới. Như gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, dự kiến 30.000 tỷ (trong đó 15.000 tỷ từ phát hành trái phiếu, 15.000 tỷ ngân sách địa phương).

Quỹ này rất rõ và có sự tham gia của Ngân sách nhà nước. Về lãi suất vay nhà ở xã hội, còn thiếu nhiều cơ sở pháp lý như lãi suất cho người nghèo 6,6%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất vẫn cao cho nên người dân vay tiền ngân hàng mua nhà rất ít. Cần nhìn nhận khách quan không phải do lãi suất cao (bởi đã giảm 3% so với năm ngoái) mà thực tế là do giá nhà cao quá trong khi thu nhập của người dân không tăng. Cần đưa ra mức giá hợp lý hơn, phù hợp với mức chi trả của người dân.

Thị trường BĐS đang có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù tốc độ còn chậm nhưng điều này đã phản ánh những chính sách đúng đắn, giải pháp kịp thời của Chính phủ và các ngành chức năng. Trong thời gian tới, với những kỳ vọng vào việc hoàn thiện của hệ thống văn bản pháp luật thị trường sẽ có bước tiến mới như: Quốc hội đã Trình Chính phủ về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất - nếu được thông qua - các dự án sẽ được khơi thông, doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ khó khăn về hướng tiếp cận đất đai.

TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nêu rõ, vấn đề giá tăng làm cho khả năng tiếp cận nhà ở của người mua giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở phù hợp thu nhập. Xuất hiện tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh giao dịch bất động sản thiếu minh bạch. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương có phương thức điều tiết thị trường, quản lý, giám sát chặt chẽ.

h3.jpg
Tọa đàm bàn tròn chủ đề "Giải pháp lành mạnh, minh bạch hóa thị trường bất động sản".

Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn còn không ít. Trong đó lớn nhất với thị trường và cả doanh nghiệp là những “dự án treo” chưa được giải quyết hoặc giải quyết còn chậm khiến thanh khoản của thị trường và lòng tin của người mua nhà bị giảm sút. Ngoài ra, một số nội dung pháp lý tại Luật mới rất cần làm rõ. Trong đó, có tác động của việc xây dựng bảng giá đất mới sao cho phản ánh đúng giá trị thực, tránh tình trạng giá ảo, để tính toán thuế đất, chi phí đầu tư và giá bán bất động sản…

Nhấn mạnh vai trò của công tác quản lý Nhà nước trong định hướng phát triển thị trường bất động sản, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nêu rõ, cần bảo đảm công tác lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, các dự án phải phù hợp với quy hoạch.

Từ đó, thị trường sẽ phát triển theo hướng bảo đảm cung cầu, thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, nguồn cung nhà ở tăng. Sản phẩm bất động sản có nhiều đặc thù, nhiều tham số, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Để phát triển 1 dự án có thể mất cả chục năm. Do đó, đòi hỏi sự tích cực, kiên trì đồng bộ của các cơ quan, các cấp và các chủ thể tham gia vào thị trường./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO