Trước ngày lên đường, đoàn được đưa đi thăm một vòng quân cảng, rộng dài có đến mấy chục cây số. Khu cảng quốc tế mới khánh thành mấy năm trước, có thể tiếp nhận được tàu sân bay, tàu khách có dung tích và trọng tải cực lớn, có khả năng sửa chữa, đóng mới các công trình giàn khoan đến đôi trăm mét nước, có thể đón hàng chục tàu cùng lúc và là cảng đầu tiên tại Việt Nam cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão mạnh. Ngó xa xa thấy cả ông tàu ngầm Kilo đồ sộ…
Một sáng, rời quân cảng Cam Ranh, đoàn đi thăm huyện đảo Trường Sa. Khác với tuyến Cát Lái, hải trình Cam Ranh đi Trường Sa nhập ngay vào biển lớn, không phải men dài theo cửa sông cửa biển. Trời êm biển lặng. Tàu vùn vụt hướng về phía trước. Qua trưa, qua chiều rồi một đêm dài. Đến cận trưa hôm sau thì tàu buông neo gần đảo Đá Lớn. Thực chất đảo Đá Lớn là bãi đá ngầm nền san hô ngập nước, liên kết với các đảo Sinh Tồn, Nam Yết. Phía sau kia, tròn ba mươi năm rồi, vẫn còn nguyên hình hài con tàu mà những người lính quả cảm đã cho lao lên rạn đá làm thành tấm bia chủ quyền biển đảo. Sự quyết đoán trong khoảnh khắc đã làm nên lịch sử. Trải qua bao gian khổ, bộ đội hải quân đã xây dựng đảo Đá Lớn vững mạnh lắm rồi. Nhà ở xây tầng vừa là công sự. Đại diện đơn vị dân chính phát biểu, tặng quà. Đoàn văn công và các chiến sĩ cùng nhau ca hát, tìm gọi đồng hương. Sát mép nước phía dưới tầng một có cả lũ heo, lũ chó. Một góc trên tầng hai có “vườn rau thanh niên” với dãy hộp xốp trồng mấy loại rau cải, rau muống, mùng tơi, húng, ớt, xả…
Qua đảo Núi Le A cũng có mấy khu nhà nối nhau bằng cầu bê tông trụ cọc, trông tựa như loại cầu bắc qua kênh rạch Nam Bộ. Phòng ở các chiến sĩ chăn gối gọn gàng. Ở đây chẳng ai tiêu tiền và cũng chẳng có gì để mua. Phía trên gác hai lại thấy “vườn rau tăng gia”, có thêm cây chanh, cây quất và mấy dây mướp đắng, lá lốt, lá mơ…
Trên các đảo nổi đều có trồng nhiều cây, chủ yếu các loại phong ba, bàng vuông, mù u, phi lao, tra, dừa và muống biển… Phong ba đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh trải dài, xanh mướt. Đảo Nam Yết có cây bàng vuông cổ thụ tám nhánh, cao hơn mười mét, hưởng thọ tới ba trăm năm. Đảo Sơn Ca có cây mù u cao gần hai chục mét, thân to, tán rộng và cũng thượng thọ cả trăm năm. Ở Trường Sa Lớn thấy nhiều cây tra, có đánh số cẩn thận. Riêng loài muống biển thuộc họ bìm bìm, bò lan khắp đảo Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn. Đi dạo phía sau đảo Sinh Tồn thấy muống biển chen lấn giữa bạt ngàn phong ba nên buộc phải vươn cao, phô sắc hoa tim tím.
Ngay bên phải lối lên đảo Sơn Ca có tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng đá sa thạch, phía sau có bức tường phù điêu và rất nhiều ảnh tư liệu lịch sử in gốm. Nói riêng về biển đảo, tướng Giáp chính là người đã đọc lệnh thành lập thủy đội Bạch Đằng và Sông Lô (24/8/1955), trực tiếp chỉ đạo thành lập đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và đã đưa ra quyết định sáng suốt giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Sơn Ca (25/4/1975). Có tượng Đại tướng nơi đảo xa, tự nhiên thấy vững tin thêm. Ngang sang phía bên kia có trụ đèn biển cao mấy mươi mét.
Thích nhất các đảo có chùa. Như ở Sơn Ca đây có chùa Sơn Linh mái chồng ba gian hai chái, trông uy nghi, vững chãi, mái ngói đỏ tươi. Ở đảo Phan Vinh có chùa Vinh Phúc cũng rộng lắm. Đặc biệt tam quan chùa này đặt chồng nóc bề thế. Còn lại chùa ở đảo Trường Sa Lớn thì đương nhiên là lớn nhất rồi. Chùa năm gian mái ngói, có nhà thờ tổ và chư tăng, tòa thỉnh chuông, tượng Phật Bà. Sư thầy trụ trì luôn tay bút lông viết chữ Hán trên các vỏ ốc, vỏ sò, đá cuội, san hô, sổ sách. Chúng sinh cán bộ viên chức hoan hỷ xin những chữ Phúc, Lộc, Thọ, Bình, An, Khang…
Chỉ một chuyến ra Trường Sa cũng thấy biển cả đất nước mình dài rộng với biết bao nhiêu đảo to đảo nhỏ, đảo nổi đảo chìm và những điểm đảo bị chiếm giữ trái phép, cài răng lược và còn tranh chấp nữa. Đến đây mới thấu hiểu những hy sinh của người lính hải quân giữa nghìn trùng sóng vỗ. Nhìn những góc đảo vẫn còn phơi đất trắng, những doi cát chạy dài, những bãi đá mồ côi nhấp nhô trong sóng nước mà ước mong có điều kiện để xây thành những điểm đảo bền vững. Chỗ nào cũng cần đến nhân lực, vật lực và nguồn tài chính khổng lồ...
Khi đi qua đảo Đá Lát, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Đặng Minh Hải cho biết ngư dân ra biển lớn ngày một nhiều hơn. Bộ đội hải quân gắn bó và tạo những điều kiện tốt nhất cho ngư dân. Chủ quyền biển đảo chỉ thực sự có ý nghĩa khi có người dân làm chủ ngư trường, khai thác nguồn lợi hải sản và cùng chung tay bảo vệ. Thế nên ở đây cũng như nhiều đảo khác đều là cơ sở tránh gió bão, dự trữ hậu cần, y tế và hỗ trợ cứu nạn. Được tiếp xúc, nghe chuyện và trao đổi, chúng tôi vỡ lẽ ra được nhiều điều. Khác biệt hơn, một tối thủ trưởng đoàn công tác mời các thành viên chủ chốt lên phòng họp nghe giáo sư Đỗ Tiến Sâm nói chuyện về một số vấn đề biển đảo mà ở đó có rất nhiều vấn đề đang đặt ra thách thức mà đất nước cần giải quyết, cả ở cách ứng phó từng vụ việc cụ thể trước mắt cũng như hoạch định chiến lược lâu dài…
Đi tàu hải quân mới biết tính kỷ luật luôn được đặc biệt coi trọng. Quân lệnh như sơn, giờ giấc, công việc, trách nhiệm đâu ra đấy. Đọc những dòng khẩu hiệu ngắn gọn “Kỷ luật là sức mạnh quân đội”, “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, “Súng không lau súng mau han gỉ,/ Người không rèn ý chí không cao” mới thấm thía hết ý nghĩa… Trên tầng cao đầu tầu, chỉ huy trực và tổ lái chăm chú theo dõi hệ thống bảng biểu kỹ thuật dẫn đường. Anh em thả neo, kéo neo, lái xuồng đưa đón đoàn phối hợp nhịp nhàng. Mỗi lần lên đảo đều phải chuyển qua xuồng, mỗi chuyến được chừng mươi người. Ai cũng áo phao, khi xuống xuồng đều có hai người trên tàu giữ tay, hai người ở dưới xuồng cùng đỡ. Trong khi ấy thì sóng đập ầm ầm. Khiếp nhất chiều cuối cùng ra nhà giàn DK1/8. Từ xa nhìn nhà giàn như một chấm nhỏ rồi rõ dần, rõ dần, trông như chòi canh dưa lặng lẽ giữa trùng khơi. Dãy nhà giàn cũ nhỏ nhoi khép nép bên tòa nhà giàn mới. Xuồng áp vào nhà giàn chỉ có bậc thang sắt mỏng manh. Trông biển lặng thế mà sao hóa thành gió giật sóng dồn khi gặp vật cản. Chiếc xuồng dềnh lên dội xuống, có lúc phải lượn đôi vòng mới ném được dây cột xuồng vào nhà giàn. Không gian chật chội. Người bám vào thang sắt càng phải cẩn tắc, chuẩn xác, nhanh mắt, nhanh tay. Nhà giàn này có thêm tên Quế Đường là hiệu của nhà bác học Lê Quý Đôn. Đến tận nơi mới thấy nhà giàn đồ sộ thật. Được biết từ mép nước bốn chân cột này phải vài ba mét mới tới rạn đá và phải khoan sâu mấy chục mét theo công nghệ Nhật Bản. Trực thăng có thể đậu được trên nóc. Lại có chiếc xuồng cứu sinh đặc biệt gần theo kiểu quả hồ lô. Nếu gặp bão tố mà hạ xuống nước thì như ở trong trạm vũ trụ, tự nó xoay vần, trôi nổi theo sóng gió. Lạ nữa, lên tầng hai thấy mấy thanh giằng lan can bị bật tung. Khiếp thế, ấy là do có trận bão lốc tung sóng lên xô vỡ đấy. Khi lên được trên cao nhìn biển thật đẹp. Ngay phía dưới từng đàn cá bơi lội, trông dài dài tựa như loài cá chình, mỗi con cũng phải hàng ký. Xa xa chỉ thấy một màu xanh, sóng gợn lăn tăn và thấp thoáng những tàu đánh cá.
Trong suốt hải trình, công việc bộn bề, sôi động, thấm đượm nghĩa tình quân dân. Thông thường ngày hai chuyến lên thăm các đảo, tối về sinh hoạt văn nghệ, tập hát đến thuần thục bài Khúc quân ca Trường Sa và mỗi người đều có bài tham dự cuộc thi “Trường Sa trong trái tim tôi”… Hôm tổng kết, anh chị em đoàn khoa học xã hội đều được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Giáo sư Sâm là người duy nhất được tặng thêm mũ xanh hải quân. Tổ trưởng Đinh Quang nhận một vỏ sò tượng, màu sắc rực rỡ. Mấy cô gái nhiệt tình ca hát được tặng cây hoa làm từ vỏ ốc. Riêng tổ phó Phạm Văn Dương - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học được tặng mô hình quả tên lửa Tomahok mà tàu chiến ta vẫn tập bắn chặn. Quả Tomahok nặng chỉ vài bốn ký nhưng hơi kềnh càng, phải hai người khiêng, chủ yếu là đỡ, xoay xỏa mãi mới đưa được qua cửa phòng. Đêm ấy Tomahok ngự trên giường tầng hai, còn chủ nhân xịt ngòi nằm dưới nền. Anh em hiến kế cách chuyển từ Cam Ranh về Hà Nội. Một là thuê hẳn khoang tàu hỏa, hai là thòng dây buộc chặt vào đuôi xe giường nằm và xin trả nhà xe đúng bằng một suất khách. Chẳng rõ PGS. Phạm Văn chuyển cách nào. Chỉ biết mấy ngày sau tôi sang thăm đã thấy quả Tomahok kỷ niệm Trường Sa trang trọng nằm giữa gian trưng bày hiện vật biển đảo ở tầng hai nhà bảo tàng…