Gà mía Sơn Tây - đặc sản tiến vua mang hương vị xứ Đoài
Gà mía là một giống gà bản địa của thị xã Sơn Tây (Hà Nội), từ lâu đã gắn liền với các địa danh cổ xưa của xứ Đoài như làng Mía, chùa Mía.
Vùng đất cổ Đường Lâm nằm bên bờ sông Hồng, cách thị xã Sơn Tây (Hà Nội) khoảng 3 km về phía Tây Bắc, nổi tiếng với giống gà Mía, xưa là sản vật tiến vua.
Theo các cụ cao niên của làng cổ Đường Lâm kể lại, gà Mía có hình thức đẹp (nét đẹp phảng phất con công, con phượng) nên xưa nay gà Mía thường được nuôi vào mục đích thờ cúng (cúng đình), tế lễ (tế Thành Hoàng), giỗ chạp, biếu xén và ăn Tết.
Thịt gà Mía thơm, có vị ngọt, đậm, dai; không mềm, nhũn như thịt gà công nghiệp nhưng cũng không dai quá như gà ta. Da gà ăn rất giòn, nhất là gà trống thiến.
Thịt gà mía ngon như thế là do cách chăn thả tại Sơn Tây là nuôi thả vườn và ăn cả thức ăn xanh (rau, củ, quả...), thóc, cám gạo, ngô nghiền, các loại khoáng, vitamin... nên bảo đảm khỏe mạnh và ngon.
Thịt gà mía có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau như: luộc, nướng, quay, xào,... Thực khách có thể thoải mái tuỳ chọn theo sở thích riêng.
Để phân biệt gà Mía với các loại gà thông thường khác cần phải lưu ý: Gà Mía thường có đầu nhỏ, mình vuông; lúc còn nhỏ, da gà Mía có màu đỏ au như trái gấc chín nhưng khi có trọng lượng khoảng 2kg trở lên da gà bắt đầu chuyển sang màu vàng. Khi trưởng thành, gà trống nặng từ 5 đến 6kg (thực tế nếu gà Mía lai thì không đạt được trọng lượng này), gà mái nặng từ 2,7 đến 3,2kg. Gà trống thân to, dài, hình chữ nhật, phần lớn có màu mận chín, tuy nhiên cũng có màu đen, gà trống rất ít lông.
Đặc biệt, gà trống khi trưởng thành ở má ngoài chân gà có một vệt màu đỏ từ trên xuống đến ngón chân trông giống như sợi chỉ. Cả gà trống và mái đều có mào cờ (đơn), tích tai chảy, da chân màu vàng nhạt, nhiều gà có yếm trải dài. Gà mái đa số có bộ lông màu lá chuối khô hoặc màu trắng đục, chân nhỏ, nhanh nhẹn. Sau khi đẻ từ 4 đến 5 lứa, lườn gà chảy xuống giống như yếm bò (đây là nét đặc trưng của gà mái)./.