Hạ nhiệt “điểm nóng”
Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố nhằm tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức của người dân trong việc xây dựng Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Ban chỉ đạo 197 quận Đống Đa đã hướng dẫn chỉ đạo UBND các phường trực thuộc thành lập các Tổ công tác tại khu dân cư thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh buôn bán dưới lòng đường, hè phố chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự đô thị (TTĐT), trật tự công cộng (TTCC), vệ sinh môi trường (VSMT). Bằng biện pháp hữu hiệu như: hệ thống loa phường (phát 3lần/ngày) kết hợp sử dụng hệ thống loa di động; gửi hơn 9.500 thư ngỏ, thông báo tuyên truyền của Chủ tịch UBND phường, Công an phường về việc chấp hành pháp luật nên ý thức về TTĐT, TTCC, VSMT của người dân trên địa bàn quận Đống Đa chỉ sau một thời gian ngắn đã được nâng cao rõ rệt.
Phố Đăng Văn Ngữ - Khu tập thể D1 thuộc phường Trung Tự đường đã thông thoáng và có lối đi cho người đi bộ sau khi lập lại trật tự vỉa hè. (Ảnh: Đăng Chung).
Đồng thời với các biện pháp trên là yêu cầu các hộ kinh doanh vi phạm tự nguyện ký cam kết chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả trả lại nguyên trạng ban đầu cho lòng đường, hè phố; thông báo các hình thức xử lý vi phạm đối với những tập thể, cá nhân cố tình vi phạm và tái vi phạm. Ban Chỉ đạo 197 quận tiến hành thành lập 10 Tổ Công tác có nhiệm vụ phối hợp với Ban Chỉ đạo tại 21 phường đã đồng loạt ra quân, kiểm tra, xử lý, xử phạt, giải tỏa các điểm vi phạm kéo dài gây bức xúc dư luận.
Công tác tháo gỡ mái che, mái vẩy, mái hiên di động, thu giữ, phá dỡ bục bệ, cầu dẫn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; thu giữ, xử lý các biển quảng cáo sai quy định; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật bảo vệ môi trường, tập trung xử lý các trường hợp xả rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng được các tổ công tác thực hiện triệt để. Theo đó, ngay trong tháng đầu tiên ra quân triển khai thực hiện (tháng 3/2017 đến đầu tháng 4/2017), lực lượng chức năng trên địa bàn quận đã tiến hành kiểm tra, xử lý, xử phạt VPHC 2.426 trường hợp, phạt thành tiền hơn 1.6 tỷ đồng, tháo dỡ 2.116 biển quảng cáo sai quy định; tháo dỡ 824 mái che, mái vẩy, mái hiên di động; phá dỡ 3.745 bục bệ, cầu dẫn sai quy định; xóa bỏ 340 quảng cáo, rao vặt, tờ rơi…
Từ đó, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn quận, nhất là tại các tuyến phố chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt; duy trì việc sắp xếp phương tiện gọn gàng theo quy định của Thành phố; các cửa hàng không còn bày hàng hoá ra hè phố, lòng đường, chỉ bày bán trong khuôn viên cửa hàng. Các bục bệ, mái che, mái vảy vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng tháo dỡ, phá dỡ đảm bảo “đường thông, hè thoáng”. Các tuyến phố đã được xử lý vi phạm, sắp xếp, bước đầu duy trì, quản lý tốt như: Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn; Xã Đàn - Ô Chợ Dừa; Chùa Bộc - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng; Cát Linh - Giảng Võ; Hoàng Cầu - Yên Lãng; Phạm Ngọc Thạch…
Nhiều điểm trông giữ phương tiện không phép gây bức xúc trong dư luận đã được xử lý, giải tỏa triệt để như: Điểm trông giữ phương tiện dưới gầm cầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông (phường Ô Chợ Dừa); Điểm trông giữ phương tiện tại số 110 Chùa Láng (phường Láng Thượng); Điểm trông giữ phương tiện tại Vũ Thạnh - Giảng Võ (phường Cát Linh); Điểm trông giữ phương tiện tại 57-59 Huỳnh Thúc Kháng, 21 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ); Điểm trông giữ phương tiện tại ngã ba Yên Lãng - Đường Láng (phường Thịnh Quang); Điểm trông giữ phương tiện tại đường chắn tàu khu vực Hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên)…
Đại tá Võ Hồng Phương - Trưởng Công an quận Đống Đa - Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 197 quận Đống Đa cho rằng, để đạt được những chuyển biến đó một phần nhờ vào sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố, lãnh đạo Quận ủy, UBND Quận, Ban Chỉ đạo 197 quận cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các biện pháp, giải pháp được các lực lượng chức năng triển khai thực hiện bài bản, phù hợp với tình hình thực tế và đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của đại đa số của quần chúng nhân dân quận Đống Đa trong công tác đảm bảo TTATGT-TTĐT.
Những cách làm hay
Không chỉ kiên quyết xử lý những vi phạm mới phát sinh, trong thời gian qua, công tác duy trì chống tái vi phạm đã được các địa phương thực hiện khá tốt. Điển hình cho thành công này phải kể đến khu vực Khu tập thể D1 Trung Tự - phố Đặng Văn Ngữ (địa bàn phường Trung Tự); Xung quanh khu vực đường ven Hồ Đắc Di (địa bàn phường Nam Đồng)…sau hơn một năm giải tỏa, đến nay công tác đảm bảo trật tự đô thị đã và đang được thực hiện khá tốt, được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Phố Đăng Văn Ngữ - Khu tập thể D1 là một trong những tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán, nhộn nhịp, phức tạp của phường Trung Tự. Trước đây, tình trạng hàng quán bày bán tràn lan chiếm hết phần đường, vỉa hè dành cho người đi bộ thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, hiện nay bộ mặt khu vực này đã thay đổi hoàn toàn, vỉa hè đã được sắp xếp ngăn nắp, không còn bất cứ hộ gia đình nào vi phạm, chiếm dụng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Minh Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự cho biết, cách làm của phường Trung Tự là trực tiếp mời các hộ kinh doanh lên ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và phát huy vai trò các chi bộ Đảng, đoàn thể tại khu phố để tuyên truyền về tinh thần, kế hoạch 01 của Ban chỉ đạo 197 Thành phố để nhân dân hưởng ứng và làm theo.
Bên biện pháp kể trên, một cách làm khác đang được phường Trung Liệt áp dụng thực hiện rất thành công. Đó là phát huy vai trò của cán bộ công an khu vực, Đại úy Nguyễn Tùng Lâm – Phó Trưởng Công an phường Trung Liệt cho biết, riêng tuyến phố Thái Hà lực lượng chức năng của phường không phải xuống thực hiện xử lý các vi phạm đô thị, vì trước đó cán bộ khu vực xuống trực tiếp các hộ kinh doanh tuyên truyền, nhắc nhở, vận động các hộ kinh doanh. “Công an khu vực chỉ ra cho các hộ kinh doanh những điểm chưa đúng về lấn chiếm vỉa hè, bục bệ, biển bảng quảng cáo, sau đó vận động các hộ kinh doanh tự tháo dỡ và thực hiện đảm bảo không lấn chiếm vỉa hè. Kết quả là các hộ kinh doanh, người dân khi được vận động đều tự tháo dỡ, thu dọn các vật dụng lấn chiếm vỉa hè như bàn ghế, bảng hiệu...” Đại úy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Bà Hoàng Hoài Loan - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt thì cho biết: “Trước hết, cần làm sao để mỗi người dân nhận thức đầy đủ vỉa hè, đường phố là không gian công cộng, tùy tiện làm trái những quy định về sử dụng vỉa hè, lòng đường là hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp đó, đề cao trách nhiệm, sự chủ động của chính quyền cơ sở trong chỉ đạo lực lượng chức năng (đội, tổ quản lý trật tự đô thị, công an, đặc biệt là tổ trưởng dân phố) trong giám sát, nhắc nhở, ngăn chặn các đơn vị, cá nhân có biểu hiện vi phạm TTĐT…”
Tại địa bàn phường Cát Linh, Thiếu tá Đỗ Quang Hiển - Phó Trưởng Công an phường Cát Linh chia sẻ: Công an khu vực trực tiếp hướng dẫn, giải thích rõ ràng hơn về chủ trương chính sách, chế tài xử lý cho các hộ kinh doanh trên các tuyến phố đã tạo sự đồng thuận cao từ các đơn vị, hộ kinh doanh. Đồng thời, Ban Chỉ đạo 197 phường cũng phân công, giao nhiệm vụ trực tiếp cho cán bộ phụ trách khu vực để kiểm soát, nếu để xảy ra tình trạng “tái lấn chiếm” thì sẽ quy trách nhiệm rõ ràng.
Thiết lập và giữ gìn trật tự văn minh đô thị, không để tái lấn chiếm vỉa hè lòng đường để làm nơi kinh doanh buôn bán không phải là việc một sớm một chiều mà cần có quá trình lâu dài. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, quận Đống Đa cùng cách làm sáng tạo, hiệu quả đã tạo ra sự đồng lòng, tích cực ủng hộ của người dân chính là minh chứng thể hiện sự quyết tâm cao và tạo bước đột phá trong ý thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị tại đây góp phần tạo diện mạo đô thị của thành phố Hà Nội ngày càng sạch, đẹp, văn minh./.