Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô: “Bản hòa âm” nâng tầm Hà Nội
Được xây dựng cùng lúc mang “tầm nhìn mới – tư duy mới”, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và “Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch Thủ đô) là một “bản hòa âm”, có tính tương hỗ nâng tầm Hà Nội, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Kết luận 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị gần đây, nhấn mạnh “giải pháp thực hiện các quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (sửa đổi)”.
Đặt cạnh nhau, có thể khẳng định Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô đã đi đúng và trúng chỉ đạo, yêu cầu nêu trên trong Kết luận 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô đã thể hiện sự đồng bộ, tương hỗ để hướng tới khát vọng phát triển Hà Nội về tất cả các lĩnh vực, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” theo mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Cùng chí hướng phát triển văn hóa
Minh chứng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô đều xác định văn hóa là nguồn lực, sức mạnh nội sinh, trụ cột để phát triển Thủ đô. Nếu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra các chính sách mang tính đặc thù, trao quyền cũng như trách nhiệm nhiều hơn cho Hà Nội, thì Quy hoạch Thủ đô đưa ra các phương hướng phát triển văn hóa Thủ đô như: xây dựng văn hóa công vụ, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa nhân dân; xây dựng, phát huy giá trị các không gian văn hóa, di tích văn hóa - lịch sử để phát triển du lịch, trong đó ưu tiên các không gian văn hóa đặc trưng Thăng Long - Hà Nội…
Tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội Khóa XV (đợt 2 từ ngày 17 – 28/6), Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”. Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội Khóa XV sẽ thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trên cơ sở Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Quy hoạch Thủ đô cũng đưa ra giải pháp thường xuyên thực hiện công tác xếp hạng các các cấp đối với hệ thống di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; chú trọng ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa; phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa; phục hồi, tôn tạo, phát triển không gian văn hóa làng nghề; hình thành một số công trình văn hóa mới của Thủ đô và cả nước, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới; đẩy mạnh phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng, nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp…
Từ các chính sách, quy định đặc thù trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), kết hợp các phương hướng cụ thể trong Quy hoạch Thủ đô tạo thành sức mạnh tổng hợp, sẽ đưa Hà Nội phát triển xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Sự đồng điệu về giáo dục và đào tạo
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô cùng chung mục tiêu đưa Hà Nội thành trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo chất lượng cao của cả nước, xác định giáo dục đào tạo là nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô. Tương hỗ cho các quy định của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô đưa ra hàng loạt giải pháp để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo Hà Nội trong tương lai.
Ngoài việc thành lập cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô đưa ra phương hướng: quan tâm phát triển giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số trong quản lý, hoạt động dạy và học; đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu tích hợp, các hệ thống hỗ trợ hoạt động dạy và học, đánh giá kết quả.
Quy hoạch Thủ đô hướng tới tương lai phát triển mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục các cấp theo hướng hiện đại, chuẩn hóa; đảm bảo xây dựng trường mầm non, trường phổ thông phù hợp với quy mô, khả năng tiếp cận và nhu cầu học tập của nhân dân, đặc biệt là tại các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp... Bảo đảm liên kết, đồng bộ và hệ thống giữa giáo dục đại học của Thủ đô Hà Nội với giáo dục đại học của các vùng và trong cả nước.
Điều chỉnh phân bố mạng lưới các trường đại học, cao đẳng hợp lý ra khỏi khu vực đô thị trung tâm, phân bố tại các thành phố trực thuộc Thủ đô và các đô thị vệ tinh. Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt có quy mô hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển của trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, ưu tiên các ngành quan trọng trên địa bàn, có phân tầng chất lượng. Xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo nghề đạt chuẩn, tiên tiến và hiện đại. Đầu tư xây dựng trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; trường thực hiện chức năng trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; 12 trường chất lượng cao, trong đó 8 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, có 2 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.
Sự cộng hưởng phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô
Thêm một yếu tố nữa cho thấy mối liên kết, tạo sự cộng hưởng để phát triển Thủ đô Hà Nội trong tương lai, đó là Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô tập trung cho việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại thành phố được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra các quy định để phát triển TOD với những chính sách đặc thù, trao quyền cho Hà Nội. Cụ thể là UBND thành phố được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các dự án thành phần cho các tuyến đường sắt đô thị, quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của Thành phố.
HĐND Thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập.
Trong khi đó, Quy hoạch Thủ đô đưa ra phương án phát triển mạng lưới giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy, giao thông thông minh... Chẳng hạn về đường bộ, Quy hoạch Thủ đô đưa ra giải pháp từng bước chuyển đổi các bến xe trong khu vực vành đai thành bãi đỗ xe hiện đại, thông minh, tiết kiệm quỹ đất. Phát triển hệ thống giao thông tĩnh trên cơ sở khai thác không gian ngầm kết hợp các công trình thương mại, dịch vụ tập trung. Thực hiện nâng cấp, chuyển đổi xanh, thông minh đối với các tuyến xe buýt hiện có, mở thêm các tuyến mới, đặc biệt các tuyến liên kết vùng. Quy hoạch các điểm kết nối các phương tiện công cộng: đường sắt đô thị, xe buýt, xe cá nhân công cộng (xe máy, xe đạp).
Về đường sắt, Quy hoạch Thủ đô ưu tiên hoàn thành hệ thống đường sắt vành đai thành phố và các ga đầu mối trên tuyến vành đai, các tuyến kết nối với thành phố vệ tinh trong tương lai. Xây dựng đường sắt nhẹ trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối với khu vực phố cổ.
Quy hoạch Thủ đô thể hiện “tầm nhìn mới - tư duy mới” khi đề cập phương hướng phát triển giao thông thông minh (ITS). Theo đó, Hà Nội sẽ ban hành khung kiến trúc, tiêu chuẩn hệ thống ITS đảm bảo khả năng tương thích của các hệ thống được đầu tư từ các dự án khác nhau (có kế thừa các dự án đã triển khai đầu tư); xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị phục vụ cho xây dựng hệ thống ITS. Trước mắt, áp dụng đối với hệ thống camera quan sát.
Hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp (do Thành phố chủ động đầu tư, quản lý, khai thác vận hành kết hợp chia sẻ dữ liệu). Có cơ chế chính sách đặc thù trong việc khuyến khích thí điểm áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cũng như nhập khẩu sử dụng các thiết bị hiện đại, chuyên dụng cho hệ thống ITS nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa làm chủ được công nghệ sản xuất.
Vĩ thanh
Với sự đồng điệu, tương hỗ về các quy định, chính sách trong một số lĩnh vực kể trên cũng như về an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, du lịch, nông nghiệp nông thôn…, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô đã thể chế hóa kịp thời mục tiêu, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị tại Kết luận số 80-KL/TƯ, Nghị quyết số 15-NQ/TW. Thêm nữa, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân Thủ đô và tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, Hà Nội sẽ mãi là trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế./.