Đời âm nhạc gắn trọn với nghiệp nhà binh
Trải qua hai cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, cố Đại tá, nhạc sĩ Trọng Loan đã để lại cho đời hàng trăm nhạc phẩm, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng. Không chỉ đóng góp trong “nghiệp nhà binh” mà với tư cách là một nhạc sĩ, ông đã có nhiều thành tựu lớn lao, gắn liền với từng giai đoạn đặc biệt trong lịch sử đất nước.
1. Cố nhạc sĩ Trọng Loan (1923 - 2010) là tác giả của những ca khúc đi cùng năm tháng nổi tiếng như: “Phải đánh lũ giặc Mỹ” (1964), “Gửi Cồn Cỏ anh hùng” (1964), “Người Châu Yên em bắn máy bay” (1966), “Quân reo quê mẹ”, “Quảng Trị anh hùng” (1967, bút danh Hương Lan), “Má cưng ai nhất” (1968), “Lời ca dâng Bác” (1969), “Nhớ Bác Hồ” (1972), “Ở vùng than chúng tôi” (1974), “Nếu em đến thăm đảo” (1980), “Trăng” (1985)…
Nhạc sĩ Trọng Loan sinh ra trong một gia đình có nền tảng tri thức vững (cha là Giám đốc Công chính của Sở Lục Lộ - nay là nghề Giao thông Công chính, mẹ là con nhà quan lại). Ông được thừa hưởng sự hào hoa, yêu thích chơi nhạc cổ của cụ thân sinh cũng như gắn bó với nhiều làn điệu dân ca trong sinh hoạt hằng ngày của truyền thống gia đình. Có lẽ vì thế mà chất nhạc, chất thơ của người con Bắc Ninh (quê cha) được sinh ra tại Yên Bái (quê mẹ) đã trở thành suối nguồn cho những sáng tác sau này của nhạc sĩ Trọng Loan.
Do đặc thù công việc của người cha, phải liên tục thay đổi chỗ ở từ tỉnh này tới tỉnh khác nên cậu bé Trọng Loan và gia đình thường phải di chuyển theo cha. Tuổi thơ của nhạc sĩ Trọng Loan là những năm tháng dịch chuyển từ Yên Bái đến Bắc Kạn rồi Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào, Campuchia, Huế, Vinh. Năm 1939, Nguyễn Trọng Loan theo học trung học tại trường Tư thục Thăng Long ở phố cổ Hà Nội và tới năm 1943 thì về Vinh sống cùng cha mẹ.
Có lẽ nhờ những cuộc dịch chuyển này mà hồn nhạc Trọng Loan sau này càng thêm phong phú. Không chỉ thừa hưởng sức cảm thụ âm nhạc dân tộc từ người cha tài hoa qua những ngón đàn nguyệt, đàn bầu, Nguyễn Trọng Loan còn tự mình học thêm âm nhạc phương Tây và thành thạo guitar.
Năm 1945, Nguyễn Trọng Loan gia nhập đoàn Thanh niên cứu quốc, công tác trong đội tự vệ chiến đấu tại mặt trận Việt Minh, hoạt động công tác văn hóa văn nghệ trong phong trào thanh niên; tham gia Tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền thành phố Vinh - Bến Thủy. Cũng năm này ông gia nhập bộ đội Chi bộ Đội Cung và chuyển sang công tác văn nghệ, từ đó lấy sáng tác âm nhạc là chính để phục vụ trong quân đội. “Bài ca Thanh niên xung phong Phan Đình Phùng” - tác phẩm đầu tay của ông ra đời tháng 9/1945 đã trở thành ca khúc chính thức của Đội tự vệ chiến đấu và thanh niên xung phong thành phố Vinh - Bến Thủy.
2. Năm 1949, Nguyễn Trọng Loan là nhạc sĩ duy nhất được chọn vào đội quân viễn chinh vượt Thập Vạn Đại Sơn sang Hoa Nam (Trung Quốc) giúp nước bạn tiêu diệt Quốc dân đảng. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì “những ca khúc được Trọng Loan viết ra trong suốt những tháng ngày gian khổ và khốc liệt này được ông gọi là tập bài hát “Bài ca viễn chinh” (gồm 10 ca khúc), đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân đội nước bạn khen ngợi. Nó mang tầm vóc như bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng viết ngợi ca lính tình nguyện Việt Nam tại mặt trận Lào”. Có thể kể tới các ca khúc như “Hoa Nam ơi”, “Em bé tha phương”, “Chia tay quân bạn”...”.
Bài hát “Chia tay quân bạn” gắn với kỷ niệm đẹp đẽ mà mãi sau này cố nhạc sĩ Trọng Loan vẫn không thể nào quên. Đó là một ngày Việt Bắc nắng đẹp, tại cuộc họp tổng kết chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, nhạc sĩ Trọng Loan ôm “cây đàn viễn chinh” hát một mạch 10 ca khúc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe xong bày tỏ sự yêu thích với ca khúc “Từ giã bạn quân”, song ông góp ý: “Hai từ bạn quân chữ Hán, viết và đọc liền nhau nghe dễ thành phản quân, tức là quân phản mình”. Và Đại tướng đã đề xuất với nhạc sĩ đổi tên ca khúc thành “Chia tay quân bạn”. Nhạc sĩ Trọng Loan lúc ấy vui mừng nhận ra, chỉ cần đảo ngược hai chữ, tên bài hát đã trở nên rõ ràng, trong sáng và Việt Nam hơn. Và ca khúc “Từ giã bạn quân” đã được đổi tên thành “Chia tay quân bạn” như vậy.
Dù trong bối cảnh chiến tranh, đường hành quân phải lội rừng vượt suối nhưng nhạc sĩ Trọng Loan và đồng đội vẫn không bỏ lỡ những đêm trăng gió mát hay những khoảnh khắc nghe tiếng thông reo trong gió núi… để rồi ông cho ra đời những lời ca đầy cảm xúc: “Có ai qua biên thùy/ Cho ta nhắn đôi tin về/ Rằng đoàn trai hùng một đêm nao đã vượt qua biên giới/ Có gió reo, có ánh trăng ngà, có rặng thanh tùng, bia đá biên cương…” (Có ai qua biên thùy).
Trong cuốn sách “Đại tá, nhạc sĩ Trọng Loan - Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc” (Nxb Quân đội nhân dân, 2023), rất nhiều những hồi ức của nhạc sĩ Trọng Loan đã được nhắc nhớ. Nào chuyện cây đàn đã cùng ông vượt đèo băng đá sau những ngày tháng hành quân xa xôi từ Nghệ An ra Thái Nguyên rồi sang tận dãy Thập Vạn Đại Sơn. Cũng cây đàn đó, ông đã dạo những bản đầu tiên khi sáng tác các ca khúc “Bài ca viễn chinh”, “Chiều biên cương” hay “Có ai qua biên thùy”. Rồi trong một lần xuống núi mưa gió dốc đèo, cây đàn đã bị bung ra mấy mảnh. Đàn vỡ rồi, trong khi chiến trận đang đợi phía trước, vậy là người nhạc sĩ ấy đã đành phải gói đàn trong bao và chôn “người bạn thân thiết” ấy ở lại xứ người. Cái tình của người nhạc sĩ với cây đàn của mình khiến ta không khỏi xúc động và liên tưởng đến những mối tương giao tri kỷ cổ kim...
Năm 1953, nhạc sĩ Trọng Loan trở thành Đội trưởng đội Văn công Đại đoàn 316. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông phụ trách Phó rồi Trưởng đoàn Văn công 3 Tổng cục Chính trị, làm nhiệm vụ trao trả tù binh, đón tiếp quân và dân miền Nam ra Bắc tập kết. Và tới năm 1956, ông là Trưởng đoàn Ca múa 2 của Tổng cục Chính trị, phụ trách công tác dân vận sau cải cách ruộng đất các tỉnh miền Bắc, nhân dân các dân tộc thiểu số… Các ca khúc “Muôn năm Hồ Chí Minh”, “Vui thao trường”, “Bài ca ra thao trường”, “Anh nuôi đơn vị tôi” được ông sáng tác trong giai đoạn này.
3. Đi qua cuộc chiến chống Pháp tới thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hồn âm nhạc của Trọng Loan đã gắn liền với hành trình người lính. Ông chuyên trách các buổi phát thanh ca nhạc binh địch vận “Gửi anh lính cộng hòa” kêu gọi binh sĩ phe địch hồi hương phản chiến. Đây là giai đoạn sáng tác sung sức của nhạc sĩ Trọng Loan, với hơn 100 nhạc phẩm ra đời. Trong đó “Phải đánh lũ giặc Mỹ” là ca khúc phổ biến trong nhân dân và quân đội suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ và là nhạc thiều của Đài Tiếng nói Việt Nam trong những năm 1964 - 1975; ca khúc “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng” trở thành nhạc thiều của Đài Phát thanh Quảng Trị ngày nay; “Chúng con lên đường, hình Tổ quốc trong tim” được phổ biến rộng rãi trong chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Sự nghiệp sáng tác của Trọng Loan không chỉ góp phần khích lệ, tăng thêm sức mạnh tinh thần quân và dân ta để đi đến ngày thắng lợi mà “gia tài âm nhạc” của ông còn góp phần lớn vào việc binh địch vận. “Binh địch vận” là một đề tài thuộc loại khó. Trong những hồi ức của mình, cố nhạc sĩ Trọng Loan từng chia sẻ, các tác phẩm này “chỉ được dùng trong các buổi phát thanh ca nhạc binh địch vận mà thôi, chứ không được dùng trong bất cứ một buổi phát thanh nào khác. Ngoài ra, cũng không được đăng báo, không được xuất bản”. Có thể kể tới các ca khúc nổi bật mà ông khai thác ở đề tài này như “Nhắn người trai Việt”, “Chung lòng chống Mỹ”, “Hoa mùa xuân”, “Đi theo ánh sáng soi đường”, “Vùng lên, anh em binh sĩ” và chùm “Khúc ca ân tình”...
Sau chiến tranh, đất nước ta bước vào giai đoạn phục hồi, xây dựng và phát triển mới. Hàng trăm ca khúc mang sự đa dạng, nhiều màu về các chủ đề, lĩnh vực khác nhau về cuộc sống lao động, cuộc sống từ những năm đầu thống nhất đất nước đến ngày nước ta bước vào niên kỷ hòa nhịp toàn cầu (1976 - 2000). Ở tuổi cổ lai hi “tri thiên mệnh”, vị Đại tá về hưu ấy vẫn tiếp tục đi sáng tác phục vụ quân đội và nhân dân địa phương từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Với cố nhạc sĩ Trọng Loan, “một bài hát đã không gây được hào hứng cho người nghe, dù tác giả có cố tình phân trần thêm cho nó, nó cũng vẫn thế. Một tác phẩm hay thì dù ở một trường hợp cá biệt nào đó nó chưa được nhận định đúng mức, với thời gian và không gian rộng lớn, nó sẽ có dịp được trở về với đông đảo quần chúng”.
Theo nhạc sĩ Doãn Nho, chất nhạc sĩ và chất lính của cố nhạc sĩ Trọng Loan gắn liền với sự trưởng thành cùng những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân anh hùng của chúng ta. “Chỉ cần liệt kê một số tác phẩm của anh, chúng ta cũng có thể nhận ra những thời điểm lịch sử của đất nước và quân đội ta qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới hải đảo cũng như kiến thiết xây dựng trong hòa bình”, nhạc sĩ Doãn Nho nhận định.
Trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình, cố nhạc sĩ Trọng Loan đã giành được nhiều huy chương, giải thưởng từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, năm 2001, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật./.