Chất liệu dân gian - lợi thế phát triển công nghiệp âm nhạc
Những năm gần đây, trong các dự án, MV, sản phẩm âm nhạc đại chúng mới ra mắt đã xuất hiện nhiều yếu tố dân gian, chất liệu cổ truyền với những cách kết hợp mới mẻ. Điều này không chỉ tạo sự thích thú và để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng mà còn là lợi thế trong hành trình phát triển nền công nghiệp âm nhạc.
Từ bình cũ rượu mới…
Yếu tố dân gian, chất liệu cổ truyền không còn xa lạ trong các tác phẩm nghệ thuật, nhất là trong âm nhạc. Nhìn vào dòng nhạc dân gian, và nhất là qua tác phẩm của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam như Hoàng Việt, Hoàng Vân, Đỗ Nhuận, Doãn Nho, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Giáng Son, Lê Minh Sơn, Duy Hùng, Nguyễn Vĩnh Tiến... có thể thấy rõ điều đó. Sự kết hợp các yếu tố dân gian có thể là đưa vào giai điệu, tiết tấu, ngôn từ lời ca... hoặc trang phục nghệ sĩ khi biểu diễn, thể hiện ca khúc. Đối với âm nhạc đại chúng đương đại ở các thế hệ trẻ hơn, việc kết hợp, vận dụng những yếu tố này đã bắt nhịp với xu hướng thời đại thiên về âm nhạc điện tử; được biến tấu, làm mới và có nhiều thay đổi để phù hợp hơn giống như một làn sóng làm nên hương vị mới cho bình rượu cũ.
Sự đón nhận của công chúng đối với các sản phẩm âm nhạc này trong những năm qua là minh chứng. Một số tác phẩm đã kết hợp tính chất hiện đại và các yếu tố cổ truyền, chất dân gian và mang về hàng triệu lượt xem hoặc tạo thành hiện tượng gần đây như ca khúc “Bốn chữ lắm” (tác giả Phạm Toàn Thắng, ca sĩ Trúc Nhân - Thảo Nhi); “Người ơi người ở đừng về” (tác giả DTAP, ca sĩ Đức Phúc - Suboi); bài rap “Nam quốc sơn hà” (tác giả DTAP - Rtee, ca sĩ Phương Mỹ Chi - Erik); “Để Mị nói cho mà nghe”, “See tình” (tác giả DTAP - ca sĩ Hoàng Thùy Linh); ca khúc “Thị Mầu” (tác giả Nguyễn Hoàng Phong, ca sĩ Hòa Minzy); “À lôi” (tác giả Masew, rapper Double2T)...
Có thể nói, việc vận dụng chất liệu dân gian, yếu tố cổ truyền vào sản phẩm âm nhạc vốn đã có từ lâu. Sự khác biệt mang đến những mới mẻ của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào yếu tố thời đại, các xu hướng cũng như những ảnh hưởng, giao thoa văn hóa và thị hiếu của công chúng. Và đây là một thực tế tất yếu.
Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng, các sản phẩm âm nhạc này đã “góp phần trong việc phát huy một cách sáng tạo, lưu giữ âm hưởng âm nhạc dân tộc và tạo nhịp cầu thân thiện với giới trẻ trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, nó cũng góp phần làm cân bằng thị trường âm nhạc đang hỗn loạn với nhiều khuynh hướng phát triển khác nhau trước sự ồ ạt của những dòng văn hóa âm nhạc ngoại lai với các thể loại Pop, Rock, Hip hop, R&B, Jazz, nhạc Hoa, Nhật, Hàn,…”
…đến điểm nhấn trong nền công nghiệp âm nhạc
Phát triển nền công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp âm nhạc nói riêng đang là xu thế chung toàn cầu. Và trong các sản phẩm biểu diễn âm nhạc đại chúng hiện nay, sự trau chuốt cần có không chỉ lời ca, tiết tấu, giai điệu, hòa âm phối khí... hay giọng hát mà cả ở phần vũ đạo, tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ. Với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của hệ thống phân phối nhạc số, lượng khán giả đón nhận các sản phẩm âm nhạc này được mở rộng, có nhiều xu hướng và tiềm năng vươn ra thế giới, nếu tác phẩm đó đủ sức hút và sức lan tỏa. Trường hợp này có thể nhắc tới “See tình” - ca khúc đã gây sốt tại nhiều quốc gia châu Á và một số vùng lãnh thổ khác. Theo giới chuyên môn, “See tình” có độ lan tỏa nhanh và rộng phần lớn vì vũ điệu cuốn hút, dễ nhớ; nhất là nhờ bản remix với đoạn điệp khúc “tình tang tang tính” vốn được sử dụng từ chất liệu dân gian Việt. Sự kết hợp khéo léo các yếu tố nhạc số với chất liệu dân gian đã mang đến cảm giác vừa gần gũi lại vừa tươi mới, khác lạ.
Tại cuộc thi Giọng hát trẻ “Thanh âm Hà Nội” 2023 do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội và Hội Âm nhạc Hà Nội phối hợp tổ chức vừa qua, có nhiều thí sinh dự thi với tiết mục thuộc dòng âm nhạc dân gian hoặc sử dụng yếu tố dân gian, chất liệu cổ truyền vào tiết mục biểu diễn. Đáng chú ý, ở các tiết mục dự thi dòng nhạc nhẹ, nhiều thí sinh đã sáng tạo vận dụng và khéo léo đưa các yếu tố dân gian, chất liệu cổ truyền vào tiết mục biểu diễn.
Có thể thấy, chất liệu dân gian và cổ truyền dường như đang là một sức hút lớn với các nghệ sĩ, là mảnh đất đầy tiềm năng cho những sáng tạo không ngừng. Đánh giá cao sức sáng tạo của lớp trẻ hiện nay, đặc biệt là cách vận dụng các yếu tố dân gian, chất liệu cổ truyền vào âm nhạc đại chúng, PGS. nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho rằng, những sáng tạo đó cần được phát huy qua các cuộc trình diễn. Tại đây, sự đón nhận của khán giả cũng là những đánh giá công tâm cho nghệ sĩ biết kết quả sáng tạo của họ đến đâu.
Trong cuộc trò chuyện “Nghệ sĩ Việt Nam ở thị trường quốc tế” được tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhà nghiên cứu nghệ thuật Đỗ Tường Linh cho biết, “sự khác biệt trong các câu chuyện nghệ thuật và cách kể chuyện của nghệ sĩ Việt Nam nói chung là một trong những yếu tố thu hút sự quan tâm của thị trường thế giới. Trong đó, bản sắc hay biểu tượng dân tộc/ tính bản địa trong tác phẩm cũng là một điểm nhấn”. Có thể nói, việc khéo léo vận dụng các yếu tố dân gian, chất liệu cổ truyền vào sản phẩm âm nhạc đại chúng hiện nay là một cách tạo điểm nhấn bản sắc dân tộc. Và trong hành trình phát triển nền công nghiệp âm nhạc với mục tiêu vươn ra thế giới thì điểm nhấn này là một lợi thế lớn nên được phát huy./.