Văn hóa – Di sản

Đình làng Phú Lương: Bài toán khó về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử

Kiên Hải 10/09/2023 20:50

Đến đình làng Phú Lương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội), chúng tôi lặng người khi chứng kiến Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đang xuống cấp trầm trọng. Người dân địa phương đã phải sử dụng những cột sắt, tre để giữ đình làng hàng trăm năm tuổi không bị đổ gục trước tác động của thời gian.

Giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc nổi bật

Hà Nội có hàng chục ngàn đình làng trải đều ở các phường, xã, thôn… của hầu hết 30 quận, huyện, thị xã. Đình làng Phú Lương là một trong di tích nổi bật của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, từ năm 1993, đình làng này đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện nay) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

dinh-1-.jpg
Đình làng Phú Lương nhìn từ xa

Tiếp chúng tôi tại đình làng, ông Đặng Văn Nghiêm, Bí thư Chi bộ - Trưởng ban công tác mặt trận thôn Phú Lương, chia sẻ: Đình làng Phú Lương là biểu tượng của cộng đồng, một thiết chế văn hóa tín ngưỡng, trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh và là sợi dây gắn bó cộng đồng của người dân địa phương. Hiện đình làng Phú Lương vẫn còn giữ được thần phả niên hiệu Hồng Phúc Tam Niên năm 1674.

Đình làng Phú Lương thờ Bạch Lợi – một vị tướng văn võ song toàn đời vua Hùng Vương thứ 18. Tương truyền, tướng Bạch Lợi cùng Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn và Quý Minh đánh giặc Thục, giúp Vua Hùng giữ vững quốc gia, bờ cõi. Quá trình hành quân đánh giặc, tướng Bạch Lợi chọn Phú Lương làm điểm đồn binh, sau đó ngài đã hoá ở đây. Tưởng nhớ công lao của ngài với dân với nước, nhân dân làng Phú Lương đã dựng đình và suy tôn ngài làm Thành hoàng làng. Hiện nay, đình Phú Lương vẫn giữ được 7 đạo sắc phong từ các triều đại phong kiến Việt Nam.

img_0323.jpg
Đình có các bức cốn chạm khắc tích “long ngư hí thuỷ” rất sinh động, bức chạm tích tứ linh rất tỉ mỉ và tinh tế.

Ngoài giá trị lịch sử, đình làng Phú Lương được công nhận Di tích Quốc gia bởi kiến trúc nghệ thuật, nét đặc sắc về văn hóa. Đình được bao bọc bởi những cây cổ thụ tỏa bóng mát, phía trước là một con lạch (hoặc) cũng có thể là một nhánh của sông Nhuệ cổ. Tổng diện tích của đình làng hơn 1.400m2, kiến trúc được xây dựng theo hình chữ “Đinh” với 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung bên trong. Theo ông Lê Văn Tiến, Chi hội trưởng Người cao tuổi Phú Lương Thượng, kiến trúc của đình theo thời nhà Nguyễn, cột trên được đặt trên khúc gỗ vuông, dưới cột là bệ tảng đá xanh hình tròn. Tòa đại bái có 4 bức cốn ở hai bộ vì gian giữa chạm khắc tích “long ngư hí thuỷ” sinh động, cùng đó được chạm tích tứ linh tỉ mỉ và tinh tế.

“Hàng trăm năm qua, đình Phú Lương là nơi hội tụ, gặp gỡ của cộng đồng dân cư địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa. Hằng năm vào ngày Bảy tháng Giêng, người dân tổ chức lễ hội rước thần và rước mẫu tại đình làng, thu hút hàng ngàn du khách thập phương. Lễ hội có phần lễ trang nghiêm theo phong tục truyền thống, đến phần hội với các trò chơi dân gian như thi vật, đánh đu, đấu gà chọi, bắt vịt… trong sự hồ hởi, tinh thần vui tươi, lành mạnh của tất cả mọi người”, ông Lê Văn Tiến, chia sẻ.

Mỏi mòn chờ ngày di tích được tu bổ

Mang trong mình những giá trị lịch sử văn hóa, nhưng như bao di tích khác, đình Phú Lương theo thời gian đã xuống cấp bởi tác động của mưa nắng. Có mặt tại đình Phú Lương gần đây, Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội thấy nhói lòng vì nhiều cột trụ bị mối mọt, có dấu hiệu sụt lún, mái ngói có nhiều chỗ bị cong vênh hoặc vỡ. Cùng đó, nhìn bằng mắt thường cũng thấy các cột, kèo, cốn chạm khắc đã bị mục, tường xuất hiện các vết nứt. Khuôn mặt trầm tư, ông Đặng Văn Nghiêm cho biết, đình Phú Lương xuống cấp nhiều năm nay, nguy cơ sập đổ có thể đến bất cứ lúc nào. Do đó, người dân địa phương đã dùng cột sắt, gỗ, tre để chống đỡ đình cả 5 năm qua.

dinh-2-(1).jpg
Trong tòa đại bái, người dân đã dùng tới hàng chục cột sắt, tre để chống đỡ đình không hư hại nặng thêm.
Ông Lê Văn Tiến, Chi hội trưởng Người cao tuổi Phú Lương chia sẻ về sự xuống cấp của đình làng thời gian qua, đồng thời mong mỏi các cấp ngành sớm tu bổ, tôn tạo đình Phú Lương để giữ lại Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. (Clip: Quỳnh Phạm/NHN).

Thông tin thêm tới chúng tôi, ông Nghiêm cho biết, từ năm 2018, người dân trong thôn đã kiến nghị UBND xã Quảng Phú Cầu cùng các cơ quan chức năng của huyện, Thành phố Hà Nội có phương án tu bổ, tôn tạo nhằm “cứu” đình làng. Được sự quan tâm từ Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), chính quyền cùng các Sở, ban ngành liên quan của Thành phố Hà Nội và huyện Ứng Hòa, năm 2018, dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình làng Phú Lương được thông qua. UBND xã Quảng Phú Cầu làm chủ đầu tư, đơn vị thi công thuộc về Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoàng Hà và thời gian dự kiến hoàn thành việc tu bổ từ 2018 đến 2019.

Vui mừng vì đình làng được tu bổ, người dân thôn Phú Lương lập tức di chuyển toàn bộ vật dụng, đồ thờ sang Miếu để tạm. Nhưng 5 năm đã qua, dù đơn vị thi công đã dựng nhà tạm trước sân đình, song ngày tu bổ, tôn tạo đình làng trăm năm tuổi đã không diễn ra.

20230907_105811.jpg
Bảng thông tin dự án tu bổ, tôn tạo đình Phú Lương năm 2018 treo trên tường trước cổng đình, qua 5 năm cũng "xuống cấp" với rêu mốc phủ đầy.

Trao đổi với chúng tôi về việc 5 năm qua dự án tu bổ đình làng Phú Lương chưa thể triển khai, ông Nguyễn Lương Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, năm 2018 các văn bản, thủ tục chấp thuận tu bổ đình còn thiếu. Đến cuối năm 2022 các thủ tục mới cơ bản đầy đủ thì hợp đồng với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoàng Hà, đã hết hạn.

“Vừa rồi cơ quan có thẩm quyền mới thanh lý hợp đồng hết hạn với đơn vị thi công, thực hiện lại các bước và quy trình mới để triển khai dự án tu bổ đình Phú Lương. UBND xã cũng vừa có tờ trình gửi UBND huyện Ứng Hòa. Hiện đang có hai hướng, một là xin nguồn kinh phí của Thành phố và huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư. Hai, xã làm chủ đầu tư và nguồn vốn của huyện. Chúng tôi vẫn đang chờ văn bản chấp thuận của cấp trên, người dân thôn Phú Lương đã đề nghị nhiều lần với chính quyền xã về việc tu bổ, tôn tạo đình làng. Nhưng việc này xã không đủ thẩm quyền, chúng tôi chỉ biết động viên mọi người bình tĩnh, kiên nhẫn chờ đợi để cùng giải quyết”, ông Nguyễn Lương Hậu, chia sẻ.

dinh-4.jpg
Nhiều cột trụ bị mối mọt, nứt nẻ; các kèo, cốn chạm khắc tại đình Phú Lương đã bị mục đi trông thấy.

Trước đây dự án tu bổ đình Phú Lương chỉ ở khu vực đại bái và hậu, nhưng 5 năm đi qua và đến hiện tại, di tích này phải tu bổ gần như toàn bộ, nguồn kinh phí vì thế cũng đội lên. Theo ông Đặng Văn Nghiêm, dự án tu bổ đình thời điểm năm 2018 khoảng 9 tỷ đồng, song đến nay phải 25 tỷ đồng. Vừa rồi có đoàn công tác của huyện Ứng Hòa về đình tiếp tục kiểm tra nhưng chưa có gì cụ thể, chưa triển khai tu bổ đình làng được.

“Nhân dân trong thôn mỗi ngày chứng kiến ngói sụp xuống, cột kèo bị mối mọt mà xót. Thấy vậy, mọi người lại lấy cột tre, sắt chống tạm vào những chỗ yếu của đình. Bà con nhân dân rất mong cơ quan có thẩm quyền, đơn vị chuyên môn nhanh chóng tìm được giải pháp để tu bổ đình Phú Lương - Di sản lịch sử văn hóa của quốc gia, của Hà Nội ngàn năm văn hiến”, ông Đặng Văn Nghiêm, bày tỏ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Trường THCS Mễ Trì (Quận Nam Từ Liêm): Hành trình 62 năm với sự nghiệp “trồng người”
    Sáng 20/11, Trường THCS Mễ Trì đã long trọng tổ chức Lễ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 62 năm thành lập và 20 năm xây dựng phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới, biểu dương những cán bộ, giáo viên có thành tích trong công tác dạy, đồng thời đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.
  • Chú trọng xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Theo Chỉ thị 30 – CT/TU, ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó yêu cầu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ, nhà báo tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của Nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới.
Đừng bỏ lỡ
Đình làng Phú Lương: Bài toán khó về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO