Đình Chèm - Báu vật hơn 2000 năm tuổi phía Bắc thủ đô Hà Nội

Mạc Kông| 11/10/2021 19:57

Nằm cạnh ven bờ sông Hồng đỏ rực phù sa, trải qua những chuyển biến văn hóa dưới nhiều thời đại, với những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Đình Chèm đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai về đình Chèm càng khiến nơi đây trở nên linh thiêng, huyền bí.

Đình Chèm - Báu vật hơn 2000 năm tuổi phía Bắc thủ đô Hà Nội
Đình Chèm có niên đại khoảng 2000 năm (Ảnh: KM)

Đình Chèm thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng (Đức Thánh Chèm). Sự tích Lý Ông Trọng đã được ghi lại trong cuốn Lĩnh Nam chích quái, thể hiện rõ ông là một nhân vật truyền thuyết của dân gian Việt Nam. Chuyện kể rằng, vào thời Hùng Vương thứ 18, ở xã Thụy Hương (Thụy Phương) huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ có một cậu bé tên là Lý Thân, tức Lý Ông Trọng. Ngay từ khi sinh ra, Ông Trọng đã rất to khỏe và lớn nhanh như thổi, cao đến hai trượng ba thước. Với bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy một tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu dã man, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. Nhưng vua thấy ông là người có tài đức, khỏe mạnh nên không nỡ giết. Đến thời nhà Thục, ông trở thành một tướng giỏi giúp vua và được cử đi sứ nước Tần. Khi thấy Lý Ông Trọng là người to lớn khác thường, vua Tần bèn phong ngay làm Tư lệ Hiệu uý, cầm đầu một đội quân hùng mạnh, canh giữ miền Tây. Đội quân của Ông Trọng đánh trận nào thắng trận đấy, chiến công lẫy lừng, giặc Hung Nô quay gót không dám ngó nghiêng. Vua Tần rất mừng rỡ bèn gả con gái cho.

Mặc dù được hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý của bậc đế vương nhưng Ông Trọng vẫn không nguôi nỗi nhớ quê hương bèn xin trở về Âu Lạc. Vắng bóng ông, quân Hung Nô lại xâm phạm cửa ải nhà Tần. Lần này, vua Tần sai sứ đích thân sang mời ông về nhưng không được, bởi ông không muốn xa quê lúc tuổi già. Thục phán An Dương Vương đành phải nói dối ông đã chết. Vua Tần thương tiếc, cho đúc tượng Lý Ông Trọng bằng đồng rỗng ruột, trong tượng chứa mấy chục người để lay cho bức tượng cử động như thật. Khi đẩy tượng ra biên ải, quân Hung Nô tưởng Ông Trọng còn sống bèn tháo chạy. Sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ và tôn ông là Đức Thánh Chèm.

Theo sách Việt điện u linh cũng như ngọc phả của đình, thì đình Chèm được xây dựng từ thế kỷ thứ VII, là công trình kiến trúc có nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu: Công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, quy, phượng quay ra bốn hướng. Tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. 

Đình Chèm - Báu vật hơn 2000 năm tuổi phía Bắc thủ đô Hà Nội
Khuôn viên bên trong đình Chèm (Ảnh: KM)

Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình tám mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.

Đình Chèm - Báu vật hơn 2000 năm tuổi phía Bắc thủ đô Hà Nội

Bên trong đình, các cột, mái được chạm trổ tinh vi với hình rồng cuốn thủy, rồng mây, tứ linh, cá hóa rồng, hoa lá, vân mây sóng nước mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18).

Đình Chèm - Báu vật hơn 2000 năm tuổi phía Bắc thủ đô Hà Nội
Nghệ thuật trạm khắc được thể hiện một cách tinh xảo ở đình Chèm (Ảnh: KM)

Hậu cung có án thờ, sập thờ, long ngai, bài vị, khám thờ vợ chồng ông Trọng và các tượng chầu. Tổng thể được xếp theo trục hoàng đạo Đông, Bắc, Tây, Nam.

Tại đình còn giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, cách đắp tượng dưới thời Nguyễn; ba sắc do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng; bốn bia đá, một tấm thời Lê Cảnh Hưng và ba tấm bia thời Nguyễn; hai chuông đồng đúc dưới thời Nguyễn; 15 câu đối, 8 bức hoành phi và 10 pho tượng thờ. Pho tượng Lý Ông Trọng cao hơn 3m, bằng gỗ sơn son thếp vàng rất sinh động.

Tại khuôn viên Đình Chèm có hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng vào các năm 1748, 1756, thời vua Lê Hiển Tông và thời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn) năm 1824. Ngoài ra, trong đình còn rất nhiều đồ thờ các loại đều có giá trị nghệ thuật cao như chiếc lư hương ngàn năm tuổi rất quý hiếm.

Hàng ngàn năm nay, Đình Chèm vẫn ngự sát bên bờ sông Hồng nặng phù sa. Từ khi khởi dựng đến nay, do tọa lạc trên khu đất sát kề bờ sông Hồng, nên hàng năm, vào mùa mưa lũ, đình Chèm luôn bị ngập lụt.

Đình Chèm - Báu vật hơn 2000 năm tuổi phía Bắc thủ đô Hà Nội
Đình Chèm cổ kính nằm hài hòa trong một không gian rộng thoáng ngự sát bên bờ sông Hồng (Ảnh: KM)

Đình Chèm đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa lớn và mở rộng. Đặc biệt vào những năm 20 của thế kỷ XX, dân vùng Chèm đã tiến hành một việc quan trọng và táo bạo là nâng toàn bộ ngôi đình lên cao. Đến nay, tất cả kiến trúc của đình Chèm vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, từ bố cục đến kiểu dáng cả một tổng thể những di tích cổ kính nằm hài hòa trong một không gian rộng thoáng, bên sông Hồng. Năm 1990, đình Chèm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Lễ hội Chèm là lễ hội lớn trong vùng, diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5 âm lịch, trong đó, ngày 15 là ngày hội chính. Các nghi thức quan trọng của lễ hội đều được tổ chức tại đình Chèm. Hội Chèm gồm các hoạt động: Lễ mộc dục, rước nước, rước văn, rước kiệu, lễ tế, dâng hương, biểu diễn hát quan họ, chèo, hội thi bơi, hội vật, chọi gà, bắt vịt nước, thả chim bồ câu… Lễ hội có sự tham gia của nhân dân ba làng: Thụy Phương, Hoàng Xá, Hoàng Liên (Liên Mạc) theo truyền thuyết địa phương thì ba làng kết nghĩa anh em, làng Chèm là anh cả, làng Xá là anh hai và làng Liên là anh ba.

Theo sử sách để lại, lễ hội đình Chèm được tổ chức để kỷ niệm ngày thắng trận khải hoàn mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của Đức Thánh Lý Ông Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Nhưng sâu xa hơn là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng.

Mở đầu là lễ rước nước sáng sớm ngày 15. Nước được lấy ở giữa dòng sông để phục vụ cho lễ (mộc dục) tắm tượng. Sau đó là lễ rước văn (rước bài văn tế từ nhà người trưởng văn ra đình), cuối cùng là lễ tụng kinh cầu siêu do thầy chùa phụ trách tiến hành trong đêm Rằm. Khi các nghi lễ tiến hành xong cũng là thời điểm dân làng và khách thập phương chung vui không khí hội hè: Thả chim bồ câu, chèo thuyền, đánh cờ, đấu vật… Trong đó, hấp dẫn nhất vẫn là hội thi thả chim và chèo thuyền. Với sự tham dự của nhiều chủ chim có khi tới năm chục thậm chí hàng trăm đàn chim chờ đợi mở lồng tung cánh, đua tài cao thấp trong ngày hội càng làm cho không khí hội đền Chèm thêm náo nhiệt. 

Từ những nghi thức và tập tục: Rước nước, tắm tượng, chèo thuyền, thả chim… là hình ảnh mờ nhạt của các lễ nghi nông nghiệp xa xưa, qua thời gian và các dòng văn hoá cho đến nay chỉ còn hiện diện như một thú chơi tao nhã và tinh thần thượng võ. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn riêng của một làng quê nông nghiệp ven đô. 


Đình Chèm - Báu vật hơn 2000 năm tuổi phía Bắc thủ đô Hà Nội

Đình Chèm - Báu vật hơn 2000 năm tuổi phía Bắc thủ đô Hà Nội
Một số hình ảnh tại đình Chèm (Ảnh: KM)

(0) Bình luận
  • Phục dựng nghi lễ tế Đinh tại đền Đức Thánh Cả
    Ngày 9/3/2025, nghi lễ tế Đinh đã điễn ra tại đền Đức Thánh Cả, thôn Hữu Vĩnh, xã Bình Lưu Quang, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Việc phục dựng nghi lễ là một phần trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
  • Tây Hồ – Nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại trong bảo tồn văn hóa
    Quận Tây Hồ, một trong những quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên mà còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Quận Tây Hồ là một khu vực đặc biệt với sự kết hợp hài hòa giữa không gian xanh mát của các hồ, làng nghề truyền thống và các di sản văn hóa phong phú. Những năm qua, Tây Hồ đã và đang thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo nên một hình ảnh đầy bản sắc và thu hút du khách.
  • Một thoáng ký ức Hà Nội xưa
    Nếu mang nắng chiều chiếu nghiêng nghiêng vào ngăn ký ức của người Hà Nội, dễ sẽ thấy gói hàng Tết thời xa vắng, thấy chiếc áo chần bông xúng xính chờ cái rét ngọt để diện đi chơi… Thời gian có khả năng diệu kỳ, đôi khi có thể biến những khoảnh khắc tưởng chừng như thiếu thốn, khó khăn nhất trở thành tình cảm nhất, vui vẻ nhất; biến những điều răn dạy khắt khe nay trở thành lời vàng thước ngọc muốn gửi gắm lại cho thế hệ sau…
  • Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống qua chương trình "Tết Việt - Tết Phố 2025"
    Hòa chung không khí đón chào Xuân mới, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức chương trình hoạt động văn hóa với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2025” nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo, kết nối cộng đồng và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
  • Xôi cây làng Tây Mỗ
    Phường Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có ba thôn là Miêu Nha, Phú Thứ và Tây Mỗ. Nhắc đến Mỗ, người ta nhớ câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”. Có danh hương từ bốn làng khoa bảng và hương nếp từ ngày hội thi xôi cây. Đình làng thờ Thủy Hải Long vương, Ả Lã nàng Đê - nữ tướng thời Hai Bà Trưng; đền làng thờ Phúc Vương Tranh - người con của vua Lê Thánh Tông.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
  • Huyện Chương Mỹ: Chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển
    Với quyết tâm cao, bám sát chủ đề công tác năm 2025 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị số 39-CT/HU của Huyện ủy, quý I năm 2025, huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) đã đạt được những kết quả nổi bật, trong đó có công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06.
  • "Nhượng quyền thông minh – Thành công bứt phá"
    Vừa qua, tại Hà Nội, Công ty TNHH TMDV Viên An Group (VAG), đơn vị độc quyền thương hiệu Yi He Tang tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố chính sách nhượng quyền Yi He Tang Việt Nam năm 2025 với chủ đề Nhượng quyền thông minh – Thành công bứt phá.
Đừng bỏ lỡ
Đình Chèm - Báu vật hơn 2000 năm tuổi phía Bắc thủ đô Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO