Một sáng tháng 7-2019, chúng tôi đến gặp ông Hoàng Văn Nghiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giai đoạn 1994-2004 để lắng nghe những câu chuyện từ 20 năm về trước. Về hưu đã lâu nhưng những câu chuyện thú vị về Hà Nội vẫn in đậm trong trí nhớ của ông.
“Hà Nội mùa hè năm 1999 có thật nhiều kỷ niệm. Bên cạnh việc Hà Nội được UNESCO trao tặng giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình” thì cũng là thời điểm thành phố tìm được mẫu biểu trưng sau một hành trình dài tìm kiếm” - ông Nghiên nhớ lại.
Chọn biểu trưng cho Hà Nội, ngoài tính điển hình, khái quát thì còn phải mang giá trị nghệ thuật, giá trị biểu tượng nên việc lựa chọn vô cùng khó khăn.
Đã từng có nhiều giới thiệu, tranh cãi và bàn bạc về việc lấy biểu tượng, mẫu hình nào cho Hà Nội: Chùa Một Cột, tháp Rùa – hồ Gươm, cột cờ Hà Nội, sông Hồng hay Hoàng thành Thăng Long… Trong quá trình chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, một lần nữa việc lựa chọn biểu trưng cho Hà Nội được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đề xuất. Trên cơ sở đó, tháng 5-1997 UBND TP Hà Nội đã phát động cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng Hà Nội dành cho công dân toàn quốc và kiều bào ở nước ngoài.
Yêu cầu đặt ra là mẫu biểu trưng Hà Nội cần phải thể hiện tính chất, đặc điểm của Hà Nội, một Thủ đô ngàn năm văn hiến và là trung tâm chính trị - văn hóa - khoa học - kinh tế của cả nước, ngày càng rõ tính văn minh, hiện đại. Mẫu biểu trưng, ngoài yêu cầu về tính thẩm mỹ, sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và hiện đại thì còn phải rõ tính ứng dụng, thuận tiện cho việc in ấn, đắp nổi, phóng to, thu nhỏ, dễ thể hiện trên các loại chất liệu, công trình kiến trúc…
“Đó là một cuộc thi đặc biệt, không chỉ bởi quy mô rộng mở mà còn ở cách thức tiến hành” - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên cho biết.
Trong suốt hai năm sau đó, hội đồng nghệ thuật xét chọn mẫu biểu trưng gồm nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa uy tín của trung ương và Hà Nội đã xem xét hàng trăm tác phẩm được gửi tới từ khắp mọi miền đất nước.
Xen giữa những kỳ thu nhận tác phẩm và xét chọn là rất nhiều cuộc gặp gỡ, góp ý với tác giả về tác phẩm nhằm có giải pháp chỉnh sửa, bổ sung; chọn mẫu hay để giới thiệu trên báo chí, tổ chức triển lãm… nhằm xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Lần thứ nhất, hội đồng không lựa chọn được tác phẩm nào; lần thứ hai chọn được vài mẫu, nhưng chưa ưng ý; chỉ đến lần tuyển chọn thứ ba thì mới tìm được tác phẩm xứng đáng đại diện cho Hà Nội.
Vượt qua gần 430 tác phẩm khác, người chiến thắng trong cuộc thi nói trên là một Việt kiều, họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn. Ở thời điểm ấy, ông Tuấn là Giáo sư, Hiệu trưởng một trường đại học mỹ thuật công nghiệp tại Paris. Mẫu vẽ của ông thể hiện Khuê Văn Các trong vòng tròn bằng đường nét cách điệu, giản dị, khỏe, đẹp đã được chọn làm biểu trưng của Hà Nội.
“Chúng ta đã tốn rất nhiều giấy mực và thời gian nên tôi rất vui mừng khi có kết quả cuối cùng. Mỗi hình mẫu đều có những ưu điểm riêng. Lựa chọn Khuê Văn Các là tối ưu bởi hình mẫu này biểu trưng cho giáo dục, trí tuệ, giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội, đi vào tâm thức của người Hà Nội nhiều thế hệ. Hình mẫu này cũng bảo đảm tính thẩm mỹ và trang trọng làm biểu trưng cho Thủ đô Hà Nội” - ông Nghiên nhận xét.
Mẫu biểu trưng của họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn được hội đồng nghệ thuật đánh giá đạt được những yêu cầu cơ bản của biểu trưng Hà Nội: Truyền thống, hiện đại, dễ nhận biết và có thể thể hiện trên nhiều chất liệu.
Được biết họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn từng theo học mỹ thuật ở Hà Nội, sau đó sang Pháp sinh sống. Ông cũng là tác giả của logo chùa Cầu - biểu trưng của thành phố Hội An.
Suốt 20 năm qua, kể từ khi được công nhận, biểu trưng Thủ đô Hà Nội thực sự là hình ảnh mang tính biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Biểu trưng này đã được đưa vào sử dụng rộng rãi và trở nên thân thuộc trong các lễ hội, lễ kỷ niệm, hoạt động văn hóa, thiết kế sản phẩm, du lịch… được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế trân trọng.