Hà Nội triển khai bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu
UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 27/6 về Thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.

Nhằm góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường và an sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão, những ngày Lễ, tháng cuối năm 2025, Tết Nguyên đán Bính Ngọ 2026 và các thời điểm dịch bệnh bất thường xảy ra.
Đồng thời khuyến khích đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối đảm bảo hàng hóa trong Chương trình đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, trực tiếp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp/ hợp tác xã/ đơn vị sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi chung là đơn vị) tham gia Chương trình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, tăng cường mối liên kết giữa các đơn vị sản xuất và giữa sản xuất với phân phối, giúp đơn vị sản xuất chủ động được đầu ra và nguồn hàng, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - chăn nuôi - trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố.
Chương trình tập trung vào xác định nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung cầu tham gia Chương trình, cơ chế thực hiện Chương trình, mạng lưới phân phối; chất lượng hàng hóa, đối tượng tham gia, điều kiện tham gia, quyền lợi và nghĩa vụ của các đơn vị tham gia, quy trình thực hiện; kiểm tra, kiểm soát.
Bên cạnh đó, Kế hoạch đưa ra 12 giải pháp triển khai mạnh mẽ như: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc cung cấp, dự báo thông tin thị trường, giá cả nông sản theo mùa vụ, giúp doanh nghiệp, nông dân và nhà nghiên cứu chủ động sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường;
Khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia chương trình trên toàn quốc để đảm bảo được nguồn cung ứng từ bên ngoài Thành phố; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại để tăng các điểm phục vụ cố định trên địa bàn phường, xã nhất là các vùng ngoại thành (siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng trong các chợ dân sinh, tuyến phố);
Đẩy mạnh phát triển hệ thống chuỗi, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của nhân dân, đáp ứng các quy định về ATTP, văn minh thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho bãi, logistics khoa học, đáp ứng được nhu cầu dự trữ hàng hóa, đảm bảo công tác bảo quản hàng hóa theo quy định, lưu thông hàng hóa thông suốt, hạ giá thành sản phẩm,…;
Đẩy mạnh phát triển đa dạng các phương thức bán hàng online, hotline,… thúc đẩy xây dựng các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…
Các đơn vị được hỗ trợ tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội (https://check.hanoi.gov.vn); được kết nối với các tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn về nhu cầu vốn kinh doanh, đầu tư chăn nuôi, đổi mới công nghệ, phát triển điểm bán và tạo nguồn hàng, dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung ứng ra thị trường.
Thành phố giao Sở Tài chính dự báo, quản lý giá và hỗ trợ chính sách tài chính cho các đơn vị tham gia chương trình; Sở Xây dựng và Công an Thành phố cấp phép xe vận chuyển hàng thiết yếu hoạt động 24/24h trong nội đô;
UBND Thành phố giao Sở Văn hóa & Thể thao tuyên truyền, xử lý thông tin sai lệch, giữ ổn định tâm lý người dân; Sở Nông nghiệp & Môi trường hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn, thúc đẩy truy xuất nguồn gốc;
Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Y tế tạo điều kiện đưa hàng thực phẩm bình ổn vào bếp ăn tập thể của trường học, bệnh viện; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm;
Ngân hàng Nhà nước Khu vực I chủ trì kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, giúp các đơn vị dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi; Ban Quản lý KCN tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai điểm bán hàng và cung ứng thực phẩm tại các khu công nghiệp;
UBND xã, phường tổ chức tuyên truyền, giới thiệu đơn vị sản xuất đủ tiêu chuẩn tham gia, bố trí điểm bán hàng và giám sát thị trường tại địa phương.
Các doanh nghiệp được khuyến khích chủ động đăng ký tham gia chương trình. Trường hợp thiếu hụt nguồn cung, Thành phố sẽ chỉ định đơn vị có năng lực sản xuất, kinh doanh phù hợp tham gia dự trữ và cung ứng hàng hóa bình ổn.../.