Điện ảnh kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa

Đặng Thủy| 12/12/2022 15:47

Lựa chọn điện ảnh để quảng bá giá trị văn hóa và thúc đẩy phát triển du lịch đã được áp dụng từ lâu trên thế giới và ngày càng được coi trọng ở Việt Nam, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa hội nhập.

anh-1-2-.jpg
Một số hình ảnh trong phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” và phim truyện “Điện Biên Phủ” Ảnh tư liệu của Viện phim Việt Nam.

Với thế mạnh và tiềm năng của mình, điện ảnh Việt Nam cần làm gì để phát huy việc quảng bá hình ảnh của đất nước như một điểm đến du lịch hấp dẫn, giàu bản sắc văn hóa? Đó cũng là trăn trở của không ít đại biểu tại hội thảo “Điện ảnh kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa” được tổ chức mới đây trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI.

Tác phẩm điện ảnh: kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa
Kể từ khi xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19 đến nay, dù ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào, điện ảnh luôn là “tấm gương” phản chiếu sống động các khía cạnh của đời sống xã hội, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá về giá trị văn hóa, di sản đến với công chúng, thúc đẩy du lịch phát triển. Thông qua các cách thức biểu đạt khác nhau, hình ảnh các giá trị văn hóa di sản, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực, phong cách đặc trưng của mỗi vùng miền... khơi gợi sự tò mò, khám phá và trải nghiệm của người xem.

aanh-2.jpg
Một số hình ảnh trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm” Ảnh tư liệu của Viện phim Việt Nam.

Theo PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ở một đất nước có nền điện ảnh và phim truyện truyền hình phát triển thì chính các tác phẩm này luôn cung cấp cho khán giả của quốc gia đó và cộng đồng quốc tế các bức tranh toàn cảnh về lịch sử văn hóa truyền thống cũng như những biểu trưng văn minh vật chất (kinh tế phát triển), văn minh tinh thần (văn hóa đa dạng hiện đại) đang diễn ra trong cuộc sống đương đại của mỗi cộng đồng, của mỗi quốc gia. Hơn thế nữa, nhờ sự quảng bá có hiệu quả này mà khán giả có có dịp mở rộng hiểu biết, thiện cảm hơn với mỗi dân tộc, vùng miền.

Đỗ Bích Thuý - một nhà văn từng tham gia làm phim với tư cách là tác giả của tác phẩm văn học và biên kịch khẳng định: “Quảng bá văn hóa qua tác phẩm điện ảnh là cách quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất, tác động mạnh mẽ nhất và ngay lập tức tới số đông công chúng. Sở dĩ nói điện ảnh có sức quảng bá mạnh nhất là bởi vì ở trong nó có bóng dáng của nhiều loại hình cộng lại: Có văn chương, có nhiếp ảnh, có âm nhạc... Đặc trưng thể loại cũng khiến cho công chúng tiếp nhận văn hóa thông qua điện ảnh thuận lợi hơn”.

Thực tế cho thấy những năm gần đây một số bộ phim nổi tiếng của Việt Nam như: “Chuyện của Pao”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”... cũng đã đem lại cho khán giả những cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp Việt Nam, tạo nên một làn sóng thu hút khách du lịch tới tham quan, cảm nhận, trải nghiệm tại những bối cảnh của bộ phim. Đơn cử như bộ phim “Chuyện của Pao” - một bộ phim về văn hoá Mông ở vùng cao nguyên đá Hà Giang đã góp phần rất lớn vào việc thay đổi diện mạo một vùng đất theo hướng tốt đẹp hơn. Ngôi nhà nơi đạo diễn Ngô Quang Hải lấy làm bối cảnh chính của bộ phim giờ đây, sau 17 năm, vẫn là một điểm dừng chân không thể bỏ qua trên cung đường khám phá vùng núi đá Hà Giang. Người Mông đã được biết đến nhiều hơn, vùng Mông đã trở thành một điểm đến mà những người yêu thiên nhiên, yêu văn hoá dân tộc thiểu số khao khát đặt chân.

anh-3-ngoi-nha-boi-canh-trong-chuyen-cua-pao(1).jpg
Ngôi nhà trong phim “Chuyện của Pao“ đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc, hấp dẫn nhiều du khách khi tới Hà Giang.

Hay như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sau khi công chiếu, những cảnh sắc tuyệt đẹp của mảnh đất Phú Yên trong phim, đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Người ta gọi Phú Yên với cái tên trìu mến và nên thơ là “Xứ sở hoa vàng cỏ xanh”, còn Victor Vũ thì mặc nhiên được công nhận là “đạo diễn phù thủy” có khả năng khơi dậy tiềm năng du lịch của một vùng đất chỉ qua một bộ phim. Đây là những minh chứng bài học thành công về việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh trên thế giới và tại Việt Nam những năm gần đây.

Những khoảng trống còn bỏ ngỏ
Với vô vàn cảnh đẹp từ Bắc chí Nam cùng nhiều di tích cổ kính, di sản văn hóa đặc sắc, Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Thực tế cho thấy Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm đến của những bộ phim nổi tiếng với những bối cảnh quay phim đặc sắc. Có thể kể tới phim “Người tình” và “Đông Dương” của điện ảnh Pháp. Ngoài ra, còn có các phim: “Điện Biên Phủ” (Điện ảnh Pháp, 1992), “Người Mỹ trầm lặng” (Điện ảnh Mỹ, 2002), “Kong: Đảo Đầu lâu” (Điện ảnh Mỹ, 2017). Trong đó phim “Kong: Đảo Đầu lâu” có tới 5 danh thắng thuộc 3 tỉnh phía Bắc Việt Nam được ghi hình để làm phim, đó là: Tràng An, Vân Long, Tam Cốc (Ninh Bình); vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình).

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn thì vẫn có rất nhiều những khoảng trống còn bỏ ngỏ trong việc kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa từ tác phẩm điện ảnh. Đơn cử như điện ảnh Hà Nội, dẫu đã có một bề dày truyền thống lâu năm rất đáng tự hào, gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam thế nhưng các bộ phim điện ảnh về Hà Nội và hướng tới quảng bá hình ảnh văn hóa - du lịch Thủ đô những năm gần đây còn rất ít ỏi, hiếm hoi, chưa tương xứng với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử và tiềm năng phát triển của vùng đất địa linh nhân kiệt này.

“Những bộ phim về Hà Nội trước đây chủ yếu phản ánh Hà Nội “một thời đạn bom” hào hùng, nhưng sau chiến tranh, các tác phẩm điện ảnh về Hà Nội “một thời hòa bình” thì vẫn thiếu vắng những phim ghi dấu ấn. Có thể kể tới một số tác phẩm (cả điện ảnh lẫn truyền hình) đáng chú ý như “Người Hà Nội”, “Mùa lá rụng”, “Phía trước là bầu trời”, “Mùa ổi”, “Tâm hồn mẹ”, “Long Thành cầm giả ca”, “Khát vọng Thăng Long”, “Hà Nội Hà Nội” (phim hợp tác Việt Nam - Trung Quốc)… Những phim này đã phần nào phản ánh được hình ảnh danh thắng và con người của vùng đất có bề dày lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Song nếu xét về hiệu ứng thu hút du khách, quảng bá văn hóa du lịch Thủ đô ra với bạn bè trong nước và quốc tế thì có thể đánh giá là vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Nói cách khác, chưa thấy được sự gắn kết giữa ngành du lịch và điện ảnh trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh điểm đến của Thủ đô thông qua điện ảnh. Những thước phim đẹp về Hà Nội trong các bộ phim phần lớn được quay với bối cảnh sẵn có chứ chưa chủ động “tô điểm” cho bối cảnh, sử dụng vào mục đích quảng bá du lịch”, Ths. Hoàng Dạ Vũ - Phó Viện trưởng Viện Sân khấu điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đánh giá.
Đại diện cho Sở Văn hóa Thể dục Thể thao tỉnh Tuyên Quang, bà Âu Thị Mai cho hay, dẫu nhiều cố gắng để phát triển điện ảnh kết nối với di sản văn hóa, du lịch, song ngành điện ảnh trong tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với di sản văn hóa, du lịch. Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu di sản văn hóa chưa được quy mô, bài bản. Khách du lịch hằng năm đến với Tuyên Quang tăng nhưng mức chi tiêu còn thấp. Điện ảnh Tuyên Quang cũng trong bối cảnh chung của nhiều tỉnh hiện một cơ sở điện ảnh là Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phổ biến phim thông qua các địa điểm chiếu phim công cộng tại thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hạ tầng giao thông và hệ thống các thiết chế, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa thiếu đồng bộ; kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, du lịch còn hạn chế; xã hội hóa văn hoá nói chung, lĩnh vực điện ảnh nói riêng chưa đáp ứng so với yêu cầu.
Phát huy tiềm năng và thế mạnh

Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập đã có những biến đổi quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Văn học nghệ thuật trong đó có điện ảnh đã phát triển trong điều kiện mới, trước những nhu cầu mới. Vì vậy, quảng bá văn hóa qua các tác phẩm điện ảnh là một nhu cầu hết sức cấp thiết.

“Để làm được điều này, chúng ta nên mở rộng hợp tác đầu tư với nhiều hình thức: Tích cực hợp tác liên doanh làm phim với nước ngoài, mở rộng dịch vụ với những đoàn phim lớn vào Việt Nam. Quá trình giao lưu hợp tác phim quốc tế cũng như dịch vụ cho những đoàn phim quốc tế lớn vào Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho những nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội giao lưu về văn hóa và tiếp xúc thường xuyên hơn với những quy trình sản xuất phim tiên tiến và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần tạo mọi điều kiện cho các nhà làm phim Việt kiều về nước đầu tư và hoạt động nghề nghiệp”, TS Trần Quang Minh - Trưởng khoa Nghệ thuật Điện ảnh, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh nêu giải pháp.


Nhà báo Ngô Minh Nguyệt - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cho rằng, để phim ảnh thật sự kết nối và lan tỏa, quảng bá văn hóa thì ngoài những chính sách, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các điều luật, các nghị định… mỗi nghệ sĩ, mỗi nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim… đều cần có ý thức về sự gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa bản sắc, nét riêng của dân tộc trong từng tác phẩm, cách xây dựng nhân vật, cốt truyện. Tâm thế ấy cần được nuôi dưỡng, bồi đắp không ngừng để nó thấm sâu vào các hoạt động, trong mỗi thế giới quan của người nghệ sĩ từ khi lên ý tưởng sáng tạo, tìm kiếm đề tài, chủ đề cho bộ phim. Có như thế sự quảng bá về đất nước, con người, văn hóa ra với bên ngoài mới được thực hiện một cách mạnh mẽ, rộng khắp.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh cũng “hiến kế”, để mỗi khán giả điện ảnh trở thành một du khách thì ngành du lịch và điện ảnh cần ngồi lại với nhau, từ khi xây dựng đề án làm phim, xây dựng kịch bản, chọn cảnh quay cho đến chọn góc máy, hướng tới mục đích giới thiệu được bối cảnh đẹp nhất, qua đó phản ánh giá trị di sản văn hóa, thắng cảnh, sinh hoạt địa phương, nền nghệ thuật dân tộc...

Bài liên quan
  • Triển lãm tranh và thơ nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương
    Triển lãm trưng bày hơn 100 bức tranh của các họa sĩ trong nước, giúp người xem hiểu hơn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác thi ca của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đồng thời có thể khẳng định hơn những đóng góp của bà cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung. Đây là một trong những chuỗi hoạt động vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Hơn 2.000 cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Ba Đình năm 2024
    31 đơn vị, doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động quận Ba Đình năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động 2.140 chỉ tiêu (trong đó có 2.040 chỉ tiêu tuyển dụng, xuất khẩu lao động và 100 chỉ tiêu tuyển sinh).
  • Công bố giá vé, khát vọng “Rạng rỡ ngàn sau” với Tuần lễ Festival Huế 2024
    Ban tổ Festival Huế 2024 công bố giá vé các chương trình tại Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
Đừng bỏ lỡ
Điện ảnh kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO