Đi tìm giọt mồ hôi rơi tràn muối biển

Dương Thắng| 21/03/2020 18:16

Tôi vẫn thoáng bần thần, xa xăm nhớ những giọt mồ hôi thấm vào biển, những tháng ngày tuổi thơ tôi bên biển khi tháng Ba, ngày tám ru mưa bay thầm thì vào lòng. Biển quê tôi đẹp lắm, hồn hậu, bao dung, ôm ấp, chảy tràn nhớ, chảy tràn thương mỗi khi vỗ về tôi, thao thức tôi.

Đi tìm giọt mồ hôi rơi tràn muối biển

Tôi vẫn thoáng bần thần, xa xăm nhớ những giọt mồ hôi thấm vào biển, những tháng ngày tuổi thơ tôi bên biển khi tháng Ba, ngày tám ru mưa bay thầm thì vào lòng. Biển quê tôi đẹp lắm, hồn hậu, bao dung, ôm ấp, chảy tràn nhớ, chảy tràn thương mỗi khi vỗ về tôi, thao thức tôi.

Tháng Ba, cho đến bây giờ vẫn chưa khi nào ngớt chút se lạnh, chút âm u, chút miên man cỏ cây, hoa lá. Tháng Ba, đủ ẩm ướt cho cây cối sinh sôi, đủ dầm dề cho lòng người tĩnh lại. Tôi thương những cánh hoa rơi rụng, rét mướt trong mưa. Tôi thương bước chân mẹ bấm vào lòng đất mỗi mùa đi biển. Biển cho mẹ quãng đời gắn bó nông sâu, biển cho tôi những ngày đằng đẵng, mong ngóng, dõi theo những lam lũ, nhọc nhằn của mẹ.

Mẹ đi biển, gắn bó cả đời với biển vì kiếm kế, sinh nhai. Vì củ sắn, củ khoai nhọc nhằn nuôi đàn con thơ qua tháng Ba, ngày tám. Một năm hai vụ lúa, nhà đông miệng ăn nên những lúc nông nhàn mẹ chỉ biết đến biển, nơi lồng lộng gió, lồng lộng mưa, lồng lộng bãi bờ. Mẹ đi theo con nước thủy triều, lúc đi từ tinh mơ, gà gáy, khi đi từ buổi trưa và tối muộn mới trở về nhà. Đứa trẻ tôi bao buổi sớm lần tìm hơi mẹ mà bâng khuâng, ngơ ngác. Có lúc tôi sợ sệt hỏi mẹ: mẹ ơi, mẹ đi như thế nếu con nước thủy triều lên mẹ không kịp chạy thì làm thế nào? Mẹ chỉ xoa đầu tôi cười rồi nói, mẹ đi theo con trăng, các cụ từ xưa đến giờ cũng vậy, không phải lo đâu con ạ! Cứ thế, tôi dần quen khi không có mẹ ở bên, cứ thế tôi dần quen với mưa phùn, gió bấc.

Biển quê tôi rất nhiều cá. Mẹ thường đeo bên mình chiếc giỏ to để đi sắn (đào, bới) những con cá lác, cá rậu, cá mối... những con cá bằng ngón tay, ngón chân da trơn làm lỗ chi chít trên mặt biển. Mỗi khi thủy triều rút, chúng nhảy lao xao trên mặt sền sệt của lớp đất phù sa pha cát đã lì. Lỗ chúng nhỏ li ti như tổ ong lớn đan xen trong lòng đất. Để bắt được chúng cũng không hề dễ, phải là người có kinh nghiệm mới nhận ra lỗ nào có cá, lỗ nào không. Thế mà mẹ tôi hôm nào cũng bắt đầy giỏ cá. Đôi tay đã chai mười đầu ngón, đôi chân cát đất nhét đầy móng, khoét thật sâu. Những ngày sâm sẩm tối mẹ về đến chợ mau chóng ngồi bán cá, đổi lấy ngô khoai mang về. 

Tôi nhớ những hôm tiếng gà gáy vừa dứt, mẹ đã nhen lửa bếp nấu vội nồi cám lợn và nồi cơm nhỏ. Cơm vừa chín mẹ đùm màn nắm chặt như những quả trứng vịt, rồi gói gém mang theo. Mẹ đi cùng mấy người phụ nữ trong làng. Quãng đường từ nhà ra biển xa đến năm bẩy cây số. Họ vui vẻ chuyện trò, đi bộ xa như thế nhưng chưa bao giờ biết mệt, chưa bao giờ ngơi nghỉ một ngày. Có lẽ, biển với mẹ là bạn, biển với mẹ là niềm vui. Tôi biết, hôm nào bắt được nhiều, ánh mắt mẹ vui lắm, ngóng mẹ đi chợ về tôi nhận được những túi ngô bỏng, chiếc kẹo dồi, kẹo gừng thơm nức.

Tháng Ba, không chỉ thiếu ăn, mà còn thiếu củi, thiếu rơm đun. Tôi vẫn mang những chiếc bao đi lượm từng nhánh củi tre khô, đi quét từng vạt lá bạch đàn trên đường làng về đổ đầy góc bếp. Vậy mà vẫn thiếu. Mỗi buổi đi bãi, mẹ lại kiếm những cành bần, cành chang... thật to bó lại gánh về dựng xối nhà để đun nấu dần. Có vẻ như sự dẻo dai, sự tần tảo của mẹ là vô hạn. Mẹ không bao giờ kêu than, mẹ cứ thế lặng lẽ đi sớm về khuya nuôi đàn con khôn lớn. Liệu có phải lòng biển rộng, biển bao dung đã ăn mòn vào suy nghĩ của mẹ?

Lớn lên chút nữa, tôi ý thức được sự vất vả của mẹ. Cứ sau mỗi buổi học tôi lại đạp xe đi đón mẹ. Quãng đường quả là xa. Đường gồ ghề, lầy lội những ngày mưa phùn, con đê dài, sâu hun hút. Hôm nào trước khi đi tôi cũng phải hỏi hôm nay mẹ bắt cá ở đoạn nào để con đón. Có hôm, đi sớm tôi tha thẩn trên đê đứng cả tiếng đồng hồ chờ mẹ. Nhìn đàn bò gặm cỏ, nhìn đàn chim dáo dác bay về bỗng có những cảm giác trống rỗng khó tả. Biển không có bờ, muôn đời là vậy, biển bao la đến khôn cùng, tôi chẳng thể nhìn thấy một bóng người. Tôi chạy xuống những gò cát dài nối ven đê. Gò cát rộng quá. Sau bao nhiêu năm những tinh túy của biển dồn về đây. Cát phẳng lặng, nhẹ tênh khi gió thổi. Cát êm ả, mịn màng như đã thấm đượm những lẽ đời vốn có tự nhiên. Tôi nhún mình trên cát, cát lún dưới chân như thầm nhắc, dù cuộc sống sụt lún, chao đảo sau cùng vẫn trở lại êm đềm. Kia rồi, những bóng người nhỏ xíu như những đốm mưa đang lớn dần. Giữa mênh mông họ có khác gì hạt cát. Bé lắm, bé vô cùng. Tôi nhìn theo không chớp mắt. Mẹ vẫn không thể lẫn, vẫn chiếc áo mưa nửa kín nửa hở gió vỗ kêu phành phạch, vẫn chiếc nón mê cụp xuống với đôi quai buộc chặt. Nhìn thấy mẹ, tôi mừng lắm, bao nôn nao, thấp thỏm trở lại yên bình.

Tôi đèo mẹ về trên quãng đường trơn. Mưa dường như còn dai dẳng bám theo mẹ. Mẹ ngồi vắt chéo, đôi chân ngón quặp vào nhau. Hình như chúng ngại nghỉ ngơi, chúng đã quen bấm sâu vào bùn đất. Chiếc xe rung rung, kèn kẹt kêu. Tôi lãng đãng ngắm cỏ cây ven đường uống mưa. Tinh khôi thật đấy! Lòng tôi ấm áp. Hai mẹ con im lặng. Tôi biết, khung cảnh cứ như này, lòng người không tĩnh lặng sao được. Ven đường hoa xoan tím rụng vương bùn đất, nhão nhoẹt, cồn cào.

Có lẽ, thật khó để đếm hết những giọt mồ hôi đã rơi tràn muối biển. Mồ hôi là vô hình nhưng mồ hôi vẫn đậu trên gò má, trên cánh tay gầy. Màu rám nắng, vị phù sa lúc nào cũng đâu đây bên tôi. Tôi vùi đầu trong mùi vị ấy, thoang thoảng nhớ, thoang thoảng thương mỗi độ tháng Ba về. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • [Emagzine] Chiến dịch Hồ Chí Minh: Năm ngày làm nên “lịch sử”
    Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975) song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
  • Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024) từ ngày 3 đến 6-5 tại Rạp chiếu phim Điện ảnh QĐND (17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
  • “Người chép sử” trận thắng thế kỷ Điện Biên Phủ bằng ảnh
    Năm 1953, nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:"Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại..."
  • "Lật mặt 7" của Lý Hải cán mốc 100 tỉ sau 3 ngày ra rạp
    Theo số liệu từ Box Office Vietnam (trang thống kê độc lập), Lật mặt 7: Một điều ước cán mốc 100 tỷ đồng vào sáng 29/4, trở thành phim Việt thứ hai vượt mốc 100 tỷ đồng trong năm nay, sau Mai của Trấn Thành.
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm giọt mồ hôi rơi tràn muối biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO