Công nhân Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) vận hành băng chuyền đưa rác vào lò đốt. Ảnh: NGỌC HẢI |
Tỷ lệ xử lý rác thải còn thấp
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố hiện nay là khoảng 6.500 tấn/ngày. Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom, xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) tiếp nhận 4.500-4.700 tấn/ngày; Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây) 1.200-1.300 tấn/ngày. Còn lại được thu gom, xử lý tại Nhà máy Chế biến rác Phương Đình (Đan Phượng) và một số khu xử lý cấp huyện. Thế nhưng, chỉ khoảng 11% rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt (không phát điện).
Công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân compost (phân hữu cơ) đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), song hiệu quả thấp do thiết bị xuống cấp, hạn chế trong tiêu thụ sản phẩm nên đã dừng hoạt động.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, phương pháp xử lý bằng chôn lấp không chỉ chiếm diện tích đất, mà còn khó kiểm soát vệ sinh môi trường.
Để phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 25-4-2014). Theo quy hoạch, ngoài nâng cấp, mở rộng 8 khu xử lý hiện có, thành phố thực hiện đầu tư mới 9 khu xử lý rác thải.
Ông Đinh Minh Trí, Phòng Hạ tầng - Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, tính đến năm 2018, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đã đầu tư, hoàn thành 4 nhà máy xử lý đốt rác không phát điện.
Tuy nhiên, các nhà máy: Xử lý chất thải Sơn Tây, công suất 700 tấn/ngày-đêm; Xử lý chất thải Xuân Sơn, công suất 150 tấn/ngày-đêm (đều đặt tại Xuân Sơn, Sơn Tây); Xử lý chất thải tại Phương Đình (Đan Phượng), công suất 200 tấn/ngày-đêm, qua thời gian vận hành đã bộc lộ một số nhược điểm: Việc lựa chọn công nghệ chưa hợp lý, thiết bị xuống cấp, không bảo đảm công suất thiết kế, thường xuyên phải dừng để thực hiện bảo trì, sửa chữa. Còn Nhà máy Xử lý chất thải tại Việt Hùng (Đông Anh), công suất 500 tấn/ngày-đêm theo công nghệ Plasma do Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang đầu tư, hiện chưa đưa vào hoạt động.
Giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ
Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn tại xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Khuê Diệp |
Đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý rác thải trên địa bàn, với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp, từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tập trung "gọi" đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn châu Âu (đốt hoặc khí hóa), có thu hồi năng lượng để phát điện.
Ngoài ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ giá mua điện từ các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn; thành phố cũng nêu rõ các tiêu chí về năng lực, công nghệ, kinh nghiệm, tài chính, thời gian hoàn thành dự án khi lựa chọn nhà đầu tư.
Ông Đinh Minh Trí cho biết, thông qua các hội nghị “gọi” đầu tư, đã có 4 dự án được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Mặc dù đã được lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành quan tâm, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, song hầu hết các dự án đều triển khai rất chậm.
Cụ thể, ngoài dự án xây dựng nhà máy xử lý rác (1.500 tấn/ngày-đêm), có phát điện tại Khu Xử lý chất thải Đồng Ké (Chương Mỹ), thành phố đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, thì đến nay mới có Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (công suất 4.000 tấn rác/ngày-đêm, thu hồi năng lượng để phát điện với công suất 75MW) dự kiến khởi công trong tháng 5-2019, phấn đấu hoàn thành xây dựng trong 18 tháng; thì tiến độ thực hiện 2 dự án tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (dự án xử lý rác thải thu hồi điện, công suất 1.000 tấn rác/ngày-đêm, phát điện 15,5MW; dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn rác/ngày-đêm, phát điện 12MW), thực hiện rất chậm.
Ngoài nguyên nhân chủ đầu tư chưa lập xong thiết kế kỹ thuật; việc chậm triển khai còn do “vướng” các quy định, thủ tục đầu tư cần sự phê duyệt của các bộ, ngành, trung ương (phê duyệt đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện...).
Xác định việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mới đây UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư (đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư) báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án, hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất, trình UBND thành phố quyết định cho thuê đất. Sở Công Thương phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư báo cáo các thủ tục có liên quan đến quy hoạch phát triển lên lưới điện quốc gia, trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch lưới điện theo quy định...
UBND thành phố cũng “chốt” thời gian đối với các chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án, với yêu cầu việc điều chỉnh tiến độ hoàn thành đi vào hoạt động không vượt quá tháng 10-2020; dự án xử lý rác thải thu hồi điện và dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng tại Khu xử lý rác thải Xuân Sơn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai để bảo đảm đủ điều kiện khởi công trong tháng 5-2019...
Với các dự án chậm tiến độ: Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong (Chương Mỹ); Nhà máy Xử lý rác thải tại Đông Lỗ (Ứng Hòa); Nhà máy Xử lý rác thải tại Lại Thượng (Thạch Thất); Nhà máy Xử lý rác thải tại Hợp Thanh (Mỹ Đức), Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của chủ đầu tư; đề xuất biện pháp giải quyết cụ thể đối với từng dự án, báo cáo UBND thành phố...
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các chủ đầu tư đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các sở, ngành cũng quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, thường xuyên tổ chức họp nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, phấn đấu để các dự án sớm khởi công, đi vào vận hành trong năm 2021.