Theo đánh giá của giới kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc Việt Nam như Ngô Huy Quỳnh, Trần Quốc Bảo, Nguyễn Đình Toàn thì ở nửa đầu thế kỷ XX, kiến trúc sư Pháp Ernest Hébrard chẳng những là người đề xướng và sáng tạo phong cách kiến trúc Đông - Tây kết hợp trong thiết kế xây dựng những công trình đô thị ở các thành phố vùng Đông Dương, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, mà còn là người khởi xướng những ý tưởng sáng tạo trong quy hoạch đô thị các thành phố lớn và là người tạo nên những ảnh hưởng sâu rộng tới thế hệ kiến trúc sư trẻ người Pháp và người Việt kế tiếp.
Kiến trúc sư Ernest Hébrard
Bắt đầu từ những năm thuộc thập niên 20 của thế kỷ XX, chương trình khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ 2 đã được tiến hành một cách ồ ạt và khẩn trương. Thủ đô Hà Nội cũng được đặt trong một kế hoạch đô thị hóa mạnh mẽ, sâu rộng. Đây chính là thời gian hình thành khu phố Tây, nay được gọi là khu phố cũ Hà Nội, để phân biệt với khu phố cổ tức khu 36 phố phường trung tâm.
Một góc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế.
Kiến trúc sư Đào Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ, ông không còn lưu giữ được gì nhiều những tư liệu về vị kiến trúc sư trưởng đầu tiên của thành phố - Chánh Sở Kiến trúc và Quy hoạch Đông Dương Ernest Hébrard - song những ấn tượng của ông về những công trình của vị kiến trúc sư trưởng ấy luôn rất sâu đậm. Bởi chúng không chỉ mang sắc thái nghề nghiệp bậc thầy mà còn in dấu sắc thái văn hóa xã hội và nhân văn rất sâu sắc, không cách biệt quá nhiều với những kiến trúc dân tộc Việt như đình chùa miếu mạo. Chúng vừa mang dấu ấn văn hóa truyền thống Việt Nam vừa mang dấu ấn phong cách kiến trúc phương Tây đồng thời rất hài hòa với phong cảnh phố phường Thủ đô và thích ứng với khí hậu miền Bắc.
Kiến trúc sư Ernest Hébrard là một kiến trúc sư Pháp khá nổi tiếng thời bấy giờ. Ông từng làm việc nhiều năm ở Đông Dương, say mê truyền thống văn hóa các dân tộc bản địa trên bán đảo xinh đẹp này. Ông chính là tác giả các đề án quy hoạch thành phố Đà Lạt và Thủ đô Hà Nội. Dưới tác động của kiến trúc sư trưởng Ernest Hébrard, tại Thủ đô Hà Nội, trong những năm thuộc thập niên 20 của thế kỷ 20, đã bắt đầu xuất hiện một loạt công trình kiến trúc mới theo phong cách kết hợp Đông - Tây.
Tác phẩm đầu tiên của kiến trúc sư Ernest Hébrard theo phong cách kiến trúc Đông - Tây kết hợp, gọi chung là phong cách kiến trúc Đông Dương, đó chính là trường Đại học Đông Dương nay là Đại học Dược Hà Nội nằm trên phố Lê Thánh Tông. Tòa nhà được khởi công năm 1923, ngay trong năm ông được nhậm chức kiến trúc sư trưởng Hà Nội và hoàn thiện vào năm 1925.
Tọa lạc ở vị trí khá đẹp nơi mở đầu trục đường lớn Lý Thường Kiệt, trước mặt lại là một công viên xinh nhỏ mang tên vườn hoa Tao Đàn, công trình đã tạo ra một điểm nhấn kiến trúc đô thị đẹp đẽ mặc dù quy mô xây dựng không lớn.
Kiến trúc sư Trần Quốc Bảo cho biết: Thiết kế từ nước Pháp, khi mang sang Việt Nam, căn cứ vào cảnh quan môi trường và phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam, bản thiết kế đã có một số thay đổi, tuy nhiên vẫn còn mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc kinh viện châu Âu. Kiến trúc không gian đối xứng hoàn toàn. Mặt bằng đơn giản theo phong cách chính thống. Tác giả đã lần đầu tiên đưa vào công trình hiện đại ấy khá nhiều lớp mái kiểu Á Đông, các ô văng lợp ngói ta. Tòa nhà còn được trang trí bằng nhiều chi tiết trang trí kiểu con tiện cùng hình thức chồng giường giả gỗ, phỏng theo dạng kết cấu thường thấy ở các đình chùa cổ Việt Nam.
Nhà thờ Cửa Bắc là tác phẩm thứ hai của kiến trúc sư Ernest Hébrard tại Hà Nội. Công trình được khởi dựng ngay sau khi kiến trúc sư hoàn thiện trường Đại học Đông Dương. Nhà thờ được xây dựng trên một khu đất trải dài góc đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Biểu.
Theo tiến sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Đình Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, ở công trình này, kiến trúc sư Ernest Hébrard đã thành công lớn khi tạo ra một không gian kiến trúc phi đối xứng với điểm nhấn là một tháp chuông vút cao phái bên phải sảnh chính, kèm theo đó là một gác mái vòm ở phần trung tâm. Điều này đã khiến cho nhà thờ Cửa Bắc có được nét độc đáo so với các công trình nhà thờ công giáo khác với kiến trúc đăng đối thường thấy.
Năm 1925, có thêm một công trình kiến trúc của Hébrard theo phong cách kiến trúc Đông Dương đã được hình thành ở Hà Nội. Đó là trụ sở Sở Tài chính nay là trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tòa nhà có mặt bằng đăng đối. Mặc dù tổ chức không gian chức năng hoàn toàn theo phong cách kiến trúc kinh điển phương Tây của các tòa công sở hành chính Pháp đương đại, song tác giả đã khéo léo kết hợp với các dáng nét kiến trúc ngoại thất phương Đông, tạo nên những dáng nét bay bổng nên thơ và hài hòa với cảnh quan xung quanh. Đáng chú ý ở công trình là những lớp mái lớn nhỏ nhấp nhô đan xen và hệ thống ô văng dốc tạo dáng nét phương Đông nhịp nhàng uyển chuyển. Hệ thống cửa sổ, lỗ thông hơi sát mặt sàn và sát mặt trần được bố trí hợp lý, tạo độ thông gió và thoáng khí, rất thích ứng với khí hậu nhiệt đới gió mùa ở miền Bắc Việt Nam. Kiến trúc sư Trần Quốc Bảo đánh giá: So với công trình trường đại học Dược khoa, các yếu tố kiến trúc bản địa Việt Nam ở công trình Bộ Ngoại giao đã được xử lý nhuần nhuyễn, tinh tế, không còn là sự sao chép đơn giản, cứng nhắc. Tuy nhiên, sự nệ cổ vẫn còn hiển hiện đây đó trong hình thế rườm rà, rắc rối ở một số chi tiết trang trí ngoại thất.
Công trình Bộ Ngoại giao nằm trong bối cảnh trung tâm hành chính, chính trị theo phương án quy hoạch Hà Nội mới của kiến trúc sư trưởng Erners Ebra. Đây là công trình đầu tiên của phương án này. Phương án quy hoạch phát triển Hà Nội của ông không chỉ thể hiện ở các công trình kiến trúc mà còn thể hiện ở việc tổ chức không gian kiến trúc, tổ chức đường sá giao thông đi lại trong thời điểm hiện tại lúc bấy giờ và cũng đã tính toán đến khả năng phát triển của Thành phố Hà Nội trong tương lai.
Nhà thờ Cửa Bắc - tác phẩm thứ hai của kiến trúc sư Ernest Hébrard tại Hà Nội.
Bảo tàng Louis Finot nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam được xây dựng trong những năm 1928 - 1932 cũng là công trình do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế. Đây là một thành công đầy ấn tượng của phong cách kiến trúc Đông Dương, theo đánh giá của kiến trúc sư Trần Quốc Bảo. Mặt bằng bảo tàng được kiến tạo theo yêu cầu của không gian kiến trúc trưng bày nên chỉ gồm hai thành phần chính: không gian sảnh hình bát giác và một phòng trưng bày lớn tổ chức theo hình thức xuyên phòng có sự chuyển tiếp liền mạch, uyển chuyển.
Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh nhận xét: Vòm mái bát giác gây ấn tượng sâu đậm đặc biệt trong công trình kiến trúc viện bảo tàng lịch sử. Hệ thống cửa thông gió và lấy ánh sáng được đặc biệt lưu ý kết hợp nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông cùng với hệ thống cây xanh bao quanh khuôn viên rất đậm đặc, cùng nhiều giống cây truyền thống được trồng trong các khuôn viên đình chùa Việt Nam đã tạo nên một cảm giác mát mẻ, thư thái, bình yên cho con người.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là một công trình văn hóa lịch sử quan trọng, cảnh quan nơi đây cùng với những di vật quý giá được trưng bày đã có một sự cộng hưởng gợi nên tâm tưởng hướng về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Điều này cũng thể hiện tấm lòng và một cách nhìn đầy trân trọng của vị kiến trúc sư người Pháp Erners Ebra với đất nước và con người Việt Nam.
Theo đánh giá của giới nghiên cứu lịch sử kiến trúc Việt Nam thì ở nửa đầu thế kỷ XX, kiến trúc sư Ernest Hébrard chẳng những là người đề xướng và sáng tạo phong cách kiến trúc Đông - Tây kết hợp trong thiết kế xây dựng những công trình đô thị ở các thành phố vùng Đông Dương nói chung và Hà Nội nói riêng mà còn có ảnh hưởng sâu rộng tới thế hệ kiến trúc sư trẻ kế tiếp.
Chiến tranh thế giới lần hai và cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp đã gây một chấn động mạnh mẽ ảnh hưởng đến công cuộc kiến thiết xây dựng đô thị Hà Nội. Trào lưu kiến trúc theo phong cách Đông Dương vô hình chung cũng vì thế mà không còn điều kiện phát triển tiếp tục. Sau những năm 1950, ở Hà Nội còn thấy xuất hiện thêm các công trình mới theo phong cách kiến trúc Đông Dương. Song ở các vùng khác trên xứ Đông Dương thì ảnh hưởng của phong cách này vẫn như còn lan tỏa một cách rộng rãi với nhiều biến thể phong phú và đôi lúc khá tinh tế.
Những năm đầu thế kỷ XXI, Thủ đô Hà Nội trên đà mở rộng và vươn cao không ngừng. Quy mô và chiều hướng phát triển thì dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Suy ngẫm lại, thì ở thời điểm cách chúng ta hiện nay khoảng gần 100 năm, đứng về mặt quy hoạch phát triển Thành phố Hà Nội, ngay trong những năm đầu của thập kỷ XX, kiến trúc sư Ernest Hébrard đã cho công bố một phương án thiết kế tổng thể có quy mô lớn, có tính tổng quát cao. Tuy nhiên vì một số lý do nên hầu hết những phương án quy hoạch Thủ đô Hà Nội của vị kiến trúc sư trưởng đầu tiên chưa thực hiện được. Song có một điểm khá thú vị là đến nay khi nhìn vào tấm bản đồ quy hoạch mới của Hà Nội những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, chúng ta thấy có một số điểm khá tương đồng về mặt định hướng và quy mô xây dựng và phát triển đô thị Hà Nội với những ý đồ dự định của kiến trúc sư Ernest Hébrard.