Văn hóa – Di sản

Đặng Trần Côn – thi sĩ đa tài

Nguyễn Như Trang 29/11/2023 10:59

Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Đến nay vẫn chưa có tư liệu nào ghi rõ năm sinh năm mất của ông. Vì vậy, chỉ có thể dùng phương pháp mang tính chất “bắc cầu” để tìm ra giai đoạn Đặng Trần Côn sinh sống. Tác giả Hoàng Xuân Hãn trong Chinh phụ ngâm bị khảo đã đề cập đến bức thư Đặng Trần Côn gửi cho người bạn Phan Kính (sinh năm 1715, người làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

dang-tran-con.jpg
Tranh minh họa danh nhân Đặng Trần Côn.

Bức thư có nội dung mời Phan Kính tới cùng nhau thưởng xuân. Từ đó có thể suy luận tuổi của hai người này là gần ngang nhau. Một giả thuyết khác, trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án có đoạn viết: Đặng Trần Côn từng đem thơ đến ra mắt Đoàn Thị Điểm (sinh năm 1705) và bị bà chê là học trò mới học. Từ đó có thể kết luận một cách tương đối rằng, Đặng Trần Côn sinh vào khoảng từ 1710 - 1720, sống vào thời vua Lê chúa Trịnh.

Thời trẻ, Đặng Trần Côn là người hào phóng, thường yêu thơ, thích rượu và giao du với nhiều bạn bè trong giới văn chương như Phạm Đình Hổ, Phạm Đình Dư. Họ thường cùng nhau bàn bạc chuyện thi từ và thế sự.

Năm 22 tuổi, Đặng Trần Côn đỗ Hương Cống: Hai mươi hai tuổi khoa thi/ Mũi tên bắn lọt chu vi bốn ngày. Tuy thi đỗ Hương nhưng khi thi Hội ông lại không được. Sau khi thi đỗ, ông làm huấn đạo trường phủ, rồi tri huyện Thanh Oai, sau thăng chức Ngự sử đài đại phu. Về sau, ông về hưu, và làm nghề dạy học. Ông dạy con cháu của Nguyễn Đình Kỳ đều đỗ Hương Cống triều Lê. Sách Tang thương ngẫu lục có viết: “Trong khoảng trường ốc, văn chương ông tiếng lừng thiên hạ. Bấy giờ chúa Uy vương (Trịnh Giang) bị bệnh, phải rời đến ở cung Thưởng Liên. Tối đến, kinh thành cấm lửa rất ngặt. Đặng Trần Côn đào hầm ở dưới đất đọc sách, không bỏ bễ lúc nào”. Sự nghiệp chính trị của ông không được nhắc đến nhiều, ông thành danh chủ yếu trong lĩnh vực văn chương.

Đặng Trần Côn sáng tác khá nhiều thi ca. Hầu hết tất cả các tác phẩm của ông đều rung động lòng người đương thời và hậu thế bởi một hồn thơ nhạy cảm và mang nặng nỗi buồn đau nhân thế. Các tác phẩm của Đặng Trần Côn đều viết bằng chữ Hán. Ông đặc biệt nổi tiếng với tác phẩm Chinh phụ ngâm. Kiệt tác này được sáng tác vào khoảng những năm 40 của thế kỷ VXIII và được đánh giá cao ngay từ khi mới ra đời. Nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú nhận định rằng, sách Chinh phụ ngâm là của Hương cống Đặng Trần Côn soạn vào đầu đời Cảnh Hưng, giai đoạn binh biến nổi dậy khắp nơi, những người đàn ông phải đi đánh trận xa nhà, ông cảm thời thế mà làm ra (Lịch triều hiến chương loại chí). Phạm Đình Hổ trong sách Tang thương ngẫu lục viết: “Khoảng năm về già, ông làm khúc Chinh phụ ngâm, cả thảy đến mấy nghìn lời. Khi làm xong, Đặng Trần Côn đưa cho Ngô Thì Sĩ xem, ông họ Ngô bội phần thán phục bởi tài năng và công sức của Đặng Trần Côn”...

Chinh phụ ngâm ra đời ở trong thời kỳ có nhiều biến động lớn của lịch sử dân tộc và lịch sử văn chương nước ta. Trên bình diện chính trị, hai ngôi chúa là chúa Trịnh Đàng Ngoài và chúa Nguyễn Đàng Trong cùng với một ngôi vua của nhà Lê rõ ràng đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội, nó chính là tiền đề của các cuộc nội chiến đầy máu và nước mắt kéo dài suốt mấy chục năm trời. Đến thế kỷ XVIII, tình hình đất nước còn rối loạn hơn với các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi trong cả nước. Trong lòng xã hội phong kiến Việt Nam lúc này rối như sợi tơ vò. Một biểu hiện của sự rối ren ấy là đã bắt đầu xuất hiện một loại hình kinh tế mới, kinh tế đô thị; đây là động lực cho ra đời những tư tưởng và cảm xúc của những cá nhân có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước. Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra đời đã kịp diễn tả lại được không khí của thời kỳ đầy biến động lúc bấy giờ và Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm rất thành công:

Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt,

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.

Chín lần gươm báu trao tay,

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

Nước thanh bình ba trăm năm cũ,

Áo nhung trao quan vũ từ đây!

Sứ trời sớm giục đường mây,

Phép công là trọng niềm tây sá nào!

Đặng Trần Côn là một người gắn bó với vùng đất Thăng Long - Hà Nội trong suốt một thời gian dài từ thuở ấu thơ đến khi đèn sách, thi cử và làm quan tri huyện ở Thanh Oai. Ông thấu hiểu được nội tình đất nước, nhận ra được mầm mống gây họa cho nhân dân, đặc biệt là gây những nỗi bất hạnh cho cuộc đời người phụ nữ chính là chiến tranh phong kiến. Tác phẩm Chinh phụ ngâm đã biểu đạt được một cách sâu sắc và toàn vẹn nỗi đau của những người thiếu phụ đằng đẵng chờ chồng đi chinh chiến với đan xen những xúc cảm dồn nén, hi vọng, khắc khoải, rồi thất vọng khi nhận ra hiện thực cả hai đang phải cách xa hàng “ngàn núi xanh, ngàn dâu xanh”:

Dấu chàng theo lớp mây đưa,

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

Chàng thì đi cõi xa mưa gió,

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Đoái trông theo đã cách ngăn:

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Tác phẩm mang một giá trị nhân đạo sâu sắc, nó hướng đến con người và cảm thương cho những nỗi đau của con người, mà tiêu biểu là người phụ nữ sống trong xã hội còn nhiều bất công.

Đặt trong mối tương quan giữa Chinh phụ ngâm nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn với bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm cần đặc biệt chú ý tới nhận định của học giả Đặng Thai Mai trong công trình Giảng văn Chinh phụ ngâm: “Tác giả khúc ngâm bằng chữ Hán đã có thể lợi dụng được thể trường đoản cú của thơ Nhạc phủ để mà biểu hiện những sự trạng đối chọi, hay những tình thế trái ngược, giữa bao nhiêu cụ tượng trước mắt với những điều ước mong tha thiết trong lòng. Bút pháp đối chọi là một bút pháp thông thường trong văn tự tình. Sau bốn câu ngắn (5 chữ) trôi vút lên hai câu dài thì chủ đề của một bức cảnh cũng dường như được nâng nổi hẳn lên. Trong lối văn song thất lục bát, Đoàn Thị Điểm không có thể sử dụng được những biến thái dồi dào như nguyên văn. Nhưng đặc sắc của khúc ngâm dịch ra Việt văn là ở trong chi tiết văn chương - les destails - của khúc ngâm” (1950)...

Bên cạnh tác phẩm Chinh phụ ngâm nổi tiếng, Đặng Trần Côn có thể còn là tác giả của tiểu thuyết Bích câu kỳ ngộ (theo ý kiến của Phạm Đình Hổ) và một số bài thơ như: Tiêu Tương bát cảnh (Tám cảnh Tiêu Tương), các bài phú: Trương Hàn tư thuần lô (Trương Hàn nhớ rau thuần cá vược), Trương Lương bố y (Trương Lương áo vải), Khấu môn thanh (Tiếng gõ cửa)... Ngoài ra, Đặng Trần Côn còn có một số lời thơ được các tác gia cùng thời ghi chép tản mạn. Trong sách Tang thương ngẫu lục có ghi chép về một số câu thơ thể hiện phong cách riêng, những suy tư trăn trở của Đặng Trần Côn trước thời cuộc. Với cách sử dụng câu cú thanh thoát, dùng điển tích một cách tinh vi, hợp lý đã đủ cho thấy tài năng văn chương lỗi lạc của ông:

Lãnh đạm thôn hào, bán thướng liễu bát vương chi thành bại,

Tầm thường dã phẩm, sổ bôi tàn lưỡng Tấn chi thị phi.

(Món quê nhạt nhẽo, nửa bữa xong cuộc thành bại của tám vị vương,

Vị đồng tầm thường, mấy chén tàn chuyện thị phi của hai triều nhà Tấn)

(Trương Hàn tư thuần lô)

Trong một bài văn yết miếu đức thánh Khổng Tử, bằng phép đối tám chữ, cô đúc tài tình, như một sự khẳng định mang tính chân lý, Đặng Trần Côn đã nâng tầm của Khổng Tử lên địa vị cao nhất:

Vô vị Huân Hoa, Năng ngôn thiên địa.

(Nghiêu Thuấn không ngôi, Đất trời biết nói)

Thơ ca của Đặng Trần Côn khác hẳn với những bài thơ đương thời. Thơ ông không mang tính chất hàn lâm khoa cử, mà thể hiện bản ngã, sự tinh tế nhạy cảm trước thiên nhiên, xã hội và con người. Sự riêng biệt trong thơ Đặng Trần Côn đã làm nên một phong cách riêng, một tư tưởng mới so với thời đại của ông. Bài Tiêu Tương dạ vũ là một ví dụ điển hình cho lối viết và cho tư tưởng này:

Cô bồ trạch quốc tứ thương thương,

Thùy bả lâm lang trích dạ trường.

Sạ quá u lan đề Sở Khách,

Hốt lai ám trúc khấp Nga Hoàng.

Tần châu lãnh bức ngư đăng tế,

Bồng để thu kinh lữ mấn hoàng.

Phất lược sổ phong viên thụ ngoại,

Thương ca thanh đoạn thủy mang mang.

Bản dịch nghĩa:

Cỏ cao nước cả bốn bề xanh xanh,

Ai đem gieo hạt ngọc trong lúc đêm dài?

Trận mưa chợt qua cụm lan tối tăm để than người khách Sở,

Vụt đến bụi trúc âm thầm để khóc nàng Nga Hoàng

Bãi rau bị khí lạnh đè ép làm cho đèn chài nhỏ tý,

Gốc cỏ bồng hơi thu ghê rợn làm cho mái tóc lữ thứ điểm vàng.

Chợt qua ngoài lùm cây, vượn leo trên mấy ngọn núi cao,

Khúc ca Thương Lương dứt tiếng, mặt nước sông man mác.

(Mưa đêm ở sông Tiêu Tương)

Các văn bản thơ ca của Đặng Trần Côn còn lại đến ngày nay không nhiều nhưng trong số ấy đã có tuyệt tác để đời Chinh phụ ngâm. Tác phẩm này cùng với các trước tác của ông đóng vai trò như những minh chứng sống động cho tấm lòng nhân đạo cao cả và tài năng thơ ca của ông.

Đặng Trần Côn đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng về tinh thần học tập, biết vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để hoàn thiện mình. Ông là người lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi, được rất nhiều học giả đương thời yêu quý và kính trọng. Vượt qua rào cản về khoa cử và địa vị của một vị quan huyện, Đặng Trần Côn xứng đáng là một thi sĩ đa tài với những tác phẩm văn chương để đời mà trong lịch sử văn chương Việt Nam không dễ gì có được./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đặng Trần Côn – thi sĩ đa tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO