Tín ngưỡng lâu đời
Ở nhiều vùng nông thôn, chó đá được đặt trước cửa nhà hoặc đình, đền, miếu... với tư cách là một “hộ môn thú” (thần canh cửa), hoặc trên bệ thờ như là vị thần chuyên canh giữ phần âm, xua đuổi tà ma và mang lại bình yên, may mắn cho người dân.
Hà Nội là một trong những địa phương có tục thờ chó đá khá phổ biến, đặc biệt là tại các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng và khu vực nội thành. Tại đền Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) hiện vẫn còn một đôi chó đá. Cách đó không xa, phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì cũng có 4 con “thạch cẩu”. Còn tại đình thôn Phù Trung (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng), chó đá được đặt trên bệ thờ ở ngoài vườn - nơi dân làng thường đến thắp hương vào ngày rằm, mùng một. Nổi tiếng không kém là ngôi đình Địch Vỹ (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng), nơi chó đá được phối thờ như một vị thành hoàng và được gọi là “quan lớn Hoàng Thạch”. Nhà nào có công việc quan trọng đều biện lễ trình ngài để mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Khu vực nội thành Hà Nội cũng ghi nhận tục thờ chó đá. Tại ngã tư Trung Hiền (giao cắt giữa các phố Bạch Mai, Trương Định, Minh Khai, Đại La, thuộc quận Hai Bà Trưng ngày nay) trước kia có tượng con chó đá lớn trấn giữ nên nơi đây còn được gọi là “cửa ô Chó Đá”. Giờ đây bức tượng và cái tên cũ chỉ còn trong ký ức của số ít người Hà Nội.
Đền thờ Cẩu Nhi
Nằm trên gò đất cao nổi giữa hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình), đền Cẩu Nhi (hay đền Thủy Trung Tiên) là một trong những di tích nổi tiếng gắn với tục thờ chó đá và sự tích xây dựng kinh thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ. Theo Ngọc phả cổ lục, mẹ vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) tên là Phạm Thị Trinh, khi đến chùa Tiêu Sơn, sau đêm nằm mơ thấy thần chó đá bà có mang và sinh ra Lý Công Uẩn đúng vào năm Giáp Tuất (934). Sau này, vua cho dời đô về Thăng Long cũng đúng vào năm Canh Tuất (1010). Khi định đô ở đất Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cho lập miếu thờ thần Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi trên núi Nùng.
Sách Tây Hồ chí có viết về đền Cẩu Nhi như sau: “Thần Cẩu Nhi là con Cẩu Mẫu, triều Lý miếu thờ ở bãi Châu Chữ (bến Châu) phía Tây Bắc hồ, thời Hậu Lê gọi là chùa Trúc Bạch. Trên có miếu thờ thần Cẩu Nhi dựng từ triều Lý. Nay hãy còn”. Theo cố Giáo sư Phan Huy Lê, trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép về bến Thần Cẩu và tục thờ chó đá có ở người Việt ít nhất từ đời Lý. Nhưng vì người Việt có tín ngưỡng đa thần giáo, tôn thờ thuyết vạn vật hữu linh nên trải qua nhiều biến động, tục thờ chó bị phai nhạt. Điều đó lý giải vì sao ngôi đền ở giữa hồ Trúc Bạch có 3 lớp thờ chồng chéo lên nhau với ba đối tượng được thờ là thần Chó, Mẫu Thoải và thần Cá.
Theo thủ từ Lưu Ngọc Đức, Trưởng ban Quản lý di tích đền Cẩu Nhi thì dấu tích thờ thần Cẩu từ đời Lý đã bị phá hủy từ lâu. Hiện nay, dấu tích của ngôi đền xưa trên hòn đảo Cẩu Nhi không còn. Sau nhiều biến thiên của lịch sử cùng sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu, chính quyền và người dân quận Ba Đình, ngôi đình được trùng tu, xây dựng lại trên nền đất cũ, mang tên Thủy Trung Tiên - nơi thờ Mẫu Thoải. Lý giải việc này, thủ từ Lưu Ngọc Đức cho biết: “Người dân Việt Nam có tục cứ nơi nào có nước đều thờ Mẫu Thoải. Trong trí nhớ của tôi, 40 năm trước ngôi đền đã được xây theo lối chuôi vồ, là nơi thờ Mẫu Thoải và Tứ phủ. Trên bờ nóc và trong đền đều ghi dòng chữ: “Thủy Trung Tiên từ” (đền thờ Bà chúa Nước). Có thể ngôi đền thờ Cẩu Nhi đã bị phá hủy từ nhiều thế kỷ trước đó. Tuy nhiên, trong bài vị gỗ cổ của đền có nhắc đến thần Cẩu Nhi. Sau này, người dân quanh vùng Tây Hồ lập nên Thủy Trung Tiên từ để thờ Mẫu Thoải với mong ước được bà phù hộ cho những cư dân có cuộc sống gắn liền với nghề đánh bắt thủy sản trên hồ Tây”.
Với nhiều người Hà Nội, đền thờ Cẩu Nhi vẫn gắn bó, thân thuộc bởi nó gắn liền với những mảnh ký ức của họ. Ông Nguyễn Trung Quân, cư dân phường Ngũ Xã (quận Ba Đình) chia sẻ: “Ngày bé, bà tôi thường kể cho chúng tôi sự tích đền Cẩu Nhi gắn với những tích truyện về việc vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long. Thi thoảng, tôi được theo bà đi thuyền vào đảo Cẩu Nhi để cúng lễ. Ngày nay, ngôi đền được trùng tu, xây dựng khang trang như vậy, người dân Ngũ Xã chúng tôi rất mừng vì trên địa bàn phường có thêm một di tích làm đẹp cho Thủ đô”.
Anh Nguyễn Hữu Dũng, người trông coi di tích đền Cẩu Nhi cho biết, sau khi được xây dựng lại, đền Cẩu Nhi (hay đền Thủy Trung Tiên) đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Trung bình mỗi tháng di tích này đón hơn 1.000 lượt du khách. Sau khi lễ Mẫu, du khách thập phương thường tìm hiểu, chiêm ngưỡng các bức tượng, phù điêu và tục thờ chó đá đặc sắc thông qua những người trông coi di tích tại đây.
Cùng với những giá trị lịch sử - văn hóa, tâm linh tồn tại qua nhiều thế kỷ, tín ngưỡng thờ chó đá đóng vai trò quan trọng nhất định trong đời sống tinh thần của người Hà Nội. Các di tích thờ chó đá được bảo tồn, phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại như đền thờ Cẩu Nhi luôn là điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn cho các tour tuyến tham quan, thu hút du khách đến với Thủ đô.