Đặc sắc hội làng Xuân Đỗ Hạ

HNMCT| 04/03/2022 17:43

Xuân Đỗ là một làng cổ nằm bên bờ Bắc sông Hồng, thuộc phường Cự Khối (quận Long Biên, Hà Nội). Làng có tên nôm là Đậu Hạ, xưa kia là đất bãi sông Hồng. Trải qua thời gian, sau những lần đắp đê chống lụt, Xuân Đỗ trở thành làng trong đê. Gờ sót của con đê tàn đoạn đường gom cầu Thanh Trì ngày nay là chứng tích của thời gian...

Đặc sắc hội làng Xuân Đỗ Hạ
Lễ hội làng Xuân Đỗ Hạ.

Ngôi đình đặc biệt

Trong quá trình phát triển làng xã, Xuân Đỗ được chia tách thành Xuân Đỗ Thượng, Xuân Đỗ Hạ. Làng Xuân Đỗ Hạ là làng gốc, hiện còn đình, chùa cổ kính. Tấm bia mang niên đại Vĩnh Tộ (triều vua Lê Thần Tông 1619 - 1628) hiện đặt cạnh giếng đình, như lời khẳng định đình đã được xây dựng ở đây ít nhất 400 năm.

Đình Xuân Đỗ Hạ nằm ở vị trí đầu làng, trên một khuôn viên thoáng rộng với giếng, nghi môn, kiến trúc chính theo kiểu “Tiền khẩu hậu đinh”. Hai bên của tòa chữ khẩu có tả - hữu hành lang nằm liền kề tạo thành một thể không gian thống nhất. Đây là lối kiến trúc riêng, không theo bố cục của các ngôi đình thông thường mà mang dáng dấp của một ngôi đền; trong đó có nhiều giá trị, biểu tượng được hội vào cả kiến trúc, đồ thờ và nhất là các mảng chạm khắc liên quan. 

Tại đình vẫn còn nhiều đồ thờ gồm bàn thờ, cây đèn bát hương, đỉnh, trầm, long đình, kiệu võng... nhưng đáng chú ý hơn cả về mặt niên đại và nghệ thuật là các cỗ ngai ở trong hậu cung. Giá trị nghệ thuật và giá trị biểu tượng đạt trình độ cao, mang niên đại đầu thế kỷ XVIII. Một thế kỷ sau, người dân nơi đây đã làm một bộ ngai mới để thờ hai vị thành hoàng làng, một bài vị có ghi: “Khỏa Ba Sơn linh ứng phù vận quảng trạch long ân hiển khánh huệ cảm nghĩa đoán đại vương” và “Lâu Ly vua tiên hoa dung trang thục công chúa”. 

Đặc sắc hội làng

Hội làng Xuân Đỗ Hạ diễn ra từ ngày mồng 9 đến ngày 12 tháng Hai lịch trăng. Từ Tết Nguyên đán đến trước ngày mồng 6 tháng Giêng, khi các phe giáp chưa họp bàn vào đám thì dân làng không được “động”, tức là không gây tiếng động lớn, không động thổ, không được xuống đồng cày cấy. Dân làng cho rằng, nếu gây động thì sẽ kinh động đến quỷ thần và làm mất mùa, gây bệnh dịch. 

Sáng mồng 8 tháng Hai, các phe giáp tổ chức bàn giao đồ thờ tự. Sau mỗi mùa lễ hội, vào ngày 12 tháng Hai, phe giáp nào được đăng cai có trách nhiệm bảo quản, trông coi đồ thờ trong một năm, đến năm sau bàn giao lại cho phe giáp tân đăng cai. Chiều ngày mồng 8 tháng Hai, dân làng tổ chức bao sái đồ thờ tự, làm lễ phong y, lễ vật có xôi thủ lợn. Theo các già làng, xưa kia ngày mồng 10 tháng Hai là Đản sinh Đức thánh Ông (Khỏa Ba Sơn) thì ngày mồng 8 tháng Hai vào đám chỉ có cúng xôi thủ lợn và ngày 15 tháng Tám giỗ Đức thánh Bà (Lâu Ly) thì cúng xôi gà. Nghi thức này xuất phát trong tâm thức của người dân Việt trồng lúa nước, là biểu trưng cầu sự sinh sôi phát triển.

Sáng sớm ngày mồng 9 tháng Hai, dân làng tổ chức lễ “nghênh thủy”, tức là rước nước cầu mùa. Trước khi rước nước, đoàn rước lễ thánh, sau đó tiến hành rước lên bến Bồ Đề (trước cửa đền Ghềnh). Đến bến Bồ Đề có thuyền chờ sẵn đưa ra giữa sông Hồng lấy nước. Trưởng đoàn lấy nước trịnh trọng thả vòng ngũ sắc xuống dòng sông, múc 3 gáo đầu làm phép, sau đó lần lượt đại diện phe giáp lấy đầy nước vào chóe. Vòng ngũ sắc không chỉ để ngăn rác bẩn vào nước mà còn là biểu trưng mong cầu sinh khí đem lại hạnh phúc cho dân làng. 

Áng chừng đoàn rước nước lên đến bến Bồ Đề, dân làng làm lễ thánh và tổ chức rước kiệu để nghênh thủy. Đoàn rước có đầy đủ cờ, biển, chấp kích, bát bửu, tàn, tán lọng, đoàn nghi lễ và dân làng để nghênh kiệu Ông, kiệu Bà. Vui nhất trong lễ rước là kiệu quay. Khởi xuất từ đình, trên đường rước, các kiệu cứ quay tròn rồi tiến, lùi, như thể các đức thành hoàng ngự giá vui cùng dân làng trong không khí khai xuân. Đoạn đường rước kiệu để nghênh thủy chính là con đường mang đại phúc cho dân làng, cho mùa màng bội thu. Đến giờ Ngọ, đoàn rước về đình. Tiếp đó, đại diện các phe giáp tổ chức lễ rước văn từ nhà ông soạn văn về đình, sau đó sẽ tiến hành tế thánh rồi dân làng thụ lộc tại đình. 

Trong hội làng Xuân Đỗ Hạ, đáng quan tâm có lễ rã đám vào ngày 12 tháng Hai để ngày hôm sau 13 tháng Hai làm lễ yên vị đóng cửa đình. Trong ngày rã đám, mỗi giáp cúng lễ một con lợn sống, để nguyên con, không cạo lông, lấy một ít tiết và một ít lông gáy bỏ vào bát để làm lễ tế mao huyết. Lợn được đặt trước ban thờ, bát mao huyết đặt trên ban thờ thánh và làm lễ tế. Tế xong, bát mao huyết được đem chôn ở miếu thổ thần gần đó. Đây là một tục hèm của cư dân nông nghiệp cổ. 

Trong điều kiện hiện nay, nhiều nghi thức đã được đơn giản hóa. Thời gian tổ chức hội làng Xuân Đỗ Hạ chỉ diễn ra trong 3 ngày (từ mồng 9 đến 11 tháng Hai lịch trăng) nhưng những nghi thức nông nghiệp vẫn còn trong ký ức. Thấp thoáng đâu đó là tiếng trống sấm gọi mưa, gọi mùa...

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Khát vọng người lính trẻ
    Tôi tìm gặp Nho bên bờ sông. Nho đang ngồi xếp bằng, cúi mặt, tay xé mấy cọng lục bình. Nho buồn rười rượi…
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư
    Kết luận số 80-KL/TƯ gần đây, Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ trọng tâm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài tinh thần “Hà Nội vì cả nước – Cả nước vì Hà Nội”, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã có các chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
  • Thường Tín: Tập trung thực hiện phương án chống bão YAGI
    Do ảnh hưởng của bão số 3, trong ngày 7/9 trên địa bàn huyện Thường Tín đã có mưa kèm theo gió giật mạnh. Từ chiều đến tối nay là thời điểm bão số 3 tác động mạnh nhất đến Hà Nội.
  • EVN khẳng định không cắt điện ở Hà Nội do bão số 3
    Trước tin đồn về ảnh hưởng bão số 3 đến tình hình cung cấp điện, EVN và các đơn vị thành viên khẳng định nội dung trên là tin thất thiệt. Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) cũng cho biết, EVN Hà Nội không có lịch cắt điện để phòng chống bão số 3. Chính vì vậy, những thông tin cho rằng EVN Hà Nội cắt điện toàn TP vào tối nay là thông tin thất thiệt.
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc hội làng Xuân Đỗ Hạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO