Cừu đen

Hanoimoi| 13/09/2022 08:26

“Tao khổ như thế này, mọi thứ tao làm đều thất bại là vì gánh nghiệp cho cái nhà này đấy mày biết không hả?".

Cừu đen
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Những lời nói lè nhè của người anh say xỉn ám ảnh Hiệp đã nhiều ngày nay. Hiệp trở dậy, ngồi một mình trong bóng tối buốt giá. Đôi mắt Hiệp khô cong, nó không còn thứ nước mằn mặn, cay cay để chảy ra nữa. Sau biến cố của cuộc đời, Hiệp đã khóc hết nước mắt rồi còn gì, những thứ còn sót lại lặn hết vào trong thành những vệt sẹo ngang dọc trong trái tim Hiệp. Bây giờ Hiệp không khóc, nhưng những tổn thương mới cũ sẽ khiến Hiệp phải dày vò đau đớn tâm can, một nỗi đau khổ vô hình tướng khiến nụ cười anh héo hắt, lòng dạ anh lúc nào cũng nặng như đeo chì.

Ngày hôm ấy, sau khi đưa anh trai cả vào trong căn nhà gỗ cũ kỹ, để được thân hình dặt dẹo lên cái giường gỗ ọp ẹp xong, Hiệp quay ra định đi thẳng về thì đứa cháu gái chạy tới níu tay chú lại. Nó mặc một bộ quần áo ngắn cũn cỡn, bẩn thỉu, gương mặt trẻ thơ non dại với ánh mắt van lơn. Hiệp quay lại nhìn nó. “Chú ở lại đây với con, con sợ lắm, chú đi rồi, bố sẽ lại đập phá đồ đạc, đánh đập ba chị em”. Mũi Hiệp xực lên mùi cay nồng khó chịu. Một ông bố vô trách nhiệm với vợ con lại còn tàn ác vũ phu, có nghĩa lý gì mà vẫn lên mặt dạy đời với Hiệp. À, cái lý đơn giản thôi, vì anh ta nhìn thấy mặt trời trước Hiệp.

Hiệp kéo ghế mây ngồi lại gần anh. Ba đứa trẻ sợ hãi kéo nhau ra phía sau nhà chơi, cười nói lích rích. Một hay nhiều tuổi thơ đã bị ma men phá hoại, Hiệp chợt nghĩ, lòng thoáng đau. Mùi ẩm thấp, mùi rêu mốc bốc lên đầy khó chịu, bức bối. Hiệp nhìn quanh, nhà chẳng còn thứ gì giá trị ngoài mấy bao ngô mới phơi, mấy cái nồi nhôm bám muội than đen xì nằm chỏng chơ ở góc nhà. Quần áo cũ mới vắt vội trên một cái sào tre cạnh giường. Trên phần vách gỗ dưới bàn thờ đơn sơ bằng mảnh gỗ có chằng dây thép là mấy tấm ảnh đã hoen ố, dù vậy qua sự quen thuộc Hiệp vẫn nhận ra những người ở trong hình. Một bức chụp anh trai Hiệp và chị dâu, một bức là mấy anh chị em nhà Hiệp khi còn thanh niên, một bức chụp đứa con gái lớn của anh trai Hiệp khi nó mới hai, ba tuổi, còn lại là bức tranh sơn dầu chân dung mẹ thì vẫn còn nguyên vẹn nét vẽ.

Mẹ đã từng đẹp như thế ấy, Hiệp nhủ thầm. Thời gian quả là có sức tàn phá khủng khiếp, nhất là với nhan sắc của một bà quả phụ phải lo lắng cho những năm đứa con. Mà trong năm đứa con ấy, chỉ có một đứa có cuộc sống trọn vẹn, sung sướng, còn bốn đứa đều khổ sở. Đứa không phải lo lắng tiền bạc thì khổ về tinh thần, đứa đủ vợ đủ chồng thì khổ vì thiếu thốn vật chất. Còn Hiệp thì khổ đủ đường. Anh trai Hiệp chép miệng như đồng tình với suy nghĩ của Hiệp. Mùi rượu phả ra tanh nồng. Hiệp quay ra nhìn anh. Chân tay khòng khoèo, tong teo, người gầy nhom, khuôn mặt xám xịt, hốc hác, mái tóc xanh đã lốm đốm những sợi bạc như tố cáo sự suy nhược của cơ thể vì rượu.

Có tiếng lạch cạch từ ngoài sân vọng vào. Một tiếng "bịch" rơi xuống ngay chái nhà. Chị dâu đi lấy củi đã về tới. Chị bỏ đôi ủng màu đen nặng những bùn đất ở ngoài sân, để nguyên bộ quần áo lao động tối màu có nhiều chỗ vá đi thẳng vào trong nhà gặp em chồng. Chị lấy nước mời Hiệp rồi tất tưởi ra vườn hái lá cây về giã lấy nước cho chồng uống giải rượu. Trông dáng vẻ tất bật và gương mặt cam chịu của chị, Hiệp thấy thương xót vô cùng, giá như Hương có được một nửa cái nết ấy của chị, có lẽ đời Hiệp đã bớt khổ.

Hiệp nói một câu thật to chào chị dâu rồi leo lên con xe “Min khờ" lao đi. Chiếc xe kêu lục khục như có đá bên trong, xuống đến cổng, Hiệp đạp vã mồ hôi nó mới kêu lên "pành pạch". Hiệp đi thật nhanh như trốn chạy, tiếng chị dâu với theo nghe câu được câu mất. Căn nhà của anh trai nhỏ dần, nhỏ dần rồi khuất sau mấy rặng dã quỳ đang mùa trổ hoa vàng hoe cả khoảng đồi. Hiệp chỉ còn nghe thấy tiếng gió và mùi hoa khen khét đắng quyện lên tóc lên mắt anh cay xè.

***

Thấy nhạt mồm, Hiệp đắp chăn lại cho thằng bé con rồi anh vén màn xỏ chân vào đôi dép, mở cửa đi ra. Bên ngoài trời tối đen tĩnh lặng. Hiệp châm điếu thuốc. Khói thuốc lá ngấm vào người khiến ký ức đắng cay lần lượt hiện lên. Trái tim anh thắt lại, run rẩy. Gương mặt tròn cùng nụ cười căng đầy sức sống của Hương lúc ẩn lúc hiện. Hương đã bỏ nhà đi hơn hai năm nay, từ chối mọi liên lạc với Hiệp. Hiệp từng điên cuồng đi tìm Hương khắp nơi, mặc kệ đêm, mặc kệ ngày, mặc mưa bão sấm chớp. Hiệp đưa con trai bốn tuổi đi cùng, chỉ tội nghiệp đứa con thơ dại vẫn hồn nhiên cười đùa mà không hiểu được sự tan vỡ đã khiến trái tim cha nó giằng xé khổ sở.

Người ta nói vụng với nhau, anh em trong cùng một gia đình, chắc chắn sẽ có một đứa là "cừu đen", gánh nghiệp cho cả nhà, không khuyết tật thì cuộc đời cũng bết bát, tàn tạ. Hiệp chả tin. Tương lai do mình nắm giữ cả, mình sống tốt cuộc đời cũng sẽ đối tốt với mình. Mình cứ sa ngã vào chỗ quỷ chỗ ma thì trách gì số phận đen rủi. Cuộc đời Hiệp ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, gió dập sóng vùi, Hiệp vẫn cố bơi cho được vào tới bờ. Hiệp chả sợ gì quỷ thần bói toán số phận, Hiệp chỉ sợ lòng người không ngay thẳng, chỉ sợ chính mình không vững chí bền gan.

Mười lăm tuổi đầu, Hiệp đã phải vào đời với hai bàn tay trắng, bắt đầu với công việc làm thuê làm mướn. Hiệp đi xin việc trong ánh mắt nghi ngờ dò xét của nhà chủ. Một đứa trai đang tuổi ăn tuổi học, hẳn là do ăn chơi ngỗ ngược không chịu học hành mới nên nỗi. Hiệp đi phụ quán ăn, sáng bưng bê, trưa rửa bát, chiều làm mấy việc lặt vặt như nhặt rau, ninh xương, tối lại phụ bán đồ nướng, cháo đêm với người chủ tới một, hai giờ sáng. Làm lụng luôn tay luôn chân mà cả tháng nhà chủ trả cho Hiệp được vài trăm nghìn. Người ta tìm mọi cách bóc lột sức "bẻ gãy sừng trâu" của đứa trẻ mới lớn là Hiệp khi ấy. Hiệp biết nhưng không nửa lời than vãn.

Làm được hai tháng, Hiệp phải bỏ việc vì kiệt sức. Anh lang thang ở thành phố, gặp được người tốt xin cho một chân phụ hàn xì, dần dần chịu khó cũng thành nghề. Trong một lần đi ăn uống cùng bạn bè, Hiệp quen Hương. Hương đã một lần lỡ dở nhưng Hiệp không để ý điều ấy. Đến với nhau cốt là ở tấm lòng thôi. Hiệp đưa Hương về ra mắt gia đình. Mặc mọi lời can ngăn khuyên bảo của mẹ và anh chị em trong nhà, Hiệp vẫn quyết định lấy Hương. Hiệp về nhà mở xưởng riêng, thời gian đầu thực sự khó khăn vất vả. Hiệp không rành kinh doanh, nhập hàng thì đắt mà lờ lãi không được là bao vì phải giảm giá để còn cạnh tranh với những xưởng cũ.

Rồi những ngày tháng khó khăn cũng dần qua, Hiệp hiền lành, khéo léo, làm gì cũng cẩn thận nên khách ngày một đông. Hai vợ chồng Hiệp mua được nhà, mở rộng xưởng, kinh tế dần khá giả. Tưởng rằng cuộc đời đối xử trọn vẹn với Hiệp. Ai ngờ đâu khi thằng bé con đầu lòng của Hiệp và Hương lên ba tuổi cũng là lúc việc ngoại tình của Hương với nhân viên của Hiệp bị bại lộ. Đau đớn, xấu hổ, nhục nhã với người thân, bạn bè, làng xóm, Hiệp vẫn ghìm lòng tha thứ cho Hương vì mong cho con mình lớn lên có đủ cha đủ mẹ.

Nào ngờ đâu Hương vẫn ngựa quen đường cũ, Hương mang hết vốn liếng vợ chồng tích cóp bấy lâu bỏ trốn cùng tình nhân trong một đêm tối trời như đêm nay. Hiệp suy sụp, Hiệp gục ngã như một con thú bị đâm hai lần vào cùng một vết thương, đau thấu tâm can. Những uất ức, tức giận cấu xé linh hồn Hiệp, anh gần như điên dại, đưa con đi khắp nơi lùng sục tìm người vợ phụ bạc cho bằng được. Đánh hơi thấy Hiệp đến là chúng chuồn lẹ. Hiệp vướng con nhỏ làm sao nhanh bằng chúng.

Hiệp về nhà sống trong nỗi khổ sở của một người túng bấn tiền bạc, danh dự. Công việc đình trệ, chủ nợ gọi điện đòi tiền ngày ngày, cuộc sống của Hiệp chìm đắm trong thứ men đời sầu khổ. Hiệp tưởng rằng Hiệp sẽ chết, chết trong nỗi tủi nhục, chết trong sự khổ sở cùng cực. Trong những tháng ngày đau khổ ấy, đứa con trai nhỏ như những tia nắng ấm áp níu kéo Hiệp đứng dậy.

***

Hiệp đã bắt đầu lại như thế đấy, từ con số âm để đi lên. Hiện tại cuộc sống của Hiệp đã ổn định, những nỗi đau chỉ còn âm ỉ chứ không nhức nhối, căng thẳng như những ngày đầu. Vợ chồng đến với nhau vì duyên số. Duyên hết nên buông. Hiệp nghĩ đơn giản như thế và bình thản chấp nhận. Anh trai Hiệp có của nả bố mẹ để lại, có công việc ăn lương ổn định, có một người vợ thảo hiền nhưng lại đi nghe lời bạn bè rủ rê mà sa đà vào cờ bạc. Con ma đỏ đen đã lấy hết mọi thứ của anh trai Hiệp, khiến anh ấy chán nản sinh ra rượu chè làm khổ vợ con.

Hiệp chẳng tin câu chuyện cừu đen người đời mang ra tự thỏa hiệp với lối sống sai trái. Nếu mọi thứ cứ bằng phẳng mãi con người sẽ không có ý chí vươn lên, không thể vượt qua mọi nỗi sợ hãi, gian khó để đi đến thành công. Hiệp thở dài nhìn vì sao mai lấp lánh trên nền trời xa thẳm. Bao nhiêu cái tủi cực mẹ đã nuốt vào trong để nuôi anh em Hiệp khôn lớn, lẽ nào vì hai chữ cừu đen mà hiềm khích với nhau. Hiệp phải làm sao để cứu anh ra khỏi vũng lầy? Phải làm sao để anh tự nhận thấy sai lầm để mà thoát ra? Phải làm sao đây, Hiệp ơi?!

(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Từ 1/1/2025, xe kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm
    Xe kinh doanh vận tải chở trẻ mầm non và học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, có biển báo dấu hiệu nhận biết đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Cừu đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO