“Cùng nhau nhân từ” và hồn thơ trẻ Khúc Hồng Thiện

Thanh Ứng| 09/08/2019 08:21

8 năm sau tập thơ đầu tiên “Chênh chao tích chèo” (Nxb Hội Nhà văn 2010), Khúc Hồng Thiện tiếp tục ra mắt bạn đọc tập thơ “Cùng nhau nhân từ” (Nxb Văn học, 2018). Tập thơ cho thấy sự phát triển đáng mừng của một cây bút trẻ.

“Cùng nhau nhân từ” và hồn thơ trẻ Khúc Hồng Thiện

Cũng như nhiều nhà thơ trẻ khác, Khúc Hồng Thiện làm thơ trên bàn phím. “Hết pin” trở thành một “sự cố” trong sáng tác: “hết pin là hoảng hốt/ đang viết cũng dừng lại/ đang in cũng phải dừng/ thậm chí đang nghĩ cũng chẳng nghĩ được nữa” (Hết pin). Anh cũng đưa vào thơ cả những thao tác trên máy tính “Chưa chắc cứ nhanh là ẩu đoảng/ cứ vo tròn bóp bẹp là lạ là hay/ cứ delete là sạch sanh kí ức” (Gác). Ở một số bài, tư duy mới trong thơ của anh rất trẻ trung, hiện đại trong cách đặt tên bài thơ: “Bài thô”, “Đường”, “Diễn đạt lại”, “Ghi chú mới”… và cả trong diễn đạt như những câu nói thường ngày: “Nhập ghi chú/ lưu/ hình nền vẽ, viết tay, thư viện/ bao lựa chọn: chấm - chạm - vuốt - ấn/ chẳng để ra một kết quả gì” (Ghi chú mới), “Kể nhé/ sẽ rất lằng nhằng đấy/ sẽ rất vô lý nữa” (Kể đi), có khi là những khái niệm: “… ô hay/ đâu phải cứ đồng dạng/ cứ tròn trịa sạch sẽ không tỳ vết/ là đẹp/ thô có vẻ đẹp nguyên khôi” (Bài thô)… 

Những dòng thơ như thế có thể giúp thơ anh hòa đồng với những sáng tác của các nhà thơ trẻ - những người thừa hưởng những thành tựu của công nghệ và tâm thế của thời đại, mạnh dạn đi sâu khai thác những rung cảm trực giác tác động đến bản thể, có khi bỏ qua những xúc cảm và đưa đến người đọc những ý niệm bằng sự thô ráp của ngôn từ. Tuy nhiên, trong “Cùng nhau nhân từ”, Khúc Hồng Thiện không sa vào xu hướng đó. Anh không dừng lại ở những cảm xúc giản đơn, thiên về lý trí mà đã tìm tòi, mạnh dạn khai mở những vỉa mạch trầm sâu trong tâm hồn của chính bản thân mình. Trong anh, chính là sự kết tinh hài hòa phẩm chất đẹp đẽ, lành mạnh của con người thời cuộc và ý thức sâu sắc về cá nhân nên việc khai thác bản thể sẽ đem đến cho người đọc những điều thú vị, bổ ích. 

Trong tập thơ này, lục bát vẫn là những điểm mạnh của Khúc Hồng Thiện. Đó là thể thơ giúp anh trở về với hồn dân tộc, gần gũi với đông đảo bạn đọc và dễ được cảm thông, chia sẻ. Trong “Bâng khuâng thành cổ”, những dòng lục bát của anh cứ tự nhiên, dung dị nhưng đọc lên thấy tim mình nhói đau như ai chạm đến những vết thương lòng mỗi người: “Màu vôi xương trắng ngày xưa/ đến đây vẫn buốt như vừa mới thôi”, “Bâng khuâng thành cổ còn hằn/ lên bao dấu hỏi nhọc nhằn/ Mai đây” (Bâng khuâng thành cổ). Người đọc cũng không thể dửng dưng với những điều nhà thơ cảm nhận và suy ngẫm, nó tạo được những ám ảnh lớn trong tâm hồn con người. 

“Cùng nhau nhân từ” có 55 bài thì đến 25 bài là lục bát. Lục bát của Khúc Hồng Thiện trôi chảy, chân mộc. Những dòng vào bài của anh tưởng là vô thưởng, vô phạt nhưng càng đọc thì ý tứ, tư tưởng thơ dần dần lộ ra có khi bất ngờ. Anh viết về dòng sông nhưng chính là bàn về môi trường một vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhiều bài thơ của anh ẩn chứa những cảm xúc trữ tình - công dân của một con người sống có trách nhiệm  như: “Mưa rửa đền”, “À ơi, câu hát”, “Chiều rồi, Nho Quế”, “Thủy”…

 Một ghi nhận nữa ở thơ của nhà thơ trẻ này là vẫn giữ được những cảm xúc truyền thống của con người Việt Nam. Đó là tình yêu thương những người gần gũi, gắn bó với mình trong cuộc sống gia đình và quan hệ quê hương làng xóm. Trong thơ anh những “ổ rơm”, lời ru “à ơi”, “cái cò”, “đòng đong, cân cấn”… biểu tượng của hồn quê vẫn được nâng niu, gìn giữ. Những câu thơ anh viết về mẹ thật nặng tình. Người mẹ trong thơ anh thường gắn bó với những kỉ niệm của một thời cháo rau, nghèo khó ở một vùng quê lam lũ: “Nao nao nhớ mẹ lùa rơm/ Cho sôi bát cháo miếng cơm vội vàng/ Mã đề rau má một thang/ Thức quê mộc mạc con mang bên lòng” (Nao nao nhớ mẹ) và sâu xa hơn là sự tri ân sâu sắc: “Mẹ ta đầu đội nón mê/ mà che mát cả bốn bề nước non/ đồng quang mẹ dẫu chẳng còn/ vẫn nguyên lời dặn cháu con nhân từ” (Mẹ ta). 

Truyền thống nhân văn từ lòng kính thương mẹ đến tình yêu nam nữ, thương quý bạn bè, anh em… trở thành tình cảm chủ đạo trong tập thơ, nó giúp cho thơ Khúc Hồng Thiện có được sự cộng hưởng chia sẻ của số đông độc giả và khẳng định hướng đi đúng đắn của một nhà thơ trẻ. 

Ở tập này, anh sử dụng nhiều thể thơ để chuyển tải cảm xúc và triển khai thi tứ. Đó là sự phát triển đáng mừng của một cây bút trẻ. Thơ lục bát của anh có thể không phải bàn thêm nhưng những bài thuộc thể thơ tự do thì có bài chưa thật nhuyễn, tư tưởng, chất thơ thì chưa đậm. Thơ tứ tuyệt cũng chưa thật dụng công để có hiệu quả thỏa đáng trong cảm nhận của người đọc. Tất nhiên, những điều bàn thêm về một tập thơ, về một tác giả, nhất là một tác giả trẻ như trên cũng là điều dễ hiểu và người đọc tin, chờ đợi ở những tập thơ tiếp sau của Khúc Hồng Thiện bởi anh có phẩm chất cơ bản của một nhà thơ: đam mê, chân thành và liên tục sáng tạo.
(0) Bình luận
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Cùng nhau nhân từ” và hồn thơ trẻ Khúc Hồng Thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO