Văn học - Nghệ thuật

Cùng cất lên “Bản hòa âm đất nước”

Ngô Thanh Huyền 05:15 25/02/2024

Những thi phẩm nổi tiếng, ca khúc phổ nhạc từ thơ của các nhà thơ dân tộc đến từ 3 miền Bắc Trung Nam đã được thể hiện trên sân khấu Đêm thơ Nguyên tiêu diễn ra tối ngày 24/2. Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam 2024 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long đã mang đến cho công chúng yêu văn chương, nghệ thuật một “bản hòa âm đất nước” đầy thi vị và ấn tượng.

Đến tham dự Đêm thơ Nguyên tiêu có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng đông đảo các văn nghệ sĩ trên khắp mọi miền đất nước.

tang-hoa.jpg
Đại diện cho các nhà thơ dân tộc đến tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, nhà thơ Kiều Maily - người dân tộc Chăm đã gửi đến đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương bó hoa tươi thắm.

Phát biểu khai mạc đêm thơ, thay mặt Ban tổ chức, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, dân tộc Việt Nam đã làm nên một nền văn hóa lâu đời và kỳ vĩ và thơ ca chính là một trong những vẻ đẹp huyền diệu góp phần làm nên nền văn hóa ấy. Trong đêm thơ Rằm tháng Giêng này, các nhà thơ đại diện cho 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S – đã mang đến bản tuyên ngôn về cái đẹp và tự do của mỗi cá nhân, của mỗi dân tộc.

“Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Các nhà thơ hãy cùng nhau cất lên “Bản hòa âm đất nước”. Những người yêu thơ ca hãy bước đến để đón nhận, hưởng thụ bằng vòng tay, trái tim và lương tri của mình vẻ đẹp của dân tộc mà một trong những vẻ đẹp đó là thi ca của dân tộc Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

anh-2.jpg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại đêm thơ.

Trong suốt hơn 2h diễn ra chương trình, các nghệ sĩ, nhà thơ đã đưa công chúng đến với không gian của thi ca trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc, từ vùng núi, đồng bằng các dân tộc phía Bắc đến miền Trung bộ, Nam Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Mỗi vùng miền thi ca mang một âm hưởng riêng, bản sắc riêng…

Là một người lính, Thượng tá. TS Nguyễn Minh Cường - giảng viên Trường Sĩ quan Chính trị đã thể hiện bài thơ “Người Tân Trào” của nhà thơ Nông Quốc Chấn. Trong những tác giả thi ca hiện đại của khu vực miền núi phía Bắc, nhà thơ Nông Quốc Chấn là một trường hợp đặc biệt. Ông là người Tày, sinh tại Cao Bằng và được coi là người dân tộc đầu tiên mang hơi thở của núi rừng Tây Bắc vào trong thơ. Khoác trên mình áo lính, đồng chí Nguyễn Minh Cường chia sẻ mình không khỏi xúc động và tự hào khi đọc bài thơ “Người Tân Trào” trong đêm Nguyên tiêu.

doc-tho.jpg
Thượng tá. TS Nguyễn Minh Cường - giảng viên Trường Sĩ quan Chính trị đã thể hiện bài thơ “Người Tân Trào” của nhà thơ Nông Quốc Chấn.

“Ngày thơ Việt Nam năm nay tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà thơ, cây viết trẻ như chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu với những “cây đa, cây đề” của thơ ca. Điều này khiến chúng tôi rất tự hào nhưng cũng đặt ra cho mình những yêu cầu trong sáng tác thi ca, làm sao để có được những nét mới, nét đặc sắc, sự riêng biệt đồng thời hòa vào dòng chảy chung của thời đại. Là người viết trẻ, khoác trên mình áo lính, lại càng thôi thúc tôi sáng tác, mang hết vẻ đẹp của núi sông, của con người vào trong thi ca”, đồng chí Nguyễn Minh Cường bộc bạch.

Trong không gian linh thiêng của Hoàng thành Thăng Long kèm chút mưa bay lất phất, nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người dân tộc Pa Dí đã xua tan đi cái rét mướt của tiết trời xuân bằng giọng thơ hào sảng, đầy tự hào viết về “Con trai người Pa Dí”. Pa Dí chính là một nhánh địa phương dân tộc Tày, có khoảng 2000 người sinh sống. Tác giả của bài thơ là cử nhân văn chương đầu tiên của cộng đồng dân tộc Pa Dí. Ông đã viết những câu thơ rất đặc trưng của dân tộc mình.

Dân tôi chỉ có hai ngàn người

Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng

Muốn hiểu mình qua bao chịu đựng

Thì cây ơi! Ta sẽ hát đời mình…

Đáng chú ý, trong không gian đêm thơ, công chúng còn có cơ hội thưởng thức thơ của tác giả quốc tế. Tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, có 10 nhà thơ thuộc Hiệp hội các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc vừa mới đến Hà Nội cách đây 2 ngày. Nhà thơ Jeon - Min, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc đã sáng tác bài thơ “Có một vịnh Hà Long trong lòng Hà Nội”. Ông chia sẻ mình rất yêu con người và phong cảnh Việt Nam, vì thế nên những cảnh đẹp nơi đây đã trở thành chất liệu quý báu để ông sáng tác.

Nhà thơ Bành Thế Đoàn, hiện là Tham tán văn hóa, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam bắt đầu sáng tác vào những năm 90 của thế kỷ trước. Ông đã xuất bản 3 tập thơ, trong đó có 2 tập thơ song ngữ Việt - Hoa là “Hà Nội vắng em 1” “Hà Nội vắng em 2”. Trong đêm thơ, nhà thơ Bành Thế Đoàn đã đọc bài thơ “Chuyến đi Việt Bắc” rút từ tập thơ song ngữ “Hà Nội vắng em 2”, đồng thời bày tỏ cảm xúc của mình trong chuyến đi, sự ngưỡng mộ trước vẻ đẹp hoang sơ của dòng sông Mã, núi Mường Hung…

anh-3.jpg
Đêm thơ Nguyên tiêu 2024 đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng công chúng.

Bên cạnh giọng thơ hào hùng, kỳ vĩ của người dân miền núi phía Bắc, những trang sử thi hào hùng của người Mường trong “Đẻ đất đẻ nước” được trình bày qua giọng đọc nhà thơ Nguyễn Quang Hưng kéo công chúng trở về với khúc ca “khai thiên lập địa” của ông cha ta, thể hiện những phong tục tập quán sâu sắc và đầy đủ của người Mường được tái hiện qua trí tưởng tượng trong trẻo, hồn nhiên, khoáng đạt đến kỳ lạ của con người.

Những câu thơ trong bài thơ “Nhắn người phương ấy ghé chơi” đã được nhà thơ Thái Hồng thể hiện với chất giọng ngọt ngào của cô gái miền Tây. Nhà thơ là người dân tộc Hoa, đến từ Vĩnh Long, mọi người nhận xét rằng thơ Thái Hồng không ồn ào mà đẫm đầy chất lãng mạn, chở đầy cảm xúc và có sức gợi lớn. Những giọng thơ Nam bộ và Tây Nguyên như Thái Hồng, Thạch Đờ Ni càng làm cho đêm thơ trở nên đa dạng và đầy sắc màu.

Điều đặc biệt trong đêm thơ là có sự đóng góp đầy bất ngờ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ với bài thơ “Tổ quốc”. “Nếu có thể đo xương máu tiền nhân/ Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được/ Bao người mẹ, người vợ, người em - nước mắt/Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng”.

Khép lại đêm thơ, nhiều bạn trẻ yêu văn chương nói chung và thi ca nói riêng bày tỏ sự xúc động khi được gặp gỡ, giao lưu với những nhà thơ, nhà văn mà trước đây họ chỉ mới được nghe tên qua sách vở. Giang Ngô - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Bản thân em là một người yêu thích văn chương nên khi biết thông tin Đêm thơ, em đã rất háo hức và chờ đợi để đến đây gặp gỡ và lắng nghe những tác phẩm thơ ca nổi tiếng”./.

Bài liên quan
  • Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ
    Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, sáng ngày 24/2 đã diễn ra tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ”. Tọa đàm đã mang đến nhiều góc nhìn mới lạ về mối liên hệ giữa bản lĩnh, bản sắc với những người sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo thi ca nói riêng.
(0) Bình luận
  • Công bố top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025
    Ngày 15/5, Báo Thể thao và Văn hóa công bố 10 tác phẩm xuất sắc vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 6 năm 2025.
  • PGS. TS Vũ Nho: “Người Hà Nội có vai trò rất lớn trong xây dựng đời sống văn hóa của Thủ đô”
    Gắn bó, đồng hành với “Người Hà Nội” từ lúc báo mới ra đời cách đây 40 năm, PGS.TS Vũ Nho đã có rất nhiều bài viết cộng tác với báo/tạp chí Người Hà Nội. Ông cảm ơn Người Hà Nội đã làm cầu nối đưa những trang viết của ông đến với bạn đọc, và hơn cả PGS.TS Vũ Nho đánh giá: “Người Hà Nội xứng đáng là kho giá trị văn hóa tinh thần không chỉ cho người Hà Nội, mà cho tất cả những ai yêu mến Hà Nội, muốn quan tâm hiểu biết Hà Nội”.
  • Đường vào chiến dịch mùa xuân năm 1975
    Những trang nhật ký chiến trường luôn mang trong mình hơi thở của lịch sử, là chứng nhân sống động về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Chiến sĩ Bùi Quang Thuận - người lính thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 186, Sư đoàn 312 đã ghi lại hành trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng những dòng nhật ký chân thực và xúc động.
  • 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển cùng đất nước
    Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy nền VHNT nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền VHNT “yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc”; đồng thời, cùng sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, VHNT đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước...
  • Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam khai mạc trại sáng tác tại Hà Nam
    Trại sáng tác diễn ra từ ngày 11 - 17/4, với sự tham gia của 26 tác giả trong lĩnh vực văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng gồm: Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam và tác giả thuộc hội chuyên ngành Trung ương.
  • Phát hành cuốn sách “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản hùng ca chiến thắng thời đại Hồ Chí Minh”
    Thông tin từ NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đơn vị vừa phát hành cuốn sách “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản hùng ca chiến thắng thời đại Hồ Chí Minh”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của nghệ thuật tạo hình
    Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”, khai mạc sáng 16/5 tại Hà Nội. Với 60 tác phẩm chọn lọc từ bộ sưu tập của Bảo tàng, triển lãm là dịp để công chúng trong và ngoài nước chiêm ngưỡng những hình tượng nghệ thuật đặc sắc về lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.
  • Xuất bản sách "Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo"
    “Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo” là nhan đề cuốn sách được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).
  • Tiếp tục phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Kỷ nguyên mới của dân tộc (Bài 1)
    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn đời cho tự do, độc lập của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
  • Hà Nội: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả” trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
    Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố năm 2025. Trong đó, Thành phố thể hiện 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”, để quá trình thực hiện đảm bảo đoàn kết, thống nhất, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân.
  • Hà Nội triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người
    UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 14/5/2025 về Triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Cùng cất lên “Bản hòa âm đất nước”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO