Cùng cất lên “Bản hòa âm đất nước”
Những thi phẩm nổi tiếng, ca khúc phổ nhạc từ thơ của các nhà thơ dân tộc đến từ 3 miền Bắc Trung Nam đã được thể hiện trên sân khấu Đêm thơ Nguyên tiêu diễn ra tối ngày 24/2. Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam 2024 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long đã mang đến cho công chúng yêu văn chương, nghệ thuật một “bản hòa âm đất nước” đầy thi vị và ấn tượng.
Đến tham dự Đêm thơ Nguyên tiêu có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng đông đảo các văn nghệ sĩ trên khắp mọi miền đất nước.
Phát biểu khai mạc đêm thơ, thay mặt Ban tổ chức, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, dân tộc Việt Nam đã làm nên một nền văn hóa lâu đời và kỳ vĩ và thơ ca chính là một trong những vẻ đẹp huyền diệu góp phần làm nên nền văn hóa ấy. Trong đêm thơ Rằm tháng Giêng này, các nhà thơ đại diện cho 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S – đã mang đến bản tuyên ngôn về cái đẹp và tự do của mỗi cá nhân, của mỗi dân tộc.
“Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Các nhà thơ hãy cùng nhau cất lên “Bản hòa âm đất nước”. Những người yêu thơ ca hãy bước đến để đón nhận, hưởng thụ bằng vòng tay, trái tim và lương tri của mình vẻ đẹp của dân tộc mà một trong những vẻ đẹp đó là thi ca của dân tộc Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Trong suốt hơn 2h diễn ra chương trình, các nghệ sĩ, nhà thơ đã đưa công chúng đến với không gian của thi ca trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc, từ vùng núi, đồng bằng các dân tộc phía Bắc đến miền Trung bộ, Nam Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Mỗi vùng miền thi ca mang một âm hưởng riêng, bản sắc riêng…
Là một người lính, Thượng tá. TS Nguyễn Minh Cường - giảng viên Trường Sĩ quan Chính trị đã thể hiện bài thơ “Người Tân Trào” của nhà thơ Nông Quốc Chấn. Trong những tác giả thi ca hiện đại của khu vực miền núi phía Bắc, nhà thơ Nông Quốc Chấn là một trường hợp đặc biệt. Ông là người Tày, sinh tại Cao Bằng và được coi là người dân tộc đầu tiên mang hơi thở của núi rừng Tây Bắc vào trong thơ. Khoác trên mình áo lính, đồng chí Nguyễn Minh Cường chia sẻ mình không khỏi xúc động và tự hào khi đọc bài thơ “Người Tân Trào” trong đêm Nguyên tiêu.
“Ngày thơ Việt Nam năm nay tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà thơ, cây viết trẻ như chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu với những “cây đa, cây đề” của thơ ca. Điều này khiến chúng tôi rất tự hào nhưng cũng đặt ra cho mình những yêu cầu trong sáng tác thi ca, làm sao để có được những nét mới, nét đặc sắc, sự riêng biệt đồng thời hòa vào dòng chảy chung của thời đại. Là người viết trẻ, khoác trên mình áo lính, lại càng thôi thúc tôi sáng tác, mang hết vẻ đẹp của núi sông, của con người vào trong thi ca”, đồng chí Nguyễn Minh Cường bộc bạch.
Trong không gian linh thiêng của Hoàng thành Thăng Long kèm chút mưa bay lất phất, nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người dân tộc Pa Dí đã xua tan đi cái rét mướt của tiết trời xuân bằng giọng thơ hào sảng, đầy tự hào viết về “Con trai người Pa Dí”. Pa Dí chính là một nhánh địa phương dân tộc Tày, có khoảng 2000 người sinh sống. Tác giả của bài thơ là cử nhân văn chương đầu tiên của cộng đồng dân tộc Pa Dí. Ông đã viết những câu thơ rất đặc trưng của dân tộc mình.
Dân tôi chỉ có hai ngàn người
Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng
Muốn hiểu mình qua bao chịu đựng
Thì cây ơi! Ta sẽ hát đời mình…
Đáng chú ý, trong không gian đêm thơ, công chúng còn có cơ hội thưởng thức thơ của tác giả quốc tế. Tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, có 10 nhà thơ thuộc Hiệp hội các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc vừa mới đến Hà Nội cách đây 2 ngày. Nhà thơ Jeon - Min, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc đã sáng tác bài thơ “Có một vịnh Hà Long trong lòng Hà Nội”. Ông chia sẻ mình rất yêu con người và phong cảnh Việt Nam, vì thế nên những cảnh đẹp nơi đây đã trở thành chất liệu quý báu để ông sáng tác.
Nhà thơ Bành Thế Đoàn, hiện là Tham tán văn hóa, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam bắt đầu sáng tác vào những năm 90 của thế kỷ trước. Ông đã xuất bản 3 tập thơ, trong đó có 2 tập thơ song ngữ Việt - Hoa là “Hà Nội vắng em 1” và “Hà Nội vắng em 2”. Trong đêm thơ, nhà thơ Bành Thế Đoàn đã đọc bài thơ “Chuyến đi Việt Bắc” rút từ tập thơ song ngữ “Hà Nội vắng em 2”, đồng thời bày tỏ cảm xúc của mình trong chuyến đi, sự ngưỡng mộ trước vẻ đẹp hoang sơ của dòng sông Mã, núi Mường Hung…
Bên cạnh giọng thơ hào hùng, kỳ vĩ của người dân miền núi phía Bắc, những trang sử thi hào hùng của người Mường trong “Đẻ đất đẻ nước” được trình bày qua giọng đọc nhà thơ Nguyễn Quang Hưng kéo công chúng trở về với khúc ca “khai thiên lập địa” của ông cha ta, thể hiện những phong tục tập quán sâu sắc và đầy đủ của người Mường được tái hiện qua trí tưởng tượng trong trẻo, hồn nhiên, khoáng đạt đến kỳ lạ của con người.
Những câu thơ trong bài thơ “Nhắn người phương ấy ghé chơi” đã được nhà thơ Thái Hồng thể hiện với chất giọng ngọt ngào của cô gái miền Tây. Nhà thơ là người dân tộc Hoa, đến từ Vĩnh Long, mọi người nhận xét rằng thơ Thái Hồng không ồn ào mà đẫm đầy chất lãng mạn, chở đầy cảm xúc và có sức gợi lớn. Những giọng thơ Nam bộ và Tây Nguyên như Thái Hồng, Thạch Đờ Ni càng làm cho đêm thơ trở nên đa dạng và đầy sắc màu.
Điều đặc biệt trong đêm thơ là có sự đóng góp đầy bất ngờ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ với bài thơ “Tổ quốc”. “Nếu có thể đo xương máu tiền nhân/ Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được/ Bao người mẹ, người vợ, người em - nước mắt/Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng”.
Khép lại đêm thơ, nhiều bạn trẻ yêu văn chương nói chung và thi ca nói riêng bày tỏ sự xúc động khi được gặp gỡ, giao lưu với những nhà thơ, nhà văn mà trước đây họ chỉ mới được nghe tên qua sách vở. Giang Ngô - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Bản thân em là một người yêu thích văn chương nên khi biết thông tin Đêm thơ, em đã rất háo hức và chờ đợi để đến đây gặp gỡ và lắng nghe những tác phẩm thơ ca nổi tiếng”./.