Đều mang ý nghĩa cao sang, quý phái, không đánh đồng với hàng hóa, do đó, khó đưa ra khái niệm “mua bán, đặt hàng” với các sản phẩm đó, lại càng không thể coi việc sáng tạo ra nó trở thành một ngành “công nghiệp”. Và sản phẩm ra đời từ tài năng sáng tạo theo phương thức này chỉ mang tính đơn chiếc, là sản phẩm độc nhất không lặp lại ở bất cứ đâu, vì thế, nó mang theo thuộc tính là sản phẩm “thủ công”, cá thể.
Tuy nhiên, nhu cầu của xã hội hiện đại, bắt đầu từ nền văn minh phương Tây lại muốn nhân bản các sản phẩm đơn chiếc và cá thể đó, để có các sản phẩm hàng loạt, chất lượng cao, có tính năng ổn định, nhằm phục vụ được số đông người tiêu dùng, và thu được lợi nhuận. Giải bài toán đó tức là đã chuyển hóa một sản phẩm thủ công, một sản phẩm đơn chiếc thành công nghệ sản xuất hàng loạt, có giá thành rẻ hơn và đến được số đông người tiêu dùng. Một tác phẩm được nhân bản như vậy, trở thành bản sao của bản chính, có thể không quý bằng bản chính (như một bức tranh được sao chép lại, một mẫu thêu tay được thêu lại, một bản thảo viết tay được chụp lại…), nhưng nó sẽ vẫn giữ nguyên được giá trị sử dụng nếu là một quyển sách được in làm nhiều bản, một tấm ảnh hoặc một cuốn phim được nhân bản bằng công nghệ hiện đại, một mẫu thiết kế in lại bằng máy móc tinh xảo, chẳng hạn máy in 3D… Những ví dụ đó cho ta hình dung ra ý niệm sơ khai về việc biến một sản phẩm sáng tạo cá thể trở thành hàng hóa mang tính công nghiệp.
Từ quan niệm đó, ta hãy mở rộng thành một quy trình, là từ một ý tưởng sáng tạo được nhân ra các công đoạn hợp lý, sắp xếp thành một mô hình sản xuất, từ mẫu mã đơn lẻ sản xuất thành thương phẩm hàng loạt, được tổ chức phân phối, theo mạng lưới thương trường tới tay người tiêu dùng. Vậy là đã hình thành một vòng khép kín của quy trình công nghiệp sản xuất và tiêu thụ, dù đó là giá trị vật thể hay phi vật thể, theo mô hình kinh tế thị trường.
Thuật ngữ Công nghiệp văn hóa xuất hiện ở nước ta chưa lâu, dù nó đã được biết đến từ lâu ở các nước đã trải nghiệm nền kinh tế thị trường mạnh mẽ, có tiềm năng thu hút sức sáng tạo, đưa vào guồng quay của quy trình sản xuất, phân phối, có sự vận hành thuần thục các dịch vụ văn hóa trong phạm vi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng một hành lang pháp lý chặt chẽ. Từ khái niệm Công nghiệp văn hóa (Cultural industries), mở rộng hơn là khái niệm về Công nghiệp sáng tạo (Creative industries), được hình thành từ nửa cuối thế kỷ XX, trước tiên ở các nước tư bản phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… rồi xuất hiện và mở rộng sang châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore…tới châu Úc với những trung tâm đô thị lớn như ở Queensland, Sydney (Australia) rồi sang New Zealand, lan tỏa tới châu Mỹ La tinh (Brazil, Columbia, Argentina), châu Phi (Ai Cập, Angiêri, Nam Phi)…
Hệ thống sản xuất các ngành công nghiệp sáng tạo (Creative Industries Production System - viết tắt là CIPS) chính là một tiến trình có hệ thống, đi từ ý tưởng sáng tạo tới quy trình sản xuất, tiếp đó là quy trình phân phối đến tay đối tượng tiêu dùng. Tiến trình này thường bắt nguồn từ năng lực trí tuệ và cảm quan sáng tạo cá nhân; tiến tới quy mô tổ chức công nghiệp, tạo ra của cải và việc làm cho một tập thể; rồi phát triển lên thành quá trình khai thác có hệ thống xã hội. Như vậy, trên tổng thể, hệ thống sản xuất này có đặc thù về cơ bản nằm trong nền kinh tế tri thức, thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập và toàn cầu hóa.
Bộ Văn hóa Vương quốc Anh đã đề xuất định nghĩa về Công nghiệp sáng tạo (vào năm 2001) như sau: “Công nghiệp sáng tạo là các ngành kinh tế dựa trên công sức sáng tạo, kỹ năng và tài năng của cá nhân với tiềm năng có thể tạo ra của cải và việc làm, thông qua việc khai thác các cơ chế về sở hữu trí tuệ”.
Nhìn tổng thể, các ngành Công nghiệp sáng tạo có thể chia làm 12 lĩnh vực: Thiết kế mỹ thuật công nghiệp (Design), Thiết kế thời trang (Mode design), Nghệ thuật với các nghề thủ công mỹ nghệ (Arts and Handicrafts), Nghệ thuật nghe - nhìn (Audio - video arts), Nghệ thuật thị giác (Visual arts), Xuất bản (Publishing), Âm nhạc (Music), Nghệ thuật trình diễn (Entertainment), Kiến trúc (Architecture), Phát thanh và truyền hình (Radio & Television), Thiết kế phần mềm (Software) và trò chơi kỹ thuật số (Videogame), Quảng cáo (Marketing).
Hệ thống này được triển khai ở nhiều nước, và các lĩnh vực Công nghiệp sáng tạo cũng mở rộng không ngừng. Ví dụ, ở nước ta có thể thêm các ngành sau:
Du lịch văn hóa: Nước ta có nhiều danh thắng để tổ chức du lịch văn hóa - lịch sử. Hà Nội cũng có gần 6000 di tích, 1800 di sản văn hóa phi vật thể, gần 1350 làng nghề truyền thống, thú vị, hấp dẫn, nên công nghiệp du lịch rất có tiềm năng.
Văn hóa ẩm thực của Việt Nam phong phú, độc đáo, thu hút du khách, và đang có khả năng trở thành một trung tâm ẩm thực có thứ hạng cao trên thế giới.
Đông y và nam dược đã có truyền thống lâu đời, giàu uy tín, rất dễ thu hút khách trong nước và nước ngoài tìm hiểu, đến chữa trị và mua sản phẩm.
Sinh vật cảnh, cây cảnh, nghệ thuật non bộ, bày, tỉa, cắm hoa (bonsai và ikebana) cùng với nghệ thuật làm hoa giấy, hoa lụa: Là một hoạt động hấp dẫn và thú chơi tao nhã, ngày càng được nhiều người ưa thích, quan tâm.
Chúng ta còn có thể lưu ý khai thác sâu thêm các khía cạnh chuyên biệt và độc đáo trong các lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới), hoặc đi sâu vào các sản phẩm sáng tạo của một số làng nghề nổi tiếng (tơ lụa, gốm sứ, mây tre đan…), một số lĩnh vực độc đáo khác trong nghệ thuật dân gian (như chèo, múa rối nước, hầu đồng, nghệ thuật cồng chiêng…), để quay thành phim, viết sách giới thiệu có hệ thống (có đĩa hình minh họa), tổ chức trình diễn, trưng bày mẫu, quảng bá ra quốc tế và kích thích du lịch.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Thủ đô Hà Nội đặc biệt quan tâm đến Công nghiệp văn hóa, đã mở nhiều hội thảo, hội nghị về lĩnh vực này. Lãnh đạo thành phố cũng tỏ rõ quyết tâm khi đặt ra mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo ở tầm vóc châu Á, và Công nghiệp văn hóa cũng phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, có thể đóng góp đến 8% GRDP của Thành phố (vào năm 2030) và 10% GRDP Thành phố (đến năm 2045). Đặc biệt, Hà Nội cũng là Thành phố đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết riêng của Thành ủy về phát triển Công nghiệp văn hóa: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022.
Yêu cầu và mục đích đề ra thì quan trọng và bức thiết như vậy, nhưng tới nay, chúng ta vẫn nhìn thấy rõ còn tồn tại khá nhiều thách thức yêu cầu cần phải có những giải pháp cấp thiết.
Thách thức thứ nhất là hệ thống quản lý (đối với 12 lĩnh vực của Công nghiệp văn hóa - sáng tạo như đã nêu trên) vẫn còn tản mát ở các ngành, các Bộ hoặc các Sở khác nhau. Đi vào hoạt động, do các cơ quan quản lý chưa có mối liên hệ hữu cơ cần thiết, nên công việc có khi bị buông lỏng, có khi lại chồng chéo nhau và chưa đủ sức bật cần thiết cho yêu cầu mới. Các cơ chế đi kèm đòi hỏi phải chấp nhận những thay đổi quyết liệt, kịp thời, mang tính năng động cao, bắt nhịp được với cách làm phù hợp. Trong một số cuộc hội thảo khoa học, đã có ý kiến đề nghị thành phố nên tạm thành lập một Ban chuyên trách về các lĩnh vực công nghiệp văn hóa hoặc rộng hơn, là công nghiệp sáng tạo (tương tự như dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Thành phố đã thành lập riêng Ban chuyên trách về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tồn tại khoảng 3 - 4 năm trước và sau Đại lễ).
Thách thức thứ hai là tài chính và cơ sở vật chất. Nếu chúng ta có xu thế tập trung đầu tư vào phát triển Công nghiệp văn hóa thì thực sự không thiếu gì việc để đầu tư! Ví dụ, phải chủ động tạo ra các sự kiện thu hút đông khán thính giả và du khách, như tạo ra các lễ hội văn hóa, hội chợ sách, giao lưu giữa tác giả và người mua sách, tổ chức các triển lãm chất lượng về văn học và văn hóa dân gian, về nhiếp ảnh và mỹ thuật, liên hoan điện ảnh và sân khấu, các triển lãm và hội thảo về Đông y và Nam dược, các lễ hội thời trang và ẩm thực, trưng bày sinh vật cảnh (loạt lễ hội này có kèm cả bán hàng tại chỗ)… Đương nhiên, muốn các sự kiện này được tổ chức hoành tráng và hấp dẫn, Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí, không chỉ khoán trắng cho các doanh nghiệp hoặc các đoàn thể xã hội - nghề nghiệp, vì họ không có đủ kinh phí.
Thách thức cuối cùng là vấn đề nhân lực. Muốn làm tốt văn hóa, thì phải có người có kiến thức chuyên sâu về văn hóa.
Lực lượng sáng tạo văn học - nghệ thuật ở Thủ đô (bao gồm cả lực lượng của các ngành Trung ương trên địa bàn) với 10 chuyên ngành (văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số) có thế mạnh rõ rệt về nhiều lĩnh vực, có nhiều thành tựu được thể hiện qua các hoạt động về xuất bản, trước tác và biên khảo, về nghệ thuật biểu diễn, làm triển lãm, sáng tác tranh tượng, ảnh, làm phim, sưu tầm, gìn giữ vốn văn hóa dân gian, các điệu múa làn điệu âm nhạc cổ, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô… đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Khả năng sáng tạo trong các lĩnh vực này của chúng ta rất lớn, nhưng khả năng làm nó thích ứng để tái tạo và phát triển sức sáng tạo này đi song hành với các nhu cầu xã hội rộng lớn, với quan niệm coi văn hóa và sáng tạo như một tiềm năng để phát triển thành một nền công nghiệp thực thụ, cần tích lũy đủ kinh nghiệm cũng như vốn hiểu biết toàn diện, để vận dụng được nó nhuần nhuyễn và thuần thục. Từ chuyển đổi nhận thức lại phải mau chóng tiến tới thay đổi cơ cấu tổ chức kịp thời. Đây là vấn đề rất quan trọng, nhằm đảm bảo quy trình khai thác các sản phẩm sáng tạo bước theo cơ chế công nghiệp. Để bắt vào xu thế mới, vươn tới tầm nhìn khác, biến các hoạt động này chuyển hóa và hình thành nên một nền Công nghiệp sáng tạo, vận hành có hiệu quả, trong xã hội hôm nay đã công nhận sự tồn tại của nền kinh tế thị trường, thì chúng ta lại cần phải có một cách điều chỉnh mới và hình thức tổ chức mới cho phù hợp. Ví dụ, bên cạnh Hội, phải được phép thành lập các công ty, các xưởng sản xuất độc lập, khác với mô hình Hội. Và đương nhiên, bước đầu đổi mới mô hình này phải có sự trợ giúp cần thiết về vốn liếng và cơ sở vật chất ban đầu của Nhà nước, nếu không, một mô hình từ thời bao cấp không thể nào một sớm một chiều tự chuyển hóa được thành mô hình hoạt động hiệu quả đối với cả nền Công nghiệp văn hóa và Công nghiệp sáng tạo. Dù sao, chúng ta vẫn kỳ vọng, là sau khi có Nghị quyết số 09/NQ/TU ngày 22/2/2022 vừa qua của Thành ủy, Thủ đô chúng ta đã có một đòn bẩy hữu hiệu để phát triển Công nghiệp văn hóa và rộng hơn là Công nghiệp sáng tạo mạnh mẽ, sớm biến nó trở thành một nền công nghiệp mũi nhọn của Thủ đô, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, có sức cạnh tranh quốc tế, đồng thời cũng góp phần tích cực để đưa Hà Nội trở thành một trong các Thành phố sáng tạo có tầm cỡ của châu Á và thế giới.