Viện Nghiên cứu Kinh thành vừa tổ chức Toạ đàm khoa học quốc tế 2021 với chủ đề “Gốm ngự dụng Hoàng cung Thăng Long” để trao đổi, nghiên cứu sâu hơn về đồ gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
Phát hiện quan trọng và thú vị nhất về đồ gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ là đồ sứ men trắng, thấu quang. Đây là những đồ sứ đặc sắc nhất, cao cấp và điển hình nhất trong số những sưu tập đồ sứ ngự dụng tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Phát hiện quan trọng này đã đem lại sự ngạc nhiên và sự cảm phục cho giới chuyên môn và những người yêu đồ sứ Việt Nam. Tiêu biểu sáng giá nhất cho minh họa này đó là chiếc bát men trắng, thấu quang, mang ký hiệu/mã số: BĐ02.A22.L9/A22.Gm.270 tìm thấy tại Hố A22, khu A, khu di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2003. Chiếc bát là đồ vật hiếm hoi còn nguyên vẹn nhất trong tất cả các loại đồ gốm ngự dụng thời Lê sơ đào được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Bát có kích thước đường kính miệng 12,5cm, cao 6,5cm, đường kính đáy 6,35cm và nặng 114 gam. Đặc điểm nổi bật của chiếc bát hiếm quý này là có màu sắc tinh tế, hình thức tao nhã và có trọng lượng rất nhẹ. Thai cốt mỏng nhẹ như vỏ trứng, xương gốm cứng chắc, ánh sáng xuyên qua thai cốt gọi là sứ thấu quang và men có màu trắng ngà hay trắng kem óng mịn, được phủ kín dưới đáy và cả vành chân đế.
Khẳng định nguồn gốc gốm Việt
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí: Chiếc bát sứ men trắng, thấu quang được đánh giá là một trong những đồ sứ ngự dụng quý hiếm nhất của Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Đây là phát hiện vô cùng quan trọng và có ý nghĩa khoa học rất lớn trong lịch sử gốm cổ Việt Nam, bởi đây là lần đầu tiên ở Việt Nam tìm thấy bằng chứng chắc chắn về sản phẩm của lò quan Thăng Long, chuyên chế tác đồ sứ cao cấp dành riêng cho nhà vua sử dụng trong Hoàng cung. Dấu hiệu để minh chứng thuyết phục cho điều này được chỉ định đó là hình rồng và chữ “Quan”.
Có thể nói, những khám phá quan trọng của khảo cổ học tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2002-2004 đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá, cho chúng ta thấy chân thực, rõ ràng hơn về các loại đồ gốm dành cho nhà vua. Đây là những đồ dùng, vật dụng không thể thiếu, có vai trò rất quan trọng trong đời sống Hoàng cung, từ cuộc sống sinh hoạt thường nhật đến các yến tiệc của nhà vua và triều đình trong các dịp đại lễ, sinh nhật vua, lễ đăng quang của nhà vua hay lễ tấn phong Hoàng Thái hậu. Ngoài ra, nhiều đồ gốm quý còn được dùng làm đồ tự khí trong các tôn miếu hay được dùng làm đồ vật trang hoàng nội thất của các cung điện, lầu gác nhằm điểm tô vẻ đẹp quyền quý, cao sang của chốn cung đình.Cũng từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu, khái niệm về đồ gốm cao cấp của Việt Nam chuyên chế cho nhà vua sử dụng hoặc chung cho Hoàng tộc, triều đình được nhận biết khá rõ ràng.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh thành, đồ sứ ngự dụng tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, không những cung cấp bằng chứng quan trọng trong việc nghiên cứu đồ gốm lò quan Thăng Long và đồ gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long, mà còn cho chúng ta có những cảm nhận chân xác và sâu sắc hơn về các loại hình đồ sứ ngự dụng dành riêng cho các vua chúa Đại Việt sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long xưa.