Thạch Thất là vùng đất gốc của người Việt cổ, nhưng cho đến nay vẫn còn ít người biết vùng đất này là căn cứ kháng chiến của Hai Bà Trưng. Tháng 2 năm 40, Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán đã nhận được sự ủng hộ của dân chúng Âu Lạc nên cuộc khỏi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo đã giành thắng lợi. Nhưng đầu năm 41, nhà Đông Hán lại sai tướng Mã Viện cầm đầu đội quân sang xâm lược nước ta. Vì quân sĩ còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm chiến đấu nên không chống đỡ được hai cánh quân thủy bộ hùng mạnh của địch, vì vậy, Hai Bà đã cho rút quân về Cấm Khê lập căn cứ kháng chiến. Năm 43, quân sĩ của Hai Bà dù rất quyết chiến song đã thua trận. Hai Bà gieo mình xuống sông Hát Giang (sông Đáy) tự vẫn.
Nhưng Cấm Khê ở đâu? Trong một thời gian dài các nhà nghiên cứu lịch sử không thống nhất được địa điểm Cấm Khê. Có sách nói Cấm Khê thuộc đất Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), lại có ý kiến cho rằng Cấm Khê thuộc huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Thế nhưng về quân sự, Cấm Khê ở Vĩnh Tường hay ở Yên Lạc đều không hợp lý, vì cả hai vị trí này ở trên một dải đồng bằng hẹp nằm ngay bên tả ngạn sông Hồng, vào mùa mưa lũ hằng năm thường bị ngập nước (vì ngày đó chưa có đê). Ở dải đồng bằng, làm sao Hai Bà Trưng có thể tổ chức kháng chiến chống lại cuộc bao vây càn quét của hai vạn quân giặc đang nắm ưu thế trong mấy năm? Như vậy, căn cứ kháng chiến phải là nơi hiểm yếu, có thể phòng ngự, song lại phải mở để kết nối với các căn cứ khác và nhận tiếp tế lương thực của dân chúng thì mới có thể bảo vệ được căn cứ trong mấy năm.
Sau khi khảo cứu tư liệu và nghiên cứu trên thực địa, năm 1972, nhà sử học Đinh Văn Nhật đã tìm ra Cấm Khê chính là khu vực thung lũng Kim Khê (gọi nôm là Suối Vàng), nơi có con suối Vàng chảy qua. Suối này bắt nguồn từ Lương Sơn (Hòa Bình), chảy qua xóm Suối Vàng rồi vào địa hạt xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) thành suối Hạ Bằng, rồi đổ vào sông Con ở huyện Quốc Oai. Thung lũng Suối Vàng cũng gần Hạ Lôi - Kẻ Lói, được coi là quê hương của Hai Bà.
Ngoài ra, còn có những chi tiết khác phù hợp với giả thuyết Cấm Khê là căn cứ kháng chiến của Hai Bà Trưng nên Đinh Văn Nhật đã công bố trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 148. Nhưng thời điểm ấy, Mỹ ném bom miền Bắc, sau đó, đất nước có nhiều sự kiện xảy ra nên chuyện này cũng chìm vào quên lãng. Cho đến năm 1993, Viện Sử học tổ chức một đoàn đi điền dã ở Thạch Thất, sau khi khảo sát kỹ càng, các nhà nghiên cứu thống nhất rằng, phát hiện của Đinh Văn Nhật về Cấm Khê ở Thạch Thất là căn cứ kháng chiến của Hai Bà Trưng là hợp lý.
Không chỉ là vùng đất lịch sử, Thạch Thất còn là nơi có nhiều chuyện lạ. Năm 1925, ở chùa Tây Phương đã xảy ra một vụ trộm. Một nhóm khách trú, ngày đi bán đồ mây, tre đan, tối vào chùa xin ngủ nhờ. Một ngày, nhà chùa phát hiện bọn họ đã cưa hươu thờ, bóc nét chữ ở câu đối và đục cột lấy của. Một chuyện khác cũng rất lạ là Thạch Thất có nhiều nghề thủ công độc đáo. Làng Bình Xá có nghề làm dép bằng vỏ dừa, bẹ cau, cói và mây. Dân Chàng Thôn có nghề làm dù lượn bằng khung tre, cán gỗ lợp lụa, sa tanh, không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang Pháp. Làm bún thì rất nhiều nơi ở Bắc Bộ có nghề này nhưng bún ở Minh Thanh xưa không chỉ ngon nổi tiếng tỉnh Sơn Tây mà ở đây có tục rất thú vị. Họ tặng quà Tết bằng bún; mừng đám cưới, đám khao, đám giỗ cũng bằng bún. Ít ai biết, những chiếc guồng nước hoa khế và chôn ốc dùng trong sản xuất nông nghiệp một thời lại bắt đầu từ xã Đại Đồng của Thạch Thất.