Đời sống văn hóa

Chuyện lạ về “Giếng Cấm” từng lấy nước tiến vua ở Cố đô Huế

Hà Oai 24/03/2024 18:29

Một giếng cổ độc đáo có tên Hàm Long ở TP Huế hay được người dân lớn tuổi đang sinh sống ở Thừa Thiên Huế kể lại cho con cháu nghe với những giai thoại khác nhau gắn liền với lịch sử của các vua triều Nguyễn (1802-1945).

Giếng Hàm Long với truyền thuyết rồng quấy phá

Mặc dù rất ít người qua lại và không còn ai lấy nước sử dụng vào ăn uống nhưng giếng cổ độc đáo mang tên Hàm Long (miệng rồng) ở chân núi Bình An Sơn và gần đường lên chùa Báo Quốc (TP Huế) hay được người dân lớn tuổi đang sinh sống ở Thừa Thiên Huế kể lại cho con cháu nghe với những giai thoại khác nhau gắn liền với lịch sử của các vua triều Nguyễn (1802-1945). Giếng nằm trong khuôn viên của chùa Báo Quốc (phường Đúc, TP Huế) và thỉnh thoảng mới có người ghé qua khi họ lên chùa Báo Quốc hoặc đến giếng thắp hương hay chỉ các cụ già rảnh rỗi mang quần áo đến giặt, rửa chân tay…

z5261820154208_159e236eb9eed225844bbe881156ac92.jpg
Giếng Hàm Long nằm dưới chân núi Bình An Sơn.

Sau khi nhiều lần hỏi đường đi, cuối cùng PV Tạp chí Người Hà Nội cũng đến được giếng Hàm Long và chúng tôi bắt gặp bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Dung (75 tuổi, trú ở phường Đúc, TP Huế) đang giặt mấy bộ quần áo cho mình cũng như áo quần con cháu. Theo bà Dung kể, “hiện nay rất ít người sử dụng nước giếng Hàm Long bởi đã có sẵn nước máy sử dụng ở nhà, rảnh rỗi không có việc gì làm và ở nhà buồn nên khoảng 2 hoặc 3 ngày tôi lại mang vài bộ quần áo ra giặt cũng như đi lại thể dục luôn”.

Những người dân lớn tuổi sống gần chùa Báo Quốc hay truyền miệng nhau và kể chuyện cho con cháu sau này nghe rằng, giếng Hàm Long ra đời gắn liền với việc hình thành của nhà Nguyễn. Theo đó, khi vua Nguyễn từ Bắc vào xứ Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế ngày nay - PV) khai hoang bờ cõi, vùng đất này vẫn còn hoang sơ và có nhiều điều thần bí, con người sống thưa thớt và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.

Sau khi vua Nguyễn vào Phú Xuân định đô chưa được bao lâu, nhà vua cũng như nhân dân trong vùng không được ngủ yên vì có một con rồng ngày đêm hô mưa gọi gió và gây ra sóng gió ầm ầm. Nhà vua lo lắng cho vận mệnh của đất nước và cuộc sống của nhân dân nên đã sai các quan thần trong triều đi khắp nơi các vùng đất để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Tuy nhiên, một ngày có một ông thầy phong thủy từ phương xa tới diện kiến nhà vua và phán rằng, trước mặt kinh thành (Đại nội Huế bây giờ) có một dãy núi thiêng với nhiều long mạch. Đặc biệt, long mạch ở đây mang nhiều điểm thần bí so với long mạch ở những nơi khác là biến hóa khôn lường và muôn hình vạn trạng, lúc to lúc nhỏ và lúc nhô cao lúc xuống thấp, lúc nghịch lúc thuận, lúc ẩn lúc hiện là do con rồng quấy phá. Sau đó, thầy phong thủy cũng lại phán, nơi đây hội tụ sinh khí thịnh vượng không đâu có được nên nhà vua nghe theo thầy phong thủy là mời vị cao nhân về cúng bái và yểm long mạch chế ngự con rồng hay quấy phá.

Quả nhiên, con rồng thiêng không còn quấy phá nhà vua và nhân dân nữa. Từ đó, ngọn núi nơi con rồng ẩn nấp được đặt tên là Bình An Sơn, cái tên còn tồn tại cho đến ngày nay. Còn theo bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Dung, việc con rồng quấy phá là truyền thuyết của người xưa kể cho nhau nghe và không có cơ sở nhưng giếng Hàm Long thực sự không bao giờ cạn, nước luôn trong sạch, thậm chí mưa lụt cũng không bị đục ngầu như các giếng khác.

“Giếng Cấm” cung cấp nước cho vua nhà Nguyễn

Người dân sinh sống gần giếng Hàm Long thông tin cho biết, giếng nước Hàm Long đã có từ lâu đời và ước chừng cũng khoảng 350 năm nay. Tấm bia đá được người làng và chùa Báo Quốc lập từ năm 2005 có ghi “Giếng Hàm Long có tên chữ Hán là Hàm Long Tĩnh. Theo bộ Hàm Long Sơn Chí thì giếng xuất hiện cùng thời với việc khai sơn chùa Báo Quốc khoảng năm 1674. Đáy giếng có đá như hàm rồng. Nước trong đá tuôn ra mát lạnh có vị ngọt nên ngạn ngữ có câu “Giếng Hàm Long trong lại ngọt, anh thương em rày có Bụt chứng tri””.

Theo Đại Nam Nhất Thống chí, “Buổi đầu khai quốc, các quan lại triều đình thường lấy nước giếng này để vua dùng nên lại có tên nữa là Giếng Cấm”. Cũng kể về giếng Hàm Long lại có ý kiến cho rằng, hồi xưa nơi này còn hoang sơ và thiền sư Tổ Giác Phong đã lập nên chùa Báo Quốc vào cuối thế kỷ XVII và đã đào một cái giếng để lấy nước ngay dưới chân núi. Bỗng từ dưới giếng có mạch nước ngọt tỏa mùi thơm ngát phun ra liên tục như miệng con rồng phun nước nên đặt là giếng Hàm Long.

z5261821341187_cca2133ef0ca9b99a697a5bc72b3e974.jpg
Bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Dung dùng nước giếng Hàm Long giặt quần áo.
z5261822154832_d2ec708a977cafadf32f175ba20c8c01.jpg
"Giếng Cấm" có nước trong và vua triều Nguyễn từng sử dụng.

Một sự tích khác lại nói, khi người ta đào giếng để lấy đá thì đào đúng viên đá dẫn lộ xuống mạch nước ngầm và đá quá giống miệng con rồng nên người ta đặt tên là Hàm Long. Hiện, trên tấm bia ở giếng có hình tượng một con rồng uốn lượn, mạnh mẽ uy nghi.

Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Báo Quốc trở thành nơi giặc cất giữ vũ khí, đóng quân và biết nước giếng Hàm Long ngon ngọt nên chúng đã biến nơi đây thành ô uế bởi những phế phẩm trâu bò bị vứt lại sau khi cướp của dân về mổ xẻ. Dần dần, không biết vì lý do gì mà giặc cứ bị bệnh rồi chết một cách bí ẩn. Câu chuyện đó cũng được người dân truyền tai kể cho nhau nghe đến ngày nay.

Theo tìm hiểu, giếng Hàm Long có từ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần và người dân trong vùng ai cũng đến đây gánh nước về dùng. Tuy nhiên, đến thời vua Gia Long thì nước trong thành bị bẩn đục nên các quan lại mới cho người sang giếng Hàm Long gánh nước về cho vua dùng, từ đó giếng Hàm Long trở thành giếng cấm và người dân không được sử dụng nữa.

Nước giếng Hàm Long hiện nay rất ít được người dân sử dụng mà chỉ phục vụ cho mục đích cúng bái cầu nguyện may mắn, sức khỏe, bình an và tham quan chiêm ngưỡng. Hàng năm, người dân nơi đây vẫn tổ chức làm vệ sinh giếng nên lúc nào nước cũng trong sạch với hàng cây phía trên tạo bóng mát trong những ngày hè oi bức.

Bài liên quan
  • Bảo tồn “Giếng làng” giữa nội đô Hà Nội
    Việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hoá, không gian công cộng đóng vai trò quan trọng trong nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân, đồng thời góp phần rất lớn vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Đại úy Rosalie”: Câu chuyện chiến tranh đầy cảm xúc từ góc nhìn trẻ thơ
    Crabit Kidbooks phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách thiếu nhi “Đại úy Rosalie” – tác phẩm mới nhất của nhà văn, nhà soạn kịch người Pháp Timothée de Fombelle. Sách dày 72 trang, được minh họa bởi họa sĩ Isabelle Arsenault, do dịch giả Bùi Kim Ngân chuyển ngữ.
  • Cầu Long Biên bắc qua miền yêu thương
    Có đôi lúc tôi nghĩ, con người ta phải sống bao nhiêu cuộc đời mới đi hết được chiều dài thời gian, mới hiểu và cảm nhận đầy đủ lịch sử của cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, một cây cầu chạm vào ba thế kỷ. Cầu giống như con rồng khổng lồ uốn lượn trên cao với từng lớp vẩy thép đan xen, ngày đêm lặng lẽ bảo vệ người dân qua lại nơi dòng nước chảy xiết. Cây cầu ấy mang tên Long Biên, cây cầu bắc qua miền yêu thương.
  • Trưng bày “Bút sắc, lòng son”: Tái hiện tinh thần, khí phách của người chiến sĩ cộng sản
    Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức. Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/8/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
  • Hà Nội tăng cường tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe cho học viên
    Từ ngày 15/7 đến 31/7, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) sẽ tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe cho khoảng 2.000 - 3.000 học viên/ngày.
  • Đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch thông minh đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch “Đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch thông minh trong lĩnh vực du lịch” nhằm thực thi hiệu quả các chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW trong lĩnh vực du lịch.
Đừng bỏ lỡ
Chuyện lạ về “Giếng Cấm” từng lấy nước tiến vua ở Cố đô Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO