Chuẩn bị triển khai đường bay thẳng Việt Nam - Israel
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết vào khoảng đầu tháng 10, đường bay thẳng Việt Nam - Israel sẽ được triển khai.
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Israel ngày 16.8. Đây là một trong những kết quả hợp tác đầu tiên sau khi hai nước ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel hồi tháng trước tại Israel.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Israel là đối tác quan trọng của Việt Nam với sự phát triển kỳ diệu, có trình độ khoa học kỹ thuật cao, phát triển ứng dụng công nghệ phục vụ trực tiếp các ngành sản xuất. Trong khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực.
Những thành tựu đạt được của hai nền kinh tế tạo nền tảng thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Israel. Ông cũng kỳ vọng các doanh nghiệp Israel nghiên cứu, sớm có các dự án đầu tư mới vào Việt Nam, trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, điện tử, công nghệ tiêu dùng, thực phẩm...
Việc tăng cường hợp tác thương mại song phương hai nước đã được thúc đẩy thời gian qua. Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau, giúp hai bên đa dạng hóa chuỗi ngành hàng. Trong nỗ lực đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam - Israel năm 2020 đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không giữa hai nước, bao gồm dự định mở đường bay thẳng.
Về thông tin này, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat nhận định việc thiết lập đường bay thẳng giữa hai bên là cột mốc rất quan trọng.
Việc Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước, vùng lãnh thổ từ ngày 15.8 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại hai nước.
"Đây là vấn đề cơ bản trong chuyến đi của đoàn Việt Nam đến Israel trước đó. Cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 này, đường bay kết nối hai nước sẽ được thiết lập", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.
Theo Bộ trưởng, những điều này sẽ là nền tảng thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa hai nước về sau. Ông cũng hy vọng các doanh nghiệp Israel sớm có các dự án đầu tư mới vào Việt Nam, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, điện tử. Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên làm ăn, buôn bán.
Tháng 12/2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam - Israel đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không giữa 2 nước, trong đó có kế hoạch mở đường bay thẳng. Thời điểm đó, nhiều nhận định đánh giá, một trong những trở ngại chính khiến thương mại song phương chưa phát triển xứng tầm là do hai nước chưa có đường bay thẳng.
Do không có chuyến bay thẳng, hành khách Việt Nam đi Israel (và ngược lại) phải đi máy bay nối chuyến, quá cảnh ít nhất 1 điểm dừng (như Hong Kong, Istanbul, Frankfurt). Tổng thời gian di chuyển khoảng từ 15 giờ, cá biệt có hành trình lên đến 47 giờ.
Trước thông tin của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat nói, đây là cột mốc vô cùng quan trọng.
"Chúng ta sẽ có cơ hội tuyệt vời để hai nước đẩy mạnh tăng trưởng trong du lịch, kinh doanh cũng như lĩnh vực khác", ông Nir Barkat đánh giá. Việc tạo hành lang kết nối thuận lợi sẽ giúp nhiều sản phẩm của Việt Nam tiếp cận nhanh chóng với thị trường Israel; ngược lại, công nghệ của Israel sẽ dễ dàng đến với Việt Nam.
Chia sẻ về lợi thế của Việt Nam, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat nhận định, Việt Nam không chỉ là một quốc gia với dân số 100 triệu người, là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhất trong khu vực châu Á mà còn là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận các thị trường Nam Á và Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Hồng Diên cho biết quy mô thương mại 2 chiều Việt Nam - Israel luôn duy trì đà tăng trưởng tích cực ngay trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp phải những tác động tiêu cực từ đại dịch.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác nhập khẩu thứ 2 của Israel ở khu vực ASEAN trong khi đó, Israel cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Tây Á và Trung Đông.
Bộ trưởng Công thương Việt Nam cũng hy vọng, với thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ, doanh nghiệp Israel sớm có dự án đầu tư mới vào Việt Nam, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm…