“Chợt xanh về thương nhớ mênh mang”
“Đêm hoa vàng” là tập thơ mới ra mắt của nhà thơ Bình Nguyên Trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5/2024. Nhan đề cuốn sách cũng là tên của một bài thơ trong ấn phẩm. Tập thơ gồm 43 thi phẩm, 124 trang, được chia làm hai phần: “Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội” và “Niệm”.
Lật những trang thơ trong phần “Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội”, dâng tràn một màu xanh vời vợi nhớ thương, thơm tho và nguyên lành xen trong niềm nuối tiếc những ngày đã cũ. Đó là những tiếc nhớ vương vấn đã qua và là nồng nhiệt tuổi trẻ:
Có thể một sáng nào ngủ dậy
giấc mơ ngày xưa theo gió quay về
ngoài khung cửa trời xanh màu quá khứ
và tim ta nao nức mùa hè
Nắng chất vấn ta về tuổi trẻ
những tháng năm lộng lẫy qua rồi
hay vẫn đấy trong phượng hồng rực cháy
môi thanh xuân còn tiếc một chân trời
Ta đã qua bao đoạn đường đời
phượng nhỏ máu những mặt đường bặt gió
bàn chân bỏng niềm đau vụn vỡ
vết dấu còn phía cuối một câu thơ
(Có thể một sáng nào ngủ dậy)
là:“Người đã vắng mà ngày vời vợi/ Còn loang một bờ cõi riêng tôi” (Nguyện cầu tháng Tám), và:“tôi ngồi đây tôi của xưa cũ rồi/ của ngày bơ vơ tìm tình yêu lối nhỏ/ hoa rụng tím một chiều đầy gió (Khoảng trời màu tím), và dù thế nào vẫn vờn lên một sắc xanh lưng trời: “cỏ của nhớ thương còn xanh tha thiết cuối trời” (Khoảng trời màu tím).
Là những nhói lòng vang lên khi chợt gặp cảnh cũ:
Trên bến sông thuyền nhỏ chở cơn mê
Cho ta trôi về bờ tuổi trẻ
Cỏ may đẫm sương người đi lòng chưa gỡ
Nguyện thề xưa còn nhói đến giờ.
(Trong cơn giông tình cờ)
Nhưng dù vậy, có lẽ “Đêm hoa vàng” của Bình Nguyên Trang mang một nỗi buồn dửng dưng. Là buồn đấy, nhưng lại dửng dưng, tưởng mâu thuẫn nhưng sự dửng dưng ấy chính là một cách thản nhiên đối diện, một chút bất cần chăng:
Từng vốc buồn
ném vào sẫm tối
tàn tro bay màu cánh hoa hồng
trong ánh sáng cuộc đời hư ảo
còn bóng người như một chấm sao
Không mặt nạ
không bụi mù xiêm áo
chợ phù du lời mua bán ồn ào
yên lặng quá
yên lặng là ngôi đền an trú
ta soi vào thăm thẳm đời nhau
(Tự sự)
Phần “Niệm” với 17 thi khúc thực sự là một nốt lặng. Dường như, khi ta tìm tới chùa chiền, lòng ta sẽ bình yên hơn:
“Nếu có chùa thì chính mỗi chúng ta là ngôi chùa đó, chẳng phải chen chúc cầu tìm đâu xa. Hãy dọn cỏ, hãy làm sạch lối đi, hãy đốt trầm cho ngôi chùa Tâm ta thơm ngát. Chúng ta đã bỏ quên ngôi chùa trong lòng mình bấy lâu, mặc cho rêu tham sân bám kết. Chúng ta lang thang cầu bơ cầu bất. Chúng ta đợi Thần Phật. Chúng ta cúi rạp đầu và khấn.” (Chùa ở đâu).
Bắt đầu khúc “Niệm” với bài thơ “Chùa ở đâu”, Bình Nguyên Trang dường như khẳng định rằng hồn thơ “Đêm hoa vàng” đã bước sang một nốt lặng, một sự chững lại như đã đủ trải nghiệm, đủ để hiểu rằng:
Kinh kệ làm chi nếu để mẹ buồn
mẹ đã già rồi như gió lắt lay
mẹ đã ôm con một đời không mỏi
mẹ vẫn ôm con lúc con lầm lỗi
ai buông tay con cũng không sợ hãi
khi sau lưng con còn mẹ vỗ về
(Đoản khúc dâng mẹ)
Hồn thơ đằm thắm ấy không còn nhiều rung động xôn xao nuối tiếc quá vãng nữa mà đã chững lại để “Trò chuyện với hoa”, để tự nhủ “Tôi ơi đừng ngại/ giá lạnh cuộc đời/ trái tim còn vui/ tình còn ấm nóng” (Trong tình riêng tôi) hay:
Đầy ắp hay rỗng không
đâu cần chi phải nói
người đã đi qua sông
hay người đang còn đợi
buông mong ngóng đi rồi
VỀ khác gì ĐÃ TỚI
[…]
Vô ngôn hay có lời
đâu còn là dấu hỏi
chiều đi chiều lại tới
đâu bận lòng nắng rơi…
(Chiều)
Từ một nỗi buồn mênh mang trong “Nguyện cầu tháng Tám”, xuyến xao trong “Khoảng trời màu tím”, trăn trở trong “Xin tình yêu còn lại”, khát khao yêu trong “Trong mênh mông thiên hà” đến sẵn sàng cho “Một mình thu”, nhìn ra “Màu thế gian” để đến “Những mùa trăng ta đã quên” hay “Trở về” là một hành trình của biến động mạnh mẽ về cảm xúc đến sự đằm thắm vững vàng. Và: “Hoa vàng ơi/ vàng ơi hoa đêm/ Người còn ở đây hay về chân trời khác/ Liên quan không mà ta bận lòng” (Đêm hoa vàng).
Tập thơ giàu cảm xúc như trôi trong thiên hà vời vợi xanh - màu xanh ký ức và màu xanh khung trời thơ mộng nhiều ước mong: “Lá hoa bay tháng Tám ấm vai người/ cho tôi tựa những chênh chao mùa hạ/ môi khô khát, ngực sầu ủ rũ/ chợt xanh về thương nhớ mênh mang” (Nguyện cầu tháng Tám). Không ít lần, Bình Nguyên Trang khẳng định những chiêm nghiệm cuộc đời qua từng góc nhìn tinh tế. Có lẽ vì thế mà “Đêm hoa vàng” thực sự rất thơ, lại như mộng như thực, như hoa vàng trong đêm…